Trong những ngày đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu tại World Cup, mạng xã hội xuất hiện nhân vật "nhà báo Long Trần" (hoặc được nhắc đến với một số "biến thể" tên khác là Long Tran, Trần Long, Bình Long). Thông tin về nhân vật này rất mập mờ, không có nguồn xác thực danh tính, nơi công tác.
Nguồn phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt là các trang Facebook gắn tên cầu thủ nổi tiếng hoặc các đội bóng, nội dung lan truyền thường là những câu bình luận gây sốc (thường là quan điểm đi ngược lại quan điểm số đông, hoặc dùng ngôn từ phản cảm) để hút tương tác. Điểm chung của những bài đăng này là thường đính kèm đường dẫn đến các trang "rác", có tên miền tiếng nước ngoài, hoặc các cum kí tự, hoặc phần mở rộng không phổ biến (.app, .xyz).
Nội dung bịa đặt về đội tuyển nữ Việt Nam
Chưa dừng lại ở đó, sau khi dựng lên nhân vật "nhà báo", "chuyên gia", các trang mạng lại bịa đặt ra phát biểu đáp trả từ những nhân vật có thật. Ví dụ, có kẻ dùng ảnh huấn luyện viên Mai Đức Chung và một số cầu thủ của đội tuyển nữ Việt Nam, gắn thêm phát biểu công kích ngược lại ý kiến bịa đặt trước đó. Câu chuyện vì thế càng được lan truyền mạnh hơn. Không ít cổ động viên bóng đá, người dùng mạng xã hội chia sẻ lại để bàn tán, bày tỏ quan điểm thêm.
Trong khi đó, những thành viên của đội tuyển nữ Việt Nam hoàn toàn không biết gì về những thông tin này. Đến khi kết thúc nhiệm vụ và về nước, có thời gian nghỉ ngơi và lên mạng xã hội, họ mới phát hiện ra hình ảnh của mình bị gắn với phát biểu bịa đặt đang trôi nổi trên mạng. Trao đổi với VTC News, một số tuyển thủ khẳng định không có phát biểu nào như vậy và cảm thấy lo lắng về việc bị kẻ xấu mạo danh, bịa đặt thông tin.
Một số loại tin giả, bịa đặt được lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Những trường hợp kể trên là tung tin giả để hút tương tác, tăng truy cập. Ở cấp độ cao hơn, kẻ xấu thậm chí giả mạo cả cá nhân, tổ chức để lừa đảo. Trung tâm bóng đá cộng đồng của huấn luyện viên Park Hang Seo vừa mở chưa được bao lâu đã có đối tượng mạo danh.
Lợi dụng việc trung tâm này chưa kịp xin xác minh trang Facebook, những kẻ lừa đảo lập ra các trang khác có tên tương tự, sử dụng hình ảnh của "chính chủ" và chạy quảng cáo để hút khách. Để tăng tính thuyết phục, có trang giả mạo lấy cả logo của Trung tâm bóng đá PVF và đặt địa chỉ email có từ "bocongan".
Bên cạnh câu chuyện của đội tuyển nữ Việt Nam, cộng đồng mạng được dịp xôn xao trước màn đấu khẩu tưởng tượng của Quế Ngọc Hải, Nguyễn Công Phượng và... hoa hậu Ý Nhi, dù trên thực tế họ chẳng có động thái nào liên quan đến nhau trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông.
Trung tâm bóng đá của HLV Park Hang Seo bị mạo danh.
Những phụ huynh quan tâm đến chương trình học và muốn đăng kí cho con em tập bóng đá được đưa vào nhóm Telegram (ứng dụng nhắn tin). Tại đây, họ được yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ, hoặc phải đóng mức học phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Quản lí và nhân viên của trung tâm chỉ phát hiện ra việc bị mạo danh khi một số phụ huynh nghi ngờ thông tin trong nhóm lừa đảo và tìm đến tận nơi, đúng địa chỉ thật để xác minh. Có trường hợp phụ huynh lỡ đóng trước khoản phí vài triệu đồng.