Lấy chồng, sinh con là bước ngoặt lớn của người phụ nữ. Nhiều người vẫn chia sẻ, mỗi người một số phận, may mắn thì lấy được gia đình chồng tốt, còn không thì sẽ rơi vào cảnh u uất, mệt mỏi kéo dài. Khoảng thời gian sau khi sinh có lẽ là giai đoạn khó khăn với bất cứ người mẹ nào khi vừa phải học cách làm quen với thành viên mới, vừa đối mặt với những thay đổi về tâm sinh lý...

Những lúc này, nếu không có sự quan tâm, chia sẻ từ nhà chồng thì mẹ bỉm dễ rơi vào trạng thái tủi thân, mệt mỏi, giống như câu chuyện của mẹ bỉm dưới đây khiến nhiều chị em vô cùng đồng cảm. 

"Làm sao để cân bằng mọi thứ?

1 giờ sáng, sau khi dỗ bé lớn ngủ vì tự nhiên sốt nên quấy thì dỗ bé em do chị khóc nên không ngủ được. Mình tự hỏi, sao người ta nuôi con dễ thế? Là do bé dễ, hay mẹ khéo chăm, hay do mình vụng về?

Stress thật sự. Bé 2 tuổi rưỡi, tháng nào cũng ốm, ít bữa lại đi bệnh viện 1 lần. Bé rất nghịch, ngày nào mẹ cũng càm ràm con. Con rất hay khóc, không có chuyện gì cũng khóc. Bé nhỏ chẳng ăn gì.

Bố bé phụ mình rất nhiều, từ công việc nhà cửa đến con cái. Nhưng rảnh được chút nào là cầm điện thoại. Không bao giờ chủ động chơi với con. Chúng mình bị mất kết nối, có đôi lúc bất đồng quan điểm trong cách dạy con.

Rơi vào bất lực vì "con quấy, chồng rảnh là xem điện thoại, mẹ chồng rửa tay qua loa sau khi vệ sinh cho cháu" - Ảnh 1.

Tâm sự nhói lòng của người mẹ.

Bà nội bé, tới đây phụ mình trông bé để mình đi làm. Bà không được cẩn thận. Bà hay than phiền về việc vợ chồng mình phạt con mỗi lần con hư, và thản nhiên bế con đi nếu con bị bố mẹ phạt. Mình không nghĩ mình quá sạch sẽ khi nói bà không cẩn thận. Bà chỉ rửa tay bằng nước sau khi vệ sinh cho cháu, hay bỏ quần dơ của cháu chung với đồ giặt máy hoặc khăn mặt... mình biết ơn bà, mình cũng cố gắng qua loa để dễ sống nhưng nói thẳng thì ở dơ mình không ở được.

Cuối cùng thì, mình chẳng biết như nào nữa. Mình rất hay cáu gắt. Từ con cái, từ chồng, từ sự than phiền của mẹ chồng, từ gia đình mẹ đẻ không hạnh phúc, từ tuổi thơ không mấy tốt đẹp. Mình không biết phải cân bằng như thế nào cả. Chẳng ai làm gì hay có chuyện gì mình tự nhiên tủi thân và rơi nước mắt. Không ít lần thấy chán và không còn muốn sống. Dỗ con chẳng được mình cũng bực tức, cáu kỉnh, sau đó ôm con rồi khóc chung. Mình không có ai để nói chuyện. Mình đã nghĩ đến việc liệu mình bị bệnh chăng? Mình không biết đi khám ở đâu và không dám đi khám vì sợ bệnh thật.

Phải làm sao để cân bằng được đây?

Làm sao để chăm con thật tốt?".

Từng lời gan ruột của người mẹ này khiến ai nấy đều thắt ruột. Có lẽ chỉ những người mẹ đã trải qua tình cảnh bất lực này mới thấu hiểu cảm giác mệt mỏi đó là như thế nào. Con cái là nguồn sống của mẹ, mẹ nào cũng yêu thương con vô bờ bến nhưng cuộc sống không chỉ có hạnh phúc mà còn rất nhiều điều khác phải lo toan. Và đôi khi, dù cố gắng đến mức nào, người mẹ cũng rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. 

Người mẹ trong câu chuyện trên đang không biết phải đối mặt với những chuỗi ngày tiếp theo như thế nào bởi chị biết nếu cứ tiếp tục thì mọi chuyện sẽ còn tệ hơn nữa. Con cái vẫn chẳng ngoan, chồng vẫn không chủ động chơi với con, mẹ chồng nuôi cháu theo cách phản khoa học... Và đó cũng là tình cảnh của không ít người mẹ hiện nay. 

Dưới phần bình luận, nhiều chị em đã gửi lời động viên và chia sẻ cách giúp người mẹ này vượt qua. Họ cho rằng, người mẹ có vui vẻ thì con cái, gia đình mới êm ấm. Khi thay đổi người ngoài quá khó, thì bản thân mình nên thay đổi trước. 

Rơi vào bất lực vì "con quấy, chồng rảnh là xem điện thoại, mẹ chồng rửa tay qua loa sau khi vệ sinh cho cháu" - Ảnh 2.

Rơi vào bất lực vì "con quấy, chồng rảnh là xem điện thoại, mẹ chồng rửa tay qua loa sau khi vệ sinh cho cháu" - Ảnh 3.

Lời khuyên từ những bà mẹ đã từng trải qua tình cảnh này.

Có lẽ chỉ có những người mẹ đã từng trải qua tình cảnh này mới thấu hiểu được sự mệt mỏi, vất vả của người phụ nữ sau sinh. Nhưng hơn ai hết, mẹ là chỗ dựa, động lực của con cái. Hãy cố gắng nghĩ tới những điều tích cực, nghĩ đến con sẽ buồn biết bao nếu chính người mẹ không cảm thấy vui vẻ. Mẹ cũng không nên so sánh bản thân với ai, hay kỳ vọng vào ai đó sẽ làm giúp mình, đặt mọi tiêu chuẩn của bản thân ở mức cơ bản nhất. Từ đó, mẹ sẽ cảm thấy bình an, hạnh phúc hơn.