Tại các bệnh viện ở TP.HCM đang nở rộ những dịch vụ “ăn theo” giúp người bệnh và thân nhân đỡ vất vả trong thời gian lưu trú tại đây. Một trong các dịch vụ thiết thực nhất là sạc điện thoại. Nhu cầu sử dụng điện thoại liên tục để gọi người thân, giải trí hay cho... con ăn nhưng không phải ai cũng "kè kè" cục sạc điện thoại bên người. Thế là dịch vụ "sạc điện thoại thuê" ra đời.

Tại bệnh viện Chợ Rẫy, có con trai bị chấn thương sọ não, đến lúc cần báo tin cho người nhà ở Đồng Nai thì chị Lưu Thị Cẩm mới thấy bất tiện vì điện thoại hết sạch pin.

Chị Cẩm chia sẻ: “Tôi lên gấp gáp nuôi con, ai nghĩ chĩ đến mấy vấn đề nhỏ nhặt này. Hỏi những người đi thăm nuôi, tôi mới biết tầng trệt bệnh viện có quầy nhận sạc điện thoại giá 5.000 đồng/lần. Dịch vụ này khá tiện ích nhất là khi người nhà bệnh nhân quên mang theo sạc mà lại cần sử dụng điện thoại liên tục”. Dù vậy, cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt quanh dịch vụ này.

sacdienthoai1
Dịch vụ sạc điện thoại tại bệnh viện Nhi Đồng 1 luôn đông đúc.

Sạc điện thoại mà thập thò như ăn trộm

Ở tầng trệt bệnh viện Chợ Rẫy, có hai quầy dịch vụ sạc điện thoại đều tấp nập khách. Người đến sạc được ghi biên lai rõ ràng, điện thoại có đánh số để tránh nhầm lẫn. Khách có thể lấy riêng pin để sạc bằng sạc đa năng.

sacdienthoai2
Khách hàng luôn đứng chờ ngoài quầy để canh chừng.

Tượng tự, tại bệnh viện Nhi Đồng 1, quầy dịch vụ sạc pin luôn trong tình trạng “đắt như tôm tươi”. Trong quầy bố trí khoảng 100 ổ cắm và cục sạc nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Ở đây nhận sạc pin điện thoại tháo rời bằng dụng cụ sạc đa năng, còn không thì có thể nạp điện cho sạc dự phòng. Với điện thoại không tháo pin được, khách phải đưa cục sạc của mình cho quầy dịch vụ. Khách sẽ nhận được phiếu ghi mã số và giờ lấy với giá 4.000 đồng/lần sạc.

Chị Thanh Vy (nhân viên quầy ở bệnh viện Nhi Đồng 1) cho hay: “Thường mấy người mới lần đầu sử dụng tiện ích này, mà nhất là người lớn tuổi đều có tâm lý sợ mất điện thoại. Họ không an tâm khi giao cho chúng tôi. Dù đã nhận biên lai, lấy mã số nhưng ai cũng hỏi câu “không mất chứ cô”. Có người thì nói dối là điện thoại này mượn để khỏi phải đưa cho nhân viên quầy. Nhưng họ không đưa thì sao mà sạc được”.

sacdienthoai5
Hàng trăm ổ cắm, đầu sạc phục vụ nhu cầu sạc điện thoại ở bệnh viện Nhi Đồng 1.

Và sau khi giải thích, nhiều người chấp nhận sử dụng dịch vụ này. Nhưng theo chị Vy thì “do vẫn chưa an tâm nên có người cứ thập thò ngoài quầy, chốc chốc lại nhòm vào giống như ăn trộm ấy”. Tuy nhiên, chị Vy khẳng định là không có chuyện nhân viên đánh tráo điện thoại, đổi pin, sạc, làm hư hỏng…

“Nếu có như vậy thì sau một thời gian chắc chắn dịch vụ này đã không còn ai sử dụng. Đây là tiện ích của bệnh viện để giúp người bệnh đỡ vất vả nên sao có thể làm thế được”, chị Vy khẳng định chắc nịch.

Phát hiện chồng ngoại tình nhờ sạc điện thoại thuê

Từ khi làm dịch vụ này, cô Nhàn (nhân viên quầy sạc tại bệnh viện Chợ Rẫy) vẫn nhớ mãi một trường hợp bi hài quanh cái chuyện sạc điện thoại. Cô kể: “Số là năm trước, có một bà vô nuôi chồng. Bà này gần 50 tuổi rồi, chỉ biết cách nghe gọi. Hôm ấy, bà mới mang điện thoại của chồng đi sạc. Được đâu một lúc thì có tin nhắn. Bà không biết đọc nên nhờ chúng tôi đọc giùm. Từ ấy mới phát hiện ra chuyện động trời là ông này ngoại tình, qua những tin nhắn tình cảm với kẻ thứ ba”.

sacdienthoai4
Nhiều chuyện bi hài xảy ra quanh dịch vụ sạc điện thoại.

