Vội vàng rào chắn khi chưa có phương án phân luồng giao thông?
Liên quan đến việc rào chắn 2/3 đường Nguyễn Xiển để phục vụ thi công 4 ga (13/2.12, 13/2.13, 13/2.14, 13.0) thuộc gói thầu số 02 – Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội) gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong những ngày qua, trao đổi với phóng viên VOV.VN, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (C08 - Bộ Công an) cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc rào chắn cứng, chiếm dụng phần lớn diện tích tuyến đường huyết mạch Nguyễn Xiển gây ùn tắc giao thông, Cục CSGT đã cử cán bộ xuống phối hợp với với Phòng CSGT Hà Nội nắm tình hình.
“Thông tin sơ bộ, tuyến đường Nguyễn Xiển nằm trong hệ thống đường vành đai 3 huyết mạch ra vào thủ đô Hà Nội và gần như thực tế hiện nay chưa có tuyến đường nào có thể thay thế. Mặc dù vậy nhưng đơn vị thi công và các cơ quan chức năng có liên quan rào chắn đến 2/3 lòng đường ở 4 khu vực trong khi chưa hề có phương án phân luồng giao thông từ xa khiến tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực này càng thêm phức tạp”, đại diện Cục CSGT cho hay.
Theo vị đại diện Cục CSGT, đơn vị này sẽ có những kiến nghị với các đơn vị liên quan của TP. Hà Nội để sớm tháo gỡ vấn đề này.
“Trước mắt chúng tôi kiến nghị rào chắn cơ động, theo phương án làm đến đâu rào đến đó và xong thì giải phóng ngay. Kế hoạch này vừa phục vụ thi công dự án này vừa phải đáp ứng yêu cầu giao thông chứ không thể rào cứng như hiện nay", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Đơn vị thi công rào chắn liệu có vội vàng?
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức-Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT – Công an TP. Hà Nội) cho biết, hiện tại người tham gia giao thông vẫn đang di chuyển theo lộ trình quen thuộc, thông tin điều chỉnh phân luồng giao thông từ xa chưa có, người dân chưa nhận biết được cụ thể nên việc rào chắn 4 điểm có đoạn chiếm dụng hết 2/3 lòng đường Nguyễn Xiển để phục vụ thi công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình giao thông.
“Chúng tôi vừa mừng khi các cơ quan chức năng mở thêm được 1 làn xe để phục vụ giao thông thì nay chỉ có 1 đoạn đường Nguyễn Xiển thôi mà rào chắn tới 3-4 ô lớn, có đoạn chiếm tới 2/3 lòng đường… khiến tình hình ùn tắc giao thông tại khu vực càng thêm phức tạp hơn rất nhiều. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá tình hình và phối hợp báo cáo, thông tin với các cơ quan có liên quan để hạn chế tối đa thời gian thi công và bố trí sao cho hợp lý nhất. Có thể tính toán sau khi thi công từng hố 1 xong có thể thu hẹp rào chắn…”, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Theo Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, hiện nay, bên cạnh việc phối hợp với nhà thầu, đơn vị có liên quan, cắt cử cán bộ phân luồng giao thông thì Đội CSGT số 7 phối hợp thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được tình hình và chủ động điều chuyển lộ trình, luồng tuyến đi lại cho phù hợp.
“Chúng tôi đề nghị nhà thầu và đơn vị thi công cố gắng rào chắn phạm vi nhỏ nhất, sử dụng tối đa con người và máy móc để thi công nhanh nhất. Khi thi công xong thu hẹp tối đa rào chắn để tránh ảnh hưởng đến tình hình giao thông. Đề nghị đơn vị thi công, trước khi tiến hành rào chắn, nhất là vào ban đêm thông báo cho lực lượng CSGT địa bàn để chủ động phối hợp, hỗ trợ phân luồng giao thông ngay từ đầu cho phù hợp. Đơn vị thi công rào chắn vào đêm 4/11, sang sáng 5/11, chúng tôi không nhận được thông báo nên hoàn toàn bị động, không bố trí kịp lực lượng ngay từ ban đầu ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình giao thông”, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức cho hay.
Thiếu tá Nguyễn Minh Đức cho rằng: “Trước khi tiến hành thi công, nhiều đơn vị vừa vội vàng, quên mất thông tin với các cơ quan chức năng có liên quan, đặc biệt là không thông tin tuyên truyền trước trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được tình hình và điều chỉnh lộ trình sao cho phù hợp… Hy vọng Sở GTVT Hà Nội và các cơ quan liên quan phối hợp với nhau để điều tiết giao thông sao cho hài hòa. Cũng mong người dân khi trực tiếp tham gia giao thông có những lựa chọn thời gian, sắp xếp cung đường lưu thông cho phù hợp”./.
Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội) tổng diện tích 13,8ha, có tổng vốn đầu tư hơn 61 triệu Yên Nhật (hơn 800 triệu USD - tương đương hơn 16.293 tỉ đồng). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, chiếm tới 85% tổng vốn đầu tư; còn lại là vốn đối ứng của Hà Nội.
Dự án được khởi công ngày 7/10/2016. Gồm 4 gói thầu xây lắp chính được tổ chức đấu thầu cạnh tranh quốc tế, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000 m3/ngày đêm, gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính, gói thầu số 3 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ, gói thầu số 4 xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và các khu đô thị mới.
Dự kiến được bàn giao vào năm 2022, đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.