Nếu được sống cạnh một chiếc hồ, có thể nói bạn là một người khá may mắn. Nhưng có bao giờ bạn tưởng tượng được việc một ngày đẹp trời, chiếc hồ cạnh nhà bạn đột nhiên biến mất, trơ đáy, nước chẳng còn lấy một giọt không?

Đó là những gì đã xảy ra với Peigneur, một chiếc hồ nước mặn tại Louisiana.

 - Ảnh 1.

Thảm họa kinh hoàng

Peigneur là một cái hồ nước mặn cỡ nhỏ và nông, nằm ngay cạnh Vịnh Vermilion phía Nam tiểu bang Louisiana (Hoa Kỳ).

Nói một cách chính xác thì Peigneur không biến mất, mà nó không còn là chính nó nữa sau buổi sáng ngày 20/11/1980.

Ngày hôm đó, một đội khoan dầu từ công ty Texaco tiến hành khảo sát dàn khoan tại hồ, giống như những gì họ vẫn làm thường ngày. Nhưng khi bắt đầu khoan, họ gặp phải một vấn đề: mũi khoan bị mắc kẹt lại. Nhưng rồi khi hồi tưởng, họ thấy vấn đề ấy quả là nhỏ bé so với việc toàn bộ nước hồ đột nhiên biến mất ngay trước mắt họ, cuốn theo cả giàn khoan, vài chiếc thuyền và cả một hòn đảo nhỏ nữa.

 - Ảnh 2.

Hóa ra, bên dưới chiếc hồ là một mỏ muối vốn đã tồn tại ở đó từ cả trăm năm qua. Đội khoan dầu đã nghĩ vị trí khoan cách xa khu mỏ, nhưng khi cố gắng gỡ ra, cả giàn khoan đột nhiên rung chấn dữ dội trước khi biến mất hoàn toàn.

Toàn đội khoan dầu trốn kịp vào bờ, và họ thấy một cảnh tượng cực kỳ hung hiểm: giàn khoan cao tới 46m chui tọt xuống lòng hồ vốn chỉ sâu vỏn vẹn có 3m, tựa như một thảm họa trên phim Hollywood vậy. Giữa lòng hồ chuyển thành một cái hố khổng lồ, liên tục phát triển rộng ra, cuốn thêm nhiều sà lan xung quanh vào đó.

Cùng lúc đó, các thợ đào muối bên dưới cũng bắt đầu quá trình di tản. May mắn là họ thoát ra kịp lúc, trước khi toàn bộ nước hồ và một phần của hòn đảo gần đó cũng trượt vào hố, tạo ra áp lực mạnh đến mức đẩy lên không trung một cột nước cao 122m.

Hồ Peigneur từng đổ vào vịnh Vermilion thông qua kênh Delcambre. Nhưng dòng chảy ấy bỗng nhiên bị đảo ngược ngay sau khi nước hồ biến mất xuống mỏ, khiến nước từ vịnh chảy lại hồ, tạo ra một thác nước tạm thời cao tới 50m. Số nước ấy cũng nhanh chóng lấp đầy chiếc hố mới tạo ra, để rồi biến nơi đây trở thành chiếc hồ lớn bậc nhất tiểu bang Louisiana.

Texaco đã phải trả 32 triệu USD để dàn xếp thiệt hại với công ty khai khoáng, cùng 12,8 triệu đô cho các khoản bồi thường khác.

Sai lầm của một cá nhân

Nhưng tại sao thảm họa này lại xảy ra? Cũng giống như khi con tàu thăm dò Mars Climate Orbiter vô tình đốt cháy một phần khí quyển sao Hỏa vì chuyển đổi đơn vị lực sai trong bộ phóng, thì đây cũng là một sai lầm trong hệ thống tính toán. Và lỗi lần ấy thuộc về một cá nhân.

Một kỹ sư tham gia dự án đã có sự nhầm lẫn khi sử dụng bản đồ khu vực. Khi đó, ông đã tin chiếc bản đồ mình sử dụng là theo hệ tọa độ phép chiếu Mercator, nhưng hóa ra lại là theo hệ phép chiếu UTM (được dùng để đo các thông số, hình dạng, cấu trúc của Trái đất).

 - Ảnh 5.

Để hiểu rõ hơn, những tấm bản đồ chúng ta thường sử dụng là theo hệ chiếu Mercator, do chuyên gia vẽ bản đồ Gerardus Mercator phát minh ra vào năm 1569. Mercator sử dụng phép chiếu hình trụ, theo đó đưa cả Trái đất vào một hình trụ và chiếu từng điểm lên trụ đó. Trong khi đó, hệ chiếu UTM lại chia thế giới thành 60 phần, và sử dụng các điểm tính toán mang tính chất cục bộ hơn.

Khi sử dụng nhầm hệ chiếu có thể dẫn đến sai lầm trong định vị địa điểm. Ngài kỹ sư ấy đã sai, để rồi tạo ra một chiếc hố đáng sợ nhất lịch sử tiểu bang Hoa Kỳ.

Nguồn: IFL Science