Ngày 9/6, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các sở GD&ĐT về xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài để miễn thi bài thi môn ngoại ngữ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Theo đó, các chứng chỉ hợp pháp gồm: chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại Việt Nam trước 10/9/2022 (ngày Thông tư số 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có hiệu lực thi hành); chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại các địa điểm thi ghi trong quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam sau ngày phê duyệt (ngày 11/11/2022). Tiếp đó là chứng chỉ ngoại ngữ cấp cho người dự thi trực tiếp ở nước ngoài. Cuối cùng, chứng chỉ cấp cho người dự thi theo hình thức Home edition trước ngày 10/9/2022.

Rối quy định chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp: Khổ như... thí sinh! - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực để xét tuyển ĐH 2023. Ảnh: Mạnh Thắng

Như vậy, từ sau ngày 10/9 đến trước ngày 11/11/2022, hàng loạt đơn vị tổ chức các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, Aptis, Cambridge (Starters, Movers, Flyers, PET, KET), chứng chỉ HSK, HSKK (đánh giá năng lực Hán ngữ quốc tế), Nat-test (năng lực tiếng Nhật)… cũng bị thông báo hoãn việc tổ chức các kỳ thi để làm thủ tục xin cấp phép từ Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, bằng cách nào đó, một số trung tâm vẫn tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho học viên. Cụ thể, sau khi rà soát theo công văn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TPHCM có tới 700 học sinh có chứng chỉ IELTS nhưng được cấp trong khoảng thời gian Bộ GD&ĐT cho rằng không hợp lệ. Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, cho biết khi nhận được thông tin của Sở GD&ĐT Hà Nội gửi xuống, học sinh hoang mang, lo lắng.

Trường THPT Việt Đức có khoảng 70% học sinh có chứng chỉ IELTS, tương đương khoảng 500 học sinh. Các em đã tham gia xét tuyển một số trường ĐH có phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ và có đăng ký miễn thi tốt nghiệp. Sau khi rà soát, có một số em có thi ngoại ngữ vào thời điểm Bộ GD&ĐT yêu cầu các tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dừng để hoàn thiện quy trình cấp phép lại.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ GD&ĐT đã đưa ra hai văn bản “đá” nhau, ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh sắp bước vào đợt thi cao điểm nhất của năm, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Việc quy định chứng chỉ ngoại ngữ đáng lẽ Bộ GD&ĐT phải công bố cùng với thời điểm đưa ra hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp.

  Một số lãnh đạo trường THPT ở Hà Nội cũng tỏ ra lo lắng, băn khoăn vì từ ngày 13/6, các trường đã phát giấy báo dự thi cho học sinh. Phòng thi đã được chuẩn bị xong. Nếu mỗi điểm thi phát sinh thêm một số thí sinh, không biết sẽ sắp xếp như thế nào.

Trước phản ứng của dư luận, hôm qua, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã “quay xe” bằng văn bản gửi cho các Sở GD&ĐT với nội dung thí sinh đã đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được sử dụng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tổ chức thi và cấp sau ngày 10/9/2022 để xét miễn bài thi chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định.

Xét tuyển ĐH sẽ thế nào?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay khi nhận được thông tin của Bộ GD&ĐT gửi các Sở GD&ĐT về vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ, đã rà soát lại danh sách thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ tham gia xét tuyển bằng phương thức tài năng vừa qua. Phương thức này, ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố điểm chuẩn. Ông Điền cho hay, có 200 thí sinh trúng tuyển có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không có thí sinh nào dùng chứng chỉ được cấp trong thời điểm sau 10/9, trước 11/11/2022. Ông Điền cũng khẳng định, với các phương thức còn lại có quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ và xét tuyển sau ĐH, ĐH Bách khoa vẫn chấp nhận các chứng chỉ được cấp trong thời gian trên.

PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết, Đề án tuyển sinh của Trường chỉ thông báo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023 và không có thêm điều kiện gì khác.

Tuy nhiên, câu chuyện xét tuyển sau đại học ở các trường rất có thể sẽ có tình trạng trường không chấp nhận, thí sinh băn khoăn. Tháng 5 vừa qua, nhiều học viên nộp hồ sơ dự thi sau ĐH vào Trường ĐH Y dược TPHCM đã kêu cứu vì Trường không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài được cấp trước thời điểm Thông tư số 11/2022 có hiệu lực (tức là các chứng chỉ được cấp trước ngày 10/9). Bộ GD&ĐT đã phải vào cuộc và đã có 44 học viên được “vớt” đủ điều kiện dự thi vào Trường.

Thực tế, những chứng chỉ ngoại ngữ được cấp từ thời điểm sau 10/9 đến trước 11/11/2022 không hợp lệ. Vì đó là thời gian Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT kiểm tra các điều kiện đảm bảo để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 11/2022/BGDĐT về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn. Chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ GD&ĐT.

Chính vì vậy, hàng loạt tổ chức cấp chứng chỉ ngoại ngữ như Hội đồng Anh, IDP đã phải dừng tổ chức thi. Phải đến ngày 11/11/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 3646/QĐ-BGDT về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis. Đây cũng là mốc thời gian đánh dấu việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ trở lại của các đơn vị.

Do vậy, các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh hoàn toàn có quyền không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ trong thời điểm các tổ chức phải dừng tổ chức thi. Khi đó, thí sinh có quyền kiện ngược lại vì Bộ GD&ĐT chấp nhận để miễn thi tốt nghiệp THPT, tại sao trường ĐH không chấp nhận.