Tết chia ly
Ở khắp các bệnh viện tại TP.HCM có hàng triệu người bệnh cứ cuối năm, tết đến, họ không biết cảnh quây quần bên gia đình trong đêm giao thừa là gì. Bởi ngày đêm chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo và tử thần có thể hỏi thăm bất cứ lúc nào nên việc ăn tết rất hiếm hoi.
Chúng tôi có cuộc tiếp xúc với họ trong bệnh viện. Những câu chuyện họ chia sẻ, về gia đình, bệnh tật và nhất là chuyện không được đón tết bên người thân trong thời khắc giao thừa, chuyển sang năm mới. Bà Sáu (64 tuổi, quê Phú Yên) đang mang trong mình căn bệnh Ung thư dạ dày trong suốt hơn 3 năm qua là một trường hợp như vậy.
Bà Sáu kể, năm 2010, khi thấy trong người không khỏe, nhất là chiếc dạ dày, cứ ăn là đau và đói cũng đau nên các con đã đưa bà đi khám tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên, nhưng không xác định được bệnh. Mỗi lần đi khám, bà lại được chuẩn đoán một bệnh. Thuốc cứ uống mà bệnh không thôi. Chán nản, các con bà quyết định đưa mẹ vào Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khám chữa.
Tại đây, bà Sáu được chuẩn đoán căn bệnh ung thư ruột thừa rất nguy kịch, mặc dù mổ nhưng bệnh bà không dứt và phải vô thuốc 10 ngày/lần để đảm bảo sức khỏe.
“Các con tui, đứa nào cũng có gia đình. Tụi nó phải lo cho con nên cũng chẳng còn thời gian lo cho mẹ. Cứ như thế, từ năm 2010 đến nay, tui đành ở một mình ở bệnh viện để điều trị bệnh”.
Hằng ngày, bà Sáu phải đi nhặt ve chai đi bán lấy tiền mua đồ cá nhân, mua thuốc uống. Còn thức ăn, nước uống đã có những chương trình từ thiện lo. Tắm có nhà vệ sinh bệnh viện… Nhưng một điều bà luôn trăn trở là suốt 3 năm qua, bà chưa một lần về quê ăn Tết, chưa một lần thắp nhang cho bố mẹ và người chồng quá cố của bà.
“Buồn lắm cô ạ! Nhưng mình bị bệnh thế này, không có tiền mua thuốc uống chứ đừng nói gì đến chuyện mua vé xe về quê ăn tết. Vả lại, nếu về quê thì khi bệnh mình bị “trái gió trở trời”, bác sĩ cũng phải… bó tay.
Mang trong mình căn bệnh ung thư xương từ năm 2010, cũng từ đó, anh Lê Đức Thái (36 tuổi, quê Thanh Hóa) phải “ăn dầm, ở dề” tại bệnh viện.
Năm 2011, anh Thái bị tháo mất một cánh tay phải. Tưởng như thế, bệnh sẽ hết, nhưng cũng từ đó, anh phải túc trực 24/24 trong bệnh viện để bác sỹ theo dõi, vào thuốc và điều trị bằng hóa chất đảm bảo mạng sống.
“2 năm trước, nó phải ăn tết ở đây, thấy nó cứ khóc vì thương mẹ già ở quê ăn tết một mình và không biết vợ con ở Bình Dương ăn tết có ngon không. Năm nay, nó định về quê một chuyến thì bác sĩ bảo, phải ở lại vào thuốc hóa trị. Nó cứ nằm thút thít mấy ngày nay rồi”, cô Hải Tùng, bạn bệnh anh Thái chia sẻ.
Từ ngày Thái bị bệnh đến nay, bao nhiều tài sản, bao nhiêu đất của gia đình đều từ từ ra đi. Không có tiền cho chồng chữa bệnh, vợ Thái phải oằn lưng làm công nhân lấy tiền chữa bệnh chồng chồng và cho con đi học. Nhưng lúc nào cũng thiếu trước hụt sau.
Cứ 4 ngày, Thái phải vào thuốc hóa trị một lần. Một lần mất từ 500 đến 600 ngàn đồng/ lần. Vì vậy, dù người khỏe, Thái cũng chẳng dám về nhà thăm vợ con ở Bình Dương. “Năm vừa rồi, vợ con vào viện “ăn tết” với tôi trong đêm giao thừa. Tôi vui lắm, vì một năm gia đình mới đoán tụ được 5-6 lần, nhất là đêm giao thừa.
Nhưng khi vợ con về, tôi chỉ biết đứng từ xa dõi theo vợ và đứa con nhỏ lẽo đẽo theo chân mẹ. Buồn lắm. Năm hết tết đến người ta được đoàn tụ gia đình, còn gia đình tôi mỗi người một ngả…”, Thái nghẹn ngào khi chúng tôi nhắc đến tết.
Bạn bệnh là người thân
Từ năm 2009 đến nay, năm nào chị Lê Thị Ánh Hồng (SN1960 quê Bạc Liêu) cũng phải ăn tết xa quê trong bệnh viện.
Chị Hồng bị bệnh ung thư vú di căn qua xương và phổi. Cứ thế, hằng ngày, hằng giờ chị phải chống chọi với bệnh tật nên chẳng còn thời gian nghĩ đến cảnh gia đình đoàn tụ. Chồng chị ly di vợ khi biết chị bị bệnh. 2 đứa con, đứa còn nhỏ, đứa lớn lại phải lo cho cuộc sống gia đình.
Bệnh của chị, bác sĩ bảo chỉ có thể vào hóa trị để khống chế chứ không mổ dứt điểm được. Nên từ khi bị bệnh đến nay, bệnh viện là nhà, nền đất là giường và bạn bệnh là người thân. Cứ như thế, lúc nào chị cũng có “các bạn” bên cạnh chia sẻ, chăm sóc những lúc nhớ nhà, nhớ con và lúc chị khó khăn nhất.
3 cái tết vừa rồi, chị Hồng phải ăn trong bệnh viện. Bởi không có tiền về tết và phải ở lại bệnh viện để bác sĩ theo dõi, vào thuốc hóa trị.
“Ăn tết trong bệnh viện buồn lắm. Nói là ăn tết nhưng thực ra, những ngày đó, chúng tôi nhịn đói là đúng hơn. Vì lúc đó, cơm từ thiện không có, tiền cũng không nên mọi người trong phòng mỗi người góp một ít tiền rồi cử người khỏe nhất trong nhóm đi mua đồ về ăn nhưng cũng chỉ được ngày ngày mồng 1 tết.
Nhất là đêm Giao thừa, cứ nghe tiếng pháo, tiếng người ta chúc nhau và nghe những bài hát mùa xuân thì chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc.
Nhớ nhà lắm, thèm cái cảm giác được quây quần bên người thân trong phút Giao thừa lắm nhưng bệnh thế này, bao nhiêu ước muốn cũng tiêu tan”, chị Hồng ứa nước nước.
Buồn hơn nữa, có năm đúng đêm Giao thừa, bệnh chị lại tái phát nên cứ oằn hết cả lên. Chị đau đã đành nhưng những bạn bệnh chị cũng rớt hết nước mắt khi thấy bạn mình đau. Nhưng khi qua cơn, mọi người lại cười vui vẻ rồi lại động viên nhau sống lay lắt qua ngày….
"Đêm
Giao thừa, cứ nghe tiếng pháo, tiếng người ta chúc nhau và nghe những
bài hát mùa xuân thì chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc" - Bệnh nhân Hồng |