“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn” - câu nói rất đơn giản của chàng Rancho trong bộ phim nổi tiếng của Ấn Độ – Three Idiots (3 Chàng Ngốc) là chìa khóa cho không ít người đang đi tìm kiếm sự thành công trong cuộc sống.
Câu nói này được nhắc đi nhắc lại vô số lần, như một phương cách để tiếp thêm động lực và truyền lửa cho những ai đang gặp khó khăn và cần thêm năng lượng. Tuy nhiên, “đam mê” thật ra là một khái niệm tương đối trừu tượng và mơ hồ, đặc biệt đối với người trẻ vừa mới chân ướt, chân ráo chạm bước ngưỡng cửa cuộc đời.
Đam mê dường như đang bị phóng đại quá đáng
“Đam mê” chính là chiếc chìa khoá vạn năng mà những người đã thành công (xin mạn phép nhấn mạnh thêm chữ “đã”) sử dụng để mở toang những cánh cửa chạm đến đỉnh cao trong sự nghiệp và cuộc sống. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu tâm lý học đã chứng minh ‘đam mê’ chính là một trong những tác nhân gây nhiễu nguy hiểm đối với hành trình chạm mốc thành công.
Ngược lại, những con người thường hay bị lãng mạng hoá đam mê thường thiếu động lực cũng như sự tò mò về chính bản thân mình. Điều này khiến người ta bị động hơn trong việc khám phá cũng như tìm tòi để hiểu hơn về năng lực bản thân. Còn người sở hữu tư duy mở có xu hướng học hỏi, khám phá cao hơn. Không ngại trải nghiệm, không sợ thử thách chính là các yếu tố mấu chốt đưa họ đến với thành công.
Bấy nhiêu đó đủ để chúng ta giải phóng bản thân khỏi suy nghĩ đam mê là nhân tố cốt lõi để có thể tự do khám phá và chinh phục những điều mới lạ.
Chỉ đam mê thôi có thật sự đủ?
Khó có thể phủ nhận, đam mê là nguồn động lực lớn lao giúp chúng ta đối mặt với những khó khăn, thử thách trong công việc. “Đam mê” tiếp thêm năng lượng để chúng ta có thể vững bước và chinh phục những đỉnh cao mà mình hướng đến. Tuy nhiên, trên hành trình đầy gian khó và chông gai ấy, chỉ hai chữ “đam mê” thôi vốn là chưa đủ.
“Trăm hay không bằng tay quen”. Để trở nên thành thạo cũng như thuần thục trong một lĩnh vực nào đó, rèn luyện là yếu tố không thể bị bỏ qua. Bên cạnh đam mê, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đạo đức, thái độ làm việc… cũng là những yếu tố quyết định thành công của một cá nhân. Có một điều chắc chắn rằng, những thứ này thường không có sẵn và không tự nhiên đến với chúng ta.
Lãng mạng hoá đam mê khiến chúng ta ù lì
“Đam mê” là một phạm trù cảm xúc nên nó tương đối khó để có thể nắm bắt và rất dễ bị con người ta lãng mạn hoá. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể lập chiến lược tìm kiếm, chinh phục những xúc cảm mà chính bản thân mình cũng chưa thể hiểu rõ.
Việc có cái nhìn sai lệch về đam mê khiến chúng ta có cách tiếp cận sai lệch. Thay vì dấn thân để có thể khám phá, chúng ta ở yên một chỗ rồi mong chờ một ngày đẹp trời, đam mê sẽ đến. Nếu không cho bản thân cơ hội va chạm với cuộc sống để biết mình yêu gì, ghét gì, thế mạnh và nhược điểm của mình là gì, vậy làm cách nào để chúng ta có thể xác định được cảm xúc mang tên ‘đam mê’?
Bên cạnh đó, việc mù quáng theo đuổi đam mê còn khiến chúng ta tự hạn chế và giới hạn năng lực của bản thân. Trái Đất không ngừng xoay, cuộc sống vẫn duy trì vận động, không nằm ngoài ‘quỹ đạo’, chúng ta đương nhiên sẽ không mãi đứng yên một chỗ nếu ta không ép bản thân phải làm thế.
Hãy tỉnh táo và thật sự hiểu tường tận về đam mê để biết rằng bản thân mình cần gì và nên làm gì. Cuộc sống này vốn ngắn ngủi để đắm chìm trong chuỗi ngày tìm kiếm đam mê. Hãy mạnh dạn dấn thân để tìm hiểu, trải nghiệm và tận hưởng những xúc cảm mới mẻ. Thời điểm đó, đam mê sẽ tự nhận diện và đến với chúng ta trong một ngày đẹp trời không mong đợi.