Gương mặt bơ phờ, chị Trần Thị Mai (40 tuổi, quê Đồng Nai) đứng tựa vào quầy sạc điện thoại chờ đợi. Cạnh đó, nhiều người cũng đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng ghé mắt nhìn vào chiếc bàn để la liệt điện thoại. Họ chờ cuộc gọi, tin nhắn từ những người thân.

Chị Mai nói từ khi đưa mẹ vào Chợ Rẫy cấp cứu thì người nhà từ dưới quê gọi lên liên tục. Nếu không có dịch vụ sạc pin, chị chẳng biết liên lạc bằng cách nào. “Nhưng tốn kém quá, mỗi lần chỉ sạc 15 phút lại lấy ra. Ngày tôi sạc khoảng 5 lần do cái điện thoại này chai pin. Mới ở có 4 ngày mà đã hết cả 100 ngàn tiền sạc trong khi tôi mua cái “alo” này có 300 ngàn. Ở thêm mấy ngày nữa là tiền sạc sẽ đủ mua thêm “cục gạch” nữa rồi”, chị Mai nói vui.

sacdienthoai3
Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, do quầy sạc chỉ làm đến 3h30 và nghỉ buổi trưa nên anh Nguyễn Tân đành phải đứng chờ.

Tương tự, để vừa gọi được cho người nhà, vừa túc trực chăm sóc người thân đau yếu, nhiều người chấp nhận chỉ sạc pin 10-15 phút rồi ngưng. Anh Nguyễn Tân (quê Long An) chăm vợ đang điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy cho biết mỗi ngày anh sử dụng dịch vụ này 5-7 lần. Cũng như nhiều người, để liên lạc với người thân liên tục nên anh phải đứng luôn ở quầy sạc pin, vài phút sạc một lần. Và mỗi lần lấy ra khỏi quầy là tính một lần sạc.

sacdienthoai6
Dịch vụ này phổ biến nhất ở bệnh viện Nhi vì nhiều phụ huynh phải cho trẻ nhỏ chơi điện thoại nhiều.

“Ba ngày đầu thấy tốn kém quá trong khi điện thoại thì mua chẳng đáng bao nhiêu. Vì thế, tôi mới nảy ra ý tưởng là mỗi khi mang vào sạc thì sẽ nhắn tin nhắn hàng loạt đến người thân là đang sạc ở quầy để họ tránh gọi ”, anh Minh chia sẻ.

Thu tiền triệu nhờ mở dịch vụ sạc thuê

Không chỉ trong bệnh viện mới mở dịch vụ này mà nhiều hộ dân quanh đó cũng học cách “ăn theo”. Trước cửa bệnh viện Nhi Đồng 1, các quán cà phê, tạp hóa, nhà dân đều có treo bảng “cho sạc điện thoại”, với giá khoảng 5 ngàn/lần.

sacdienthoai7

sacdienthoai8
Đối diện bệnh viện Nhi Đồng 1, dịch vụ sạc điện thoại nở rộ.

Tai căn nhà trong con hẻm trên đường Lý Thái Tổ, chị Nhung có làm cái giàn bằng gỗ với rất nhiều dây sạc các loại, đầu sạc đa năng… để mở dịch vụ này. Quầy của chị có thể đáp ứng tối đa cho 80 điện thoại sạc cùng lúc. “Do nhu cầu người cần sạc nhiều, mà bệnh viện đáp ứng không xuể nên tôi mở ra thôi, giá cũng y như trong bệnh viện, cũng có mã số đàng hoàng hết”, chị nói.

Quán cà phê rang xay đối diện bệnh viện Nhi Đồng 1 của anh Thế luôn đông khách. Đa phần là người chăm bệnh nhân vào uống cà phê để nhân tiện sạc pin . Ban đầu, anh cho họ sạc thoải mái nhưng sau thấy đông quá nên mở dịch vụ này. “Tính ra, mỗi ngày tôi đáp ứng khoảng 100 lần sạc điện thoại, pin dự phòng cho khách”, anh nói.

sacdienthoai9
Chủ quán ghi biên lai sạc điện thoại cho khách.

Ngoài ra, các quầy tự phát như của anh Thế, chị Nhung đều bán thêm dây sạc, pin dự phòng, pin điện thoại, thẻ cào… Dù không tính được con số cụ thể, nhưng trong những ngày cao điểm thì chị Nhung cho biết, có thể thu về tiền triệu mỗi ngày từ dịch vụ này. 

“Tôi đưa con vô viện Nhi chữa bệnh ở đây được 5 ngày rồi. Và vợ chồng hay mở  smartphone để dỗ dành con nên mau hết pin lắm. Sau vài lần sạc thấy tốn kém quá nên mua sạc dự phòng. Không biết chất lượng thế nào nhưng họ bán cho tôi những 600 ngàn. Tốn kém thật nhưng phải lụy vào dịch vụ thôi”, chị Nguyễn Thu Hà (30 tuổi, quê Tiền Giang) chia sẻ.