Kết hôn, ly hôn trở thành “mốt”

"Tôi không bao giờ có thể quên cái ngày mà cha mẹ tôi ly dị. Nó như một sự xúc phạm. Họ yêu nhau nhưng phải làm điều đó vì con trai tôi", một người dân Bắc Kinh tên Huang cho biết.

Giống như nhiều gia đình, họ đã lên kế hoạch mua một ngôi nhà tại một quận có trường học tốt khi con trai của anh Huang – cháu trai của gia đình, bắt đầu đi học tiểu học. Nhờ việc ly hôn giả, họ đã trốn thuế 700.000 nhân dân tệ (khoảng 113.000 USD) khi bán một trong hai căn nhà – tất cả đều đứng tên của mẹ của anh này.

"Đó không phải là một giải pháp thông minh, nhưng nó giải quyết vấn đề của chúng tôi. Tôi có nghe nói về việc những cặp vợ chồng giả ly dị vì chính sách mới. Nhưng khi nó xảy ra với gia đình riêng của tôi, tôi đã rất buồn”.

Đầu tháng ba, Trung Quốc đã công bố một quy định, yêu cầu những người sở hữu hơn một căn hộ phải đóng thuế thu nhập 20% trên tổng lợi nhuận đầu tư chứ không phải là 1-2% như trước đây.

Điều đó có nghĩa là các cặp vợ chồng sở hữu hai căn nhà có thể tránh phải đóng thuế cao nếu họ chia tay, bởi mỗi bên chỉ sở hữu một căn nhà sau khi ly hôn.

“Thủ thuật” này đang đẩy tỉ lệ ly hôn của Trung Quốc lên cao. Tại Thượng Hải, danh sách các cặp vợ chồng ly hôn đã dài tới mức, văn phòng các vấn đề dân sự đã phải hạn chế số lượng các vụ ly dị mỗi ngày.

Trong khi đó, những người độc thân có hộ khẩu Bắc Kinh không được phép mua căn hộ thứ hai, vì thế, họ phải kết hôn giả để “lách luật”.

Rộ 'mốt' ly hôn, kết hôn giả ở Trung Quốc 1
  

Vài năm trước, người dân từ các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Nam Kinh cũng giả vờ ly hôn, kết hôn, để đủ điều kiện được đền bù tái định cư theo các hình thức nhà ở mới, khi nhà cũ của họ đã bị phá hủy hoặc tịch thu.

Một cặp vợ chồng cùng con trai - con dâu ở Ninh Ba, Chiết Giang, đã “vờ” ly dị. Sau đó, người bố chồng đã kết hôn với con dâu của mình nhằm giúp gia đình có thể được bồi thường nhiều hơn.

Tuy nhiên kế hoạch của họ đã bị công an địa phương phát giác và vì thế mà họ không được thay đổi đăng kí hộ khẩu.

Chuyện giả thành thật

Ming Li, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn gia đình và hôn nhân Trung Quốc cho biết: "Một số cặp vợ chồng cố gắng tìm lời khuyên từ chúng tôi về các vụ ly hôn giả vì thị trường nhà ở, nhưng chúng tôi luôn nói với họ không nên làm điều đó, vì những gì được coi là giả có thể trở thành hiện thực."

Điều này thực tế đã xảy ra với một vài người. Có nhiều cặp vợ chồng, sau khi giả ly hôn thì người chồng không còn về nhà nữa. Khi người vợ hỏi chồng, anh ta phủ nhận việc ly hôn giả. Anh biến nó thành lợi thế của mình để có thể cặp với bạn tình mới.

"Hôn nhân là điều thiêng liêng. Bạn không thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, đối xử với nó như một cuộc mua bán" – bà nói.

Rộ 'mốt' ly hôn, kết hôn giả ở Trung Quốc 2
  

Chen Yiyun, nhà nghiên cứu hôn nhân tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng đồng tình với quan điểm này. Bà nói thêm rằng trong văn hóa Trung Quốc, việc sở hữu một ngôi nhà là điều có ý nghĩa quan trọng nhất.

Yang Xiaolin, một đối tác với Công ty Luật Bắc Kinh Yuecheng, nói rằng theo luật, tài sản mua trước hôn nhân được coi là tài sản cá nhân chứ không phải là tài sản vợ chồng.

Khi họ kết hôn lại với nhau, nếu một bên không muốn thay đổi đăng ký sở hữu thì người kia không thể làm được gì.

"Và nếu một bên muốn kết hôn với người khác sau khi ly hôn giả, bên kia cũng không thể ngăn chặn nó bằng cách nói rằng "đó chỉ là ly hôn giả".