Liên tiếp xuất hiện sách thiếu nhi có nội dung phản cảm

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nhà xuất bản, thị trường sách thiếu nhi thời gian gầy đây hết sức sôi động. Nhưng chưa kịp mừng, phụ huynh đã rước vào lo lắng khi liên tiếp xuất hiện sách thiếu nhi có nội dung phản cảm, dung tục hoặc bạo lực, thậm chí ngay cả sách của một số nhà xuất bản uy tín.

Mới đây nhất, dư luận hoảng hồn khi đọc những dòng chữ được một phụ huynh chụp lại từ cuốn sách “Truyện Cổ tích Việt Nam”, truyện “Thỏ trắng và Hổ xám” có khá nhiều “sạn”, ngôn từ thô tục, cách diễn tả trần trụi, có nội dung bạo lực.

Trong câu truyện cổ tích khá quen thuộc này, chú thỏ trắng thông minh, nhanh nhẹn đã nhiều lần lừa hổ xám để tránh bị ăn thịt. Câu chuyện này đã quen thuộc với nhiều thế hệ người đọc, tuy nhiên, cách nhóm biên soạn cuốn sách dùng những từ ngữ trần trụi, thô tục để nói đến việc thỏ đi đại tiện hay sử dụng cách diễn tả “thật thà” khi kể chi tiết: “Thỏ nhẹ nhàng nhảy xuống bóp d… hổ”, thậm chí, đưa cả câu chửi bậy: “Mẹ mày con thỏ!” vào truyện thì thật khó chấp nhận.

Cuốn sách này được NXB Hải Phòng in ấn và xuất bản năm 2014.

sách thiếu nhi có nội dung phản cảm 1

Ảnh chụp bìa và nội dung cuốn sách thiếu nhi có nội dung phản cảm.

Đây không phải là cuốn sách thiếu nhi có nội dung phản cảm duy nhất được phát hiện vào năm 2015. Trước đó, trong cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam quyển I” do một nhóm tác giả sưu tầm và tuyển chọn, ông Trần Đình Nam làm chủ biên và nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành đã ghi chép một dị bản truyện Thạch Sanh mang những chi tiết không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Theo sách, mẹ Thạch Sanh trước khi qua đời đã cởi chiếc quần độc nhất của mình để nhường lại cho con. Chi tiết này gây phản ứng bởi mô típ cha mẹ nhường quần cho con không phải là hiếm trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, nhưng để người mẹ nhường quần cho con trai thì đó lại là cách kể vụng về, thiếu thuyết phục và… quái đản.

Cũng trong truyện cổ tích Thạch Sanh được in trong cuốn sách nói trên, khi miêu tả đoạn Thạch Sanh giết trăn tinh, sách viết: "Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi". Chi tiết này khiến người đọc lớn tuổi còn thấy rùng mình vì tính chất bạo lực, trần trụi của ngôn từ, huống hồ là trẻ em.

sách thiếu nhi có nội dung phản cảm
Những chi tiết gây tranh cãi trong truyện cổ tích Thạch Sanh.

Về những “hạt sạn” này, đại diện truyền thông của NXB Kim Đồng giải thích rằng, truyện cổ tích vốn có nhiều dị bản và truyện Thạch Sanh được in trong sách là một dị bản được sưu tầm trong dân gian, các biên tập viên nhà xuất bản cũng đã cân nhắc và chỉnh sửa khá kỹ càng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã yêu cầu dừng phát hành cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam quyển I”.

Cũng là một cuốn sách khác của NXB Kim Đồng, bộ truyện tranh “Thần thoại Hy Lạp” cũng chứa những câu chữ, hình ảnh mang tính chất 18+, không phù hợp với thiếu nhi. Bộ sách gồm 20 tập, trong tập 7 có tên “Số phận và bi kịch”, hình minh họa cho chi tiết Pygmalion (một nhà điêu khắc tài ba trong thần thoại Hy Lạp) tiến tới hôn pho tượng là ảnh một người phụ nữ lõa thể, kèm theo lời văn miêu tả: "Pic-ma-li-ông sung sướng ôm ghì lấy pho tượng hôn tới tấp như người bị mất trí". Mặc dù nội dung sách không có gì quá gợi cảm, nhưng hình ảnh trần trụi minh họa làm “đỏ mặt” người lớn có lẽ không phù hợp với trẻ nhỏ.

sách thiếu nhi có nội dung phản cảm 3
Hình ảnh minh họa phản cảm, không phù hợp lứa tuổi trẻ em trong truyện Thần thoại Hy Lạp.

Đầu tháng 4/2015, cuốn truyện cổ tích Sọ Dừa được gắn mác NXB Hồng Đức phát hành năm 2013 cũng khiến dư luận giật mình khi câu chuyện này được kể: “Xưa có hai vợ chồng kia đi ở cho phú ông, ngoài năm mươi vẫn chưa có mụn con. Một hôm trời nắng gắt, người vợ vào rừng lấy củi, khát nước quá mà không tìm đâu ra nước, nên đành liều uống nước trong cái sọ người ở một gốc cây”. Truyện còn dùng ngôn từ gây sốc như “quái thai”, “đem chôn sống nó đi”..., thậm chí còn vẽ hình ảnh minh họa rùng rợn với cảnh người đàn bà cầm trên tay chiếc đầu lâu trắng.

sách thiếu nhi có nội dung phản cảm 4
Ảnh minh họa rùng rợn trong truyện Sọ Dừa.

Trong một cuốn sách khác, truyện cổ tích này cũng được kể có đoạn: "Nhìn quanh bà chỉ thấy có một cái sọ người đựng một ít nước mưa trong vắt ở một gốc cây, chần chừ một lát, cuối cùng bà đành phải liều uống hết nước trong cái sọ người. Nhưng lạ thay uống vào đến đâu mát đến đấy, bà thấy khoan khoái vô cùng, thấm thía tận ruột gan. Về nhà bà thấy mình khang khác và từ đó bà có thai, hai vợ chồng vô cùng mừng rỡ cảm ơn Trời Phật
" khiến không ít người “sởn gai ốc” với chi tiết rùng rợn nói trên.

sách thiếu nhi có nội dung phản cảm 5
Chi tiết uống nước trong sọ người không phù hợp với tâm lý trẻ em.

Sau khi bị “sờ gáy”, NXB Hồng Đức đã lên tiếng họ không cấp phép xuất bản ấn phẩm truyện tranh “Sọ Dừa” có chi tiết sọ người nói trên. Nhà sách Thị Nghè đã bị phát hiện là đơn vị mạo danh NXB Hồng Đức in lậu, xuất bản và phát hành trái phép cuốn sách nói trên. Doanh nghiệp này sau đó đã bị Cục Xuất bản xử phạt 45 triệu đồng.

Xa hơn, tháng 8/2014, cuốn sách “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú”, tác giả Gia Mạnh (sưu tầm và biên soạn) do NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 2006 cũng bị phát hiện có đoạn văn được cho là gợi dục, phản cảm và hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Trong truyện “Lê-đa và con thiên nga”, sách có đoạn viết: “Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ chà sát mãi vào thắt lưng nàng, cặp mỏ hơi bẹt của nó cứ dúi mãi vào hai bầu vú cương cứng của nàng khiến nàng không sao nhúc nhích được, cứ phải nằm bất động như hóa đá. Má nàng đỏ rực như người uống rượu, tim nàng đập rộn lên, mắt nàng khẽ khép lại...” Dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, sự việc lùm xùm trên vẫn chưa có hồi kết vì những đơn vị liên quan đều chối bỏ trách nhiệm.

sách thiếu nhi có nột dung phản cảm 6
Những ngôn từ, cách miêu tả phản cảm, gợi dục trong sách thiếu nhi.

Phụ huynh nên tự kiểm định trước khi mua sách cho con

Trước việc hàng loạt cuốn sách dành cho thiếu nhi còn lọt nhiều “sạn”, nhiều phụ huynh cho rằng, lỗi trên là do các biên tập viên làm việc cẩu thả, chưa thực sự nhạy cảm. Chị Mai Hương (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), mẹ của hai em bé 5 tuổi và 3 tuổi bày tỏ lo lắng: “Sách thiếu nhi bây giờ rất nhiều, nhưng đáng ngại nhất là phụ huynh không thể yên tâm mua khi chỉ nhìn bìa sách. Có khi phải đọc tất cả các trang, xem xét cẩn thận từng hình ảnh thì mới đảm bảo cuốn sách mình mua thực sự “sạch”, phù hợp với lứa tuổi các con. Theo tôi, làm sách cho thiếu nhi còn nguy hiểm hơn người lớn, nên nếu các biên tập viên cẩu thả, làm việc “non tay” thì không chỉ dẫn đến việc bị phạt, bị thu hồi sách, người mua bực mình vì bỏ tiền ra mà không mua được sản phẩm xứng đáng; lo ngại hơn, những em bé có thể bị ảnh hưởng tâm lý, lệch lạc suy nghĩ trước những ấn phẩm như thế này”.

Anh Nguyễn Đình Toản (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chia sẻ, vợ chồng anh cảm thấy chọn sách cho con rất khó. “Các bé nhà tôi đã có thể tự đọc sách, truyện tranh mà không cần nhớ cha mẹ hỗ trợ. Hầu như tháng nào chúng tôi cũng mua cho các con một quyển truyện. Trước đây, tôi thường để các con tự chọn sách, truyện mà chúng cảm thấy thích và chỉ liếc qua bìa sách, nhưng trước việc hàng loạt cuốn sách tưởng chừng như vô hại là truyện cổ tích dính “sạn”, vợ chồng tôi đã phải kiểm soát, đọc tất cả sách con thích trước khi bỏ tiền ra mua. Tuy nhiên, cách này cũng chỉ áp dụng được ở nhà, còn ở trường, nếu các bạn trong lớp có chia sẻ những cuốn sách không phù hợp, có nội dung phản cảm thì mình cũng không kiểm soát được”.

Chị Trần Hoài Trang, một cử nhân Văn học thì cho rằng: “Thực ra, cái sai của những cuốn sách nói trên không nằm ở vấn đề câu chữ hay cách kể chuyện, mà là vấn đề đối tượng đọc. Truyện cổ tích luôn tồn tại nhiều dị bản, lại được lưu truyền theo cách truyền miệng nên việc có những ngôn ngữ thông tục, các yếu tố bạo lực là không có gì lạ. Trong nghiên cứu văn học, người ta chấp nhận các dị bản và các yếu tố dân gian đó, kể cả các yếu tố bạo lực, đơn giản vì đó là suy nghĩ của người xưa, cái ác phải bị trừng trị đích đáng, nhân vật cổ tích không phải “chịu trách nhiệm” hay bị lên án về hành vi trừng trị cái ác, dù hành vi ấy dưới con mắt người hiện đại là dã man, phản cảm. Chi tiết chém phọt óc chằn tinh trong truyện Thạch Sanh, uống nước trong sọ người trong truyện Sọ Dừa hoặc như chi tiết làm mắm thịt người trong truyện Tấm Cám, chúng tôi đều đã được tiếp xúc và nghiên cứu.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ giáo dục trẻ thơ, những chi tiết đó quả thực không phù hợp với thiếu nhi, vì các bé còn non nớt, ngây thơ và dù cha mẹ có giải thích, chưa chắc các bé có thể hiểu thấu đáo vấn đề. Quả thực, nếu mua sách cho con, tôi sẽ không chọn sách có những “hạt sạn” này mà chọn những cuốn có cách kể trung tính, ít đi vào chi tiết hơn cho an toàn
”.