Với những chị em yêu làm đẹp, quan tâm đến chuyện chăm sóc sức khỏe thì hẳn không còn xa lạ gì với trà hoa đậu biếc. Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ cũng đều yêu thích hương vị và công dụng của thức uống này.
Đậu biếc là nguyên liệu để tạo ra những thức uống lành mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong khoảng 2g hoa đậu biếc khô có chứa 0 calo, 0 chất béo, 0 chất đạm, 1g chất bột đường, 1g chất xơ. Nghiên cứu cho thấy rằng, hoa đậu biếc có chứa chất chống oxy hóa cùng hợp chất anthocyanin quý giá, có tác dụng làm đẹp da, tăng cường trí não, tốt cho mắt và hỗ trợ tự nhiên cho hệ tiêu hóa, đồng thời có thể phòng ngừa bệnh ung thư.
Dù tốt như vậy nhưng hoa đậu biếc cũng cần dùng đúng cách thì mới có thể phát huy hết tác dụng. Thực tế, có nhiều người đang phạm phải một sai lầm rất nguy hiểm khi pha loại trà này.
Sai lầm nguy hiểm khi pha trà hoa đậu biếc
Hàng ngày, nhiều người có thói quen nhâm nhi một ly trà đậu biếc để tăng cường sức khỏe. Cách làm phổ biến là ngâm một nắm hoa lớn trong nước khoảng 5 phút, sau đó lọc lấy nước rồi pha thêm chút mật ong nguyên chất để dùng.
Tuy nhiên, sai lầm phổ biến nhất đó là dùng nước sôi 100 độ để pha trà. Ở nhiệt độ nước quá cao sẽ ảnh hưởng đến hương vị của trà và chất lượng của hoa đậu biếc. Thậm chí, việc uống trà nóng còn ảnh hưởng đến thực quản, hệ tiêu hóa và cả răng, lợi. Ngược lại, nếu bạn dùng nước lạnh để pha trà thì sẽ không thể khiến các tinh chất trong đậu biếc được tiết ra hoàn toàn, gây lãng phí dinh dưỡng.
Vì thế, nhiệt độ thích hợp nhất để pha trà hoa đậu biếc là khoảng 75 độ C (tức là nước đun sôi để nguội khoảng 10 phút).
Lưu ý cần nhớ khi dùng trà hoa đậu biếc
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết: Dù có một vài nghiên cứu nói về tác dụng của hoa đậu biếc với làn da và việc điều trị bệnh nhưng không phải vì vậy mà chúng ta tin tưởng mù quáng mà không điều trị theo chẩn đoán của bác sĩ.
Lương y nhấn mạnh chỉ nên xem trà hoa đậu biếc như một thức uống hỗ trợ cải thiện sức khỏe chứ không nên coi là thuốc, có tác dụng chữa bệnh. Không nên vì chủ quan, lạm dụng hoa đậu biếc mà để bệnh tình thêm nặng đến mức không thể cứu chữa. Nếu sử dụng thì nên dùng với lượng vừa phải (1-2 ly mỗi ngày), không nên dùng dài ngày, nên mua hoa có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh, tránh việc lẫn tạp chất, phơi sấy không đảm bảo chất lượng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dùng.
Còn theo lương y Nguyễn Thị Lý (Hội đông Y Hà Tĩnh): Những người huyết áp thấp, phụ nữ có thai cần tránh dùng hoa đậu biếc vì thành phần trong hoa có thể làm giảm đường huyết, gây chóng mặt, buồn nôn.
Ngoài ra, phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt và người mắc bệnh máu khó đông cũng không nên sử dụng.
Người đang điều trị bệnh cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Người sắp phẫu thuật dù tiểu phẫu hay đại phẫu cũng không nên dùng hoa đậu biếc, đến khi sức khỏe hồi phục có thể sử dụng trở lại theo sự tư vấn của chuyên gia.