Họ đến từ nhiều
nơi, làm nhiều nghề khác nhau, người nhặt ve chai, bán bánh giò, kẻ đấm bóp dạo, nhưng trên đôi vai gầy của họ cùng chung một gánh nặng, gánh nặng gia đình,
gánh nặng mưu sinh.
Ròng rã trắng cả đêm trên khắp các nẻo đường ở Sài Gòn, những người ấy chỉ kiếm được
đôi ba trăm ngàn. Những bữa cơm muộn lúc giữa khuya là bát cơm trắng, chén nước
mắm, đĩa rau luộc hay một tô mì gói cũng làm no lòng người con xa quê.
Băng
qua những con đường hun hút màn đêm, đi qua mỗi con đường, những con hẻm đối với
họ đồng nghĩa với việc những đứa con nơi quê nhà có tiền đi học thêm một ngày.
Bữa cơm của gia đình ngoài ấy thêm được đĩa rau, con cá. Với suy nghĩ ấy, những
thân cò lặn lội lại tiếp tục lầm lũi băng qua những con hẻm hiu hắt ánh đèn
đêm.
Đấm bóp dạo một thời khá thịnh hành ở Sài thành. Tiếng xúc xắc hàng đêm gần như tràn khắp các hang cùng ngõ hẻm, nó ăn sâu như một phần văn hóa của đất Sài Gòn…
Anh Bùi Văn Hải, quê Vĩnh Phúc đã hành nghề đấm bóp dạo ở đất Sài Gòn này hơn mười năm.
Khi màn đêm buông xuống thì đó cũng là lúc những người nhặt ve chai bắt đầu công việc của mình. Họ nhặt nhạnh những thứ bỏ đi của người khác để nuôi sống gia đình và giúp các con mình đến gần hơn với con chữ.
Chị Chung, người nhặt ve chai hàng đêm về nhà khi đã quá nửa khuya và đếm những đồng tiền lẻ mà chị đã ròng rã cả đêm để kiếm được.
Gánh hàng rong về đêm từ rất lâu đã gắn với Sài Gòn như một nét văn hóa, thực khách của những gánh hàng này chủ yếu là các bạn trẻ thích rong ruổi ở Sài Gòn vào ban đêm.
Trời gần sáng, các gánh hàng gom lại chờ những vị khách quen cuối cùng.
Theo Minh Quân/Trí thức trẻ