Giữa năm 2017, một câu chuyện kì lạ được đăng tải trên trang Woman's News đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nội dung của bài đăng nói về việc một người phụ nữ Indonesia sau 3 năm qua đời và được chôn cất đã đột ngột sống lại như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra. Đi kèm với câu chuyện khó tin này là 2 bức ảnh giúp làm tăng thêm tính xác thực của nó.
Nội dung của bài đăng được lược dịch như sau:
"Ở thị trấn Toraja, Indonesia, một người phụ nữ bất ngờ đội mồ sống dậy sau 3 năm. Thật may mắn là sự việc được máy ảnh chụp lại làm bằng chứng cho thấy người phụ nữ hồi sinh. Sự kiện này vừa đáng sợ, vừa thú vị. Người dân địa phương cho biết họ đã thực hiện một nghi thức đặc biệt ngay tại ngôi mộ của người phụ nữ để đưa bà trở về từ cõi chết".
Câu chuyện khó tin này khiến không ít người nghi ngờ tính xác thực của nó. Và đúng như vậy, các phiên bản khác của nó từng được chia sẻ nhiều lần trên mạng xã hội, bao gồm một bài viết được gửi cho Snopes (chuyên trang kiểm tra tính xác thực của các câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội) hồi tháng 9/2010.
Một phiên bản khác được đăng tải trên một trang blog Indonesia vào tháng 11/2009, được người viết kể lại như một trải nghiệm của bản thân.
"Sự việc xảy ra vào năm 1992 (khi tôi còn là học sinh lớp 3). Khi đó, ở làng tôi có một cụ bà qua đời, con trai của bà có tên là Pongbarrak. Theo phong tục của dân tộc Toraja, thi thể người chết sẽ không được chôn cất như thông thường mà phải trải qua loạt phong tục trước khi được chôn cất. Pongbarrak tắm rửa người mẹ quá cố và đặt bà trong một căn phòng đặc biệt trước khi cho bà vào quan tài. Vào đêm thứ 3, gia đình Pongbarrak đã tụ họp lại để bàn bạc lựa chọn địa điểm tổ chức tang lễ.
Thời điểm đó, tôi ngồi ngoài hiên nhà thì bỗng nghe thấy tiếng la hét. Vì quá tò mò, tôi đã chạy đến nhà Pongbarrak để hóng hớt và nhìn thấy một người đàn ông đã chết bước ra khỏi đó. Cảnh tượng kinh hãi khiến tôi và lũ bạn hoảng sợ, chạy tán loạn. Sau đó, bố đã đến đưa tôi về và tôi không biết chuyện gì xảy ra tiếp theo".
Thực tế thì tất cả những câu chuyện trên đều được làm ra dựa trên một nghi lễ gọi là Rambu Solo của người Toraja. Theo đó, thay vì được mang đi chôn cất, thi thể của người chết sẽ được bảo quản tại gia. Khi một người qua đời, họ sẽ được các thành viên trong gia đình chăm sóc, thay quần áo, cho ăn uống mỗi ngày và đuổi những con ruồi nhặng suốt hàng tuần hoặc thậm chí hàng năm trời để chờ đến khi lễ tang được chuẩn bị xong xuôi.
Tiếp đến, lễ tang với sự tham gia của toàn thể dân làng sẽ được tổ chức (thường là vào tháng 8 hay tháng 9 hàng năm) có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần tùy theo địa vị của người đã khuất. Hoạt động trong lễ tang bao gồm: cầu nguyện, ca hát, nhảy múa, hiến tế trâu nước và thậm chí là đá gà.
Ngoài thủ tục tang lễ trên, người Toraja còn có một nghi thức khác gọi là ma'nene. Trong đó, các gia đình sẽ vệ sinh cho xác người thân của họ và các ngôi mộ mỗi 3 năm 1 lần, thường là vào tháng 8.
Những người nào đã qua đời hơn 1 thập kỷ sẽ được đưa ra khỏi mộ, làm sạch, thay quần áo và lau khô từ đầu đến chân. Việc làm này cũng giúp cho những người ở lại kiểm tra xem tình trạng của thi thể người chết. Họ tin rằng xác chết được bảo quản tốt chính là một điềm lành.
Quan trọng hơn, việc làm lễ tang lần thứ 2 sẽ giúp cho thế hệ con cháu có cơ hội kết nối với tổ tiên của chúng. Không lạ khi nhìn thấy những người Toraja trẻ cùng hút thuốc với ông cố đã chết hoặc chụp ảnh selfie với người bà quá cố của họ.
Sự kết hợp của 2 phong tục đã khiến các câu chuyện dân gian và truyền thông có dịp sáng tạo ra 2 mẩu chuyện được lan truyền mạnh mẽ trên MXH trên chứ không hề có chuyện người chết đội mồ sống lại theo nghĩa đen. Họ chỉ được những người còn sống đưa ra khỏi quan tài, làm vệ sinh thi thể như một cách thể hiện tình yêu thương và tôn trọng đối với người đã khuất mà thôi.
(Nguồn: Snopes)