Chúng ta thường chung một suy nghĩ tiêu cực, "rơi là mất", đặc biệt là trong trường hợp đánh rơi các đồ vật có giá trị như tiền mặt, túi xách, điện thoại di động… Nhưng ở Nhật Bản thì khác! Nhiều khả năng, bạn sẽ chẳng mất cái gì đâu.
Vật mất hoàn cố chủ: Chuyện bình thường ở Nhật
Ngay cả tại đất nước hiện đại hóa bậc nhất như Mỹ, các cư dân đã lỡ đánh rơi hay bỏ quên đồ đạc là chỉ còn biết cầu vận may. Họ bất ngờ đến nỗi đưa sự việc một người đàn ông nhặt được ví mang tới đồn cảnh sát nhờ trao trả.
Tại Tokyo, thủ đô Nhật Bản với dân số rơi vào khoảng 14 triệu người, mỗi năm đều có hàng triệu món đồ như túi xách, điện thoại, thẻ ngân hàng… bị bỏ quên hay đánh rơi. Thế nhưng hầu hết chúng sẽ đến được các trạm cảnh sát, phòng đồ vật thất lạc, yên ổn nằm chờ chủ nhân tới lấy về. Theo thống kê năm 2018, Sở Cảnh sát Thủ đô Tokyo giúp trao trả hơn 545.000 thẻ nhận dạng (căn cước, thẻ học sinh-sinh viên…), 130.000 điện thoại di động, 240.000 chiếc ví… Tỷ lệ người nhận lại được thẻ nhận dạng đánh mất là 73%, điện thoại 83%, và ví 65%.
Người Nhật nổi tiếng là trung thực, tuyệt đối không "đút túi của rơi"
Cư dân Nhật Bản đánh mất đồ không phải tốn tiền phí để nhận lại. Họ thậm chí không cần bỏ thời gian đi tìm, chỉ việc đến đồn cảnh sát, phòng lưu giữ đồ thất lạc hỏi xem có đồ của mình chưa. Cũng trong năm 2018, tổng số điện thoại được cư dân Tokyo nhặt giao cho cảnh sát là 156.000 chiếc. Trừ 130.000 chiếc hoàn cố chủ, còn 26.000 chiếc (chiếm 17%) không có ai tới nhận bị đem hủy.
Đút túi 10 yên tiền rơi cũng là xấu
Không có nơi nào trên thế giới, hình ảnh cảnh sát lại khiêm nhường, thân thiện hơn ở đất nước mặt trời mọc. Nhật Bản có rất nhiều các trạm cảnh sát nhỏ trong mỗi khu phố, gọi là kōban. Cảnh sát trực kōban nổi tiếng là dễ gần, giống kiểu ông chú hay anh giai hàng xóm, đến nỗi đám con nít chỉ cần nhìn thấy họ là hớn hở vẫy tay chào. Người già qua đường gặp khó khăn chưa gọi, họ đã nhanh nhẹn chạy tới giúp đỡ. Cư dân khu phố gặp rắc rối gì cũng có thể ghé kōban, nhờ cậy giải quyết.
Nếu bạn lỡ làm mất đồ ở Nhật, hãy ghé các kōban hỏi thử
Từ thuở măng non, trẻ em Nhật Bản đã được dạy nếu nhặt được thứ gì thì phải mang ngay đến trạm cảnh sát. Cho dù chỉ là 10 yên, cảnh sát trực kōban cũng lập báo cáo chính thức, xếp vào danh sách đồ thất lạc. Mặc dù chẳng ai lại vì mất mấy đồng tiền lẻ mà đi tìm, nhưng người Nhật vẫn cứ nhất định phải giao cho cảnh sát. Bởi vì nếu giữ thì sẽ giống như là cố ý tham lam, và đó là một thói xấu bị lên án.
Khi các nhà nghiên cứu xã hội cố ý đánh rơi điện thoại và ví ở Tokyo (Nhật) và New York (Mỹ) để thành lập một so sánh, họ nhận được kết quả: 88% điện thoại và 80% ví ở Tokyo cuối cùng "hạ cánh" tại các trạm cảnh sát; còn ở New York chỉ có đúng 6% điện thoại và 10% ví mà thôi.
Trẻ em Nhật nhặt được đồ rơi là trả lại liền
Nhưng... "hack" ô che mưa của người khác thì được
Người Nhật Bản đến trạm cảnh sát hay phòng thất lạc là tìm thấy đồ đạc bị mất của mình liền, trừ cái ô (dù).
Tại Nhật, kiểu ô che mưa bằng nhựa trong suốt rất phổ biến. Nó được bán với giá khá rẻ, có mặt ở hầu hết các cửa hàng tiện lợi: 500 yên/chiếc (khoảng 100.000 vnđ).
Trong số 338.000 chiếc dù thất lạc tạm chờ ở các trạm cảnh sát quanh Tokyo năm 2018, chỉ có đúng 1% là về với chính chủ cũ. Khoảng 81% bị người lạ "nhận vơ". Tuy nhiên, lý do không phải vì lòng tham mà là tránh lãng phí.
Chỉ riêng với ô là người Nhật ngầm đồng ý cho phép "nhận vơ"
Như đã nói, cư dân xứ sở hoa anh đào thích kiểu ô trong vắt. Giữa hàng trăm ngàn cái ô giống nhau như đúc mà xác nhận được đâu là chiếc của mình, thì đó đúng là thiên tài! Ngay cả khi không phải ô trong, người có ô cũng hiếm khi nhớ rõ cái ô của mình có điểm gì đặc biệt. Ô dù là mặt hàng giá rẻ, thường nhật. Nó không quá quý giá và đắt đến nỗi phải để tâm nhớ kỹ hay đánh dấu chủ quyền.
"Nếu lỡ bị mắc mưa mà không có dù, tôi sẽ ghé trạm cảnh sát nhận đại một cái nào đó để che đỡ," – Satoshi, một cư dân ở Suginami-ku, Tokyo thừa nhận. Các cảnh sát trực ban trong kōban vô cùng dễ dãi trong vụ này, vì bỏ không mớ ô cũng phí và thêm rác.
Thà chết đói còn hơn trộm cắp, cướp giật
Trên khắp thế giới, nơi nào xảy ra thảm họa, nơi ấy nhiều khả năng sẽ dẫn tới lắm tệ nạn xã hội. Cái đói khổ đẩy con người vào bước đường cùng, đánh mất tôn nghiêm. Chỉ riêng tại Nhật, nó không được xem là lý do đánh mất bản thân hay thông cảm.
Năm 2011, vùng Đông Bắc của quốc đảo này bị một trận sóng thần-động đất hủy hoại. Nhiều người mất nhà cửa, không có thức ăn, nước uống, nhưng tất cả đều nhẫn nại chịu đựng, chờ khoảng thời gian khốn khó đi qua. Cũng vì đại thảm họa năm 2011 này, lò phản ứng hạt nhân Fukushima bị rỏ rỉ, nhiễm phóng xạ vào hàng triệu tấn nước.
Song chỉ có lẻ tẻ đôi ba vụ trộm vặt không đáng nói, và chúng cũng chỉ xảy ra ở nơi hoàn toàn vắng bóng người.
Nguyên nhân của sự trung thực của người Nhật nằm ở quan niệm văn hóa sống sâu xa của tín ngưỡng Phật giáo, Thần đạo, xem trọng sự khiết tịnh tuyệt đối. Thêm vào đó, người Nhật cũng như phần đông văn hóa phương Đông quan tâm người khác hơn chính mình. Họ không tham lam chiếm vật rơi làm của riêng vì nghĩ, chủ của đồ vật cần chúng hơn họ.
Với người Nhật, trả lại đồ đạc thất lạc là nguyên tắc đạo đức. Họ nghiêm túc thực hiện vì nhân phẩm chứ không liên quan đến quy định pháp luật.
Tham khảo Bbc