Cứ đến tháng 11 hàng năm, rừng bạch dương ở những vùng thảo nguyên phía Bắc như Mông Cổ, Tân Cương… lại đổi sắc lá, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên đẹp như trong truyện cổ tích.
Nằm gần khu vực hồ Kanas, phía bắc Tân Cương, Hemu là một trong những ngôi làng đầu tiên đón thời khắc lá chuyển màu vào đợt cuối thu. Những hàng bạch dương mọc ven hồ hay xen kẽ trong những làng xóm, nhuộm khung cảnh trong một sắc vàng thơ mộng. Trong văn hóa của người dân nơi đây, cây bạch dương là biểu tượng cho sức mạnh, sự tự tin và vẻ đẹp thanh lịch.
Làng Baihaba thuộc khu tự trị Tân Cương, nằm ở biên giới Trung Quốc và Kazakhstan cũng là điểm đến thú vị cho những ai thích chiêm ngưỡng bạch dương thay lá. Những cây bạch dương lá vàng khoe sắc trong bầu không khí trong lành và khung cảnh nguyên sơ của vùng biên giới.
Ở khu vực Nội Mông, Mông Cổ, du khách cũng được mục sở thị những hàng bạch dương vàng óng ả. Theo truyền thuyết, khi Thành Cát Tư Hãn và đội quân của ông hành quân qua khu vực này, họ đã nhìn thấy những cây bạch dương vàng và cho rằng đó là dấu hiệu của sự may mắn. Chính vì vậy, Thành Cát Tư Hãn đã ra lệnh cho quân của mình hạ trại tại vị trí đó.
Ở vùng thảo nguyên Bashang, Nội Mông, bạch dương nở vàng óng trên những thân cây đốt trắng đen, tạo nên khung cảnh như trong một bức tranh sơn dầu.
Tại các công viên quốc gia như công viên Huanggangliang ở nội Mông hay trên vùng núi ở Tây An, phía Bắc Trung Quốc, bạch dương cũng phủ kín đồi núi. Đây là thời điểm lý tưởng cho những cuộc cắm trại của những gia đình, nhóm bạn hay khách du lịch.
Bạch dương là loài cây thân gỗ đặc trưng của phương Bắc, chỉ phát triển mạnh ở những nơi có khí hậu ôn đới mát lạnh. Tại các vùng cao nguyên phía Bắc Trung Quốc, nhựa bạch dương được dùng làm đồ uống bổ dưỡng, có hương thơm dễ chịu.
Nhựa cũng được dùng để chế biến si rô bạch dương, một loại si rô khá đắt đỏ. Khi tới thăm Tân Cương, Mông Cổ…, bạn cũng có cơ hội thưởng thức những cốc si rô ngọt ngào này.