Bỏ bữa sáng

Rất nhiều người trong chúng ta đã từng bỏ bữa sáng, nhưng nếu bạn bỏ qua nó thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe như: cholesterol trong máu tăng cao, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường type 2. Thậm chí việc bỏ bữa sáng có thể khiến một số người có nhiều khả năng hút thuốc hơn. Để giảm thiểu những rủi ro trên cũng như cũng cấp cho bạn một năng lượng dồi dào để bạn sinh hoạt, làm việc, bạn nên có một bữa ăn sáng đầy đủ.

Ăn sáng ngay sau khi thức dậy

Sau khi thức dậy, dạ dày vẫn đang trong trạng thái chưa hoàn toàn "tỉnh táo". Ngoài ra, nước bọt và dịch tiết dạ dày vào buổi sáng thường tương đối ít, nên nếu bạn ăn một lượng lớn thức ăn ngay sau khi ngủ dậy sẽ khiến việc tiêu hoá trở nên khó khăn, gây đầy bụng hoặc khó tiêu.

Thay vào đó, khi vừa ngủ dậy bạn hãy uống một cốc nước lọc rồi ăn sáng một lúc sau đó. Một cốc nước lọc vào buổi sáng không những bổ sung lượng nước đã mất trong lúc ngủ mà còn làm tăng tiết dịch tiêu hoá, thúc đầy tuần hoàn máu.

Sai lầm ăn sáng biến thực phẩm thành ‘kẻ thù’ tàn phá dạ dày, gan, thận - Ảnh 1.

Ăn sáng muộn

Một số người, đặc biệt là các bạn trẻ thường ngủ nướng đến 9-10h rồi mới thức dậy ăn sáng. Bác sĩ cảnh báo đây là thói quen không tốt bởi khi thức dậy muộn bụng đã đói cồn cào mà các cơ quan trong cơ thể chưa "thức" hẳn nên khi ăn sẽ không thấy ngon miệng. Thêm vào đó, ăn sáng muộn sẽ làm giảm hiệu quả trao đổi chất và ảnh hưởng đến chất lượng bữa trưa. Do vậy, tốt nhất hãy tập dậy sớm và ăn sáng trong vòng một giờ sau khi thức.

Uống quá nhiều cà phê, trà vào bữa sáng

Rất nhiều người có thói quen uống đồ uống có caffeine vào bữa sáng như trà, cà phê. Mặc dù những đồ uống này có thể cải thiện trao đổi chất và giúp chúng ta tỉnh táo, tràn đầy năng lượng, nhưng uống quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.

Đồng thời, khi bạn uống trà cà phê cũng nên tránh thêm nhiều kem, đường vào các đồ uống này nếu không muốn tăng lượng calo hấp thụ vào bữa sáng.

Ăn quá nhiều ngũ cốc

Bổ sung quá nhiều ngũ cốc là sai lầm khi ăn sáng rất phổ biến. Trước khi ăn, hãy kiểm tra nhãn giá trị dinh dưỡng trên mặt hộp ngũ cốc. Hãy tìm khẩu phần được khuyến nghị và tuân theo số lượng đó. Bạn có thể sử dụng cốc đo để cho đúng liều lượng. Hãy chọn những nhãn hiệu có ít đường và nhiều chất xơ.

Sai lầm ăn sáng biến thực phẩm thành ‘kẻ thù’ tàn phá dạ dày, gan, thận - Ảnh 2.

Chỉ ăn trái cây cho bữa sáng

Ăn trái cây rất có lợi cho sức khoẻ, giúp bổ sung vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, chất xơ trong trái cây còn có tác dụng thanh lọc cơ thể, phòng chứng táo bón. Tuy nhiên, chỉ ăn trái cây vào buổi sáng là thói quen có hại cho sức khỏe. Bởi trong thành phần của trái cây có chứa rất ít tinh bột và protein - hai thành phần chính cần thiết cho bữa ăn sáng lành mạnh.

Ăn sáng chỉ bằng trái cây không đủ điều kiện để cơ thể tăng cường hệ miễn dịch và những dưỡng chất cần thiết để bổ sung năng lượng.

Không ăn rau trong bữa sáng

Với nhiều người Việt đặc biệt là những người sống ở thành thị, bữa sáng gắn liền với họ là bún, phở, bánh mỳ nên lượng rau có trong một bữa sáng rất ít.

Người Việt vốn đã rất lười ăn rau, không đủ theo khuyến cáo của WHO, trong khi bữa sáng bổ sung rất nhiều đạm và tinh bột nhưng lại không ăn rau. Điều này nếu tạo thành một thói quen sẽ gây nên những hệ lụy cho sức khỏe. Bởi rau cung cấp nhiều vitamin và chất xơ cần thiết cho cơ thể, không ăn đủ rau nhất là vào buổi sáng ngoài việc thiếu vitamin còn gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Ăn quá no

Ăn quá nhiều gây áp lực cho các cơ quan trong cơ thể và làm chậm quá trình trao đổi chất. Nên áp dụng khẩu phần ăn với tỷ lệ protein và carbohydrat vừa phải để cơ thể nạp đủ năng lượng cần thiết cho một ngày làm việc.

Ăn sáng quá nhanh

Các chuyên gia cho biết, việc ăn quá nhanh sẽ khiến khả năng tiêu hóa không tốt, nguy cơ béo phì tăng gấp đôi. Nhai không kỹ, làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, xác suất bị bệnh trào ngược thực quản cũng tăng lên nhiều, hơn nữa ăn quá nhanh không thể kích thích hoạt động của não, người sẽ trở nên trì trệ.

Nhiều người có thói quen ăn nóng, khi đồ ăn vẫn đang ở nhiệt độ cao đã vội vàng cho vào miệng. Thói quen này về lâu dài có thể gây ung thư cuống họng và nhiều loại bệnh đường tiêu hóa khác. Vì vậy, bạn nên ăn chậm nhai kỹ, không những có thể giúp thức ăn tiêu hóa tốt, mà cũng có thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.

Ăn đồ lạnh

Buổi sáng, các bộ phận trên cơ thể bao gồm cơ bắp, thần kinh, mạch máu đang ở trạng thái co lại. Nếu bạn ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, lâu ngày dẫn đến táo bón, giảm sức đề kháng của cơ thể.

Ăn đồ thừa qua đêm

Không ít người có thói quen ăn đồ ăn thừa còn lại từ hôm trước vào bữa sáng hôm sau. Trong khi, thực phẩm nếu được bảo quản tốt thì không sao, nhưng có nhiều đồ ăn không giữ lại giá trị dinh dưỡng do để lâu, thậm chí còn có thể sản sinh ra nitrit có hại cho sức khỏe. Những phản ứng trước mắt có thể gây rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu còn về lâu dài thì hệ lụy khôn lường.

Vừa ăn vừa di chuyển

Theo Boldsky, vừa đi vừa ăn sáng có thể gây hại cho dạ dày. Khi chúng ta ăn, thực phẩm xuống ống thực phẩm vào dạ dày để tiêu hóa. Nhưng nếu bạn liên tục di chuyển trong khi ăn, quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng, và kết quả là bị ợ nóng và a xít, kèm theo buồn nôn.

Chưa kể việc vừa ăn sáng vừa di chuyển dễ khiến thực phẩm bám phải bụi bẩn, vi khuẩn, khói bụi trên đường như vậy không chỉ mất vệ sinh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ăn quá nhiều thịt

Nhiều người nghĩ rằng, buổi sáng ăn nhiều thịt để cung cấp năng lượng cho hoạt động của cơ thể trong cả ngày. Nhưng theo các chuyên gia khuyên bạn không nên ăn nhiều thịt hay nhiều dầu vào bữa sáng. Bởi những loại thức ăn này chứa quá nhiều protein, và chất béo nên không tốt cho dạ dày.