Không yêu cầu con để phần đồ ăn cho người khác
Ngày chúng ta còn bé, khi có thành viên nào đó trong gia đình về muộn giờ cơm, những thành viên còn lại bao giờ cũng lo để phần cơm cho người đó trước khi ăn. Phần cơm đó bao giờ cũng được chia phần hơn, được cất cẩn thận. Hiện nay, có không ít gia đình coi nhẹ việc này vì cho rằng "thiếu đồ thì lấy trong tủ lạnh ra nấu hoặc đi mua, để phần làm gì, phức tạp". Gia đình là môi trường để trẻ phát triển, cha mẹ là tấm gương cho con cái. Cách hành xử của người lớn trong gia đình sẽ in đậm trong suy nghĩ của con trẻ. Nếu cha mẹ không nhắc nhở, hướng dẫn con việc này từ bé, đứa trẻ có thể sẽ bỏ qua việc quan tâm đến quyền lợi của người khác, chỉ tập trung giành quyền lợi cho bản thân.
Dành cho con phần hơn
Khi làm việc này, nhiều cha mẹ nghĩ rằng, chắc con sẽ hiểu đó là sự hi sinh. Thực tế không phải như vậy. Đứa trẻ sẽ không hiểu là bố mẹ đang hi sinh cho mình mà có thể nghĩ, bố mẹ không cần phải ăn uống, chỉ có mình cần thôi. Đây là tiền đề của thói ích kỉ, thiếu quan tâm đến người khác.
Không nhắc nhở khi con đi qua trước mặt người khác
Hành vi này có thể nói là vô lễ. Tuy nhiên, nhiều người lớn lại cho rằng "trẻ con không biết gì" nên không nghiêm khắc trong việc uốn nắn con trẻ. Họ cho rằng "lớn lên, con sẽ tự biết". Vấn đề là việc thiếu uốn nắn sẽ khiến trẻ không nhận ra được hành vi đó là chưa đúng, đồng thời coi việc làm phiền người khác là bình thường.
Không yêu cầu trẻ giữ trật tự khi người khác đang nói chuyện
Trẻ rất thích được chú ý. Nếu không nhắc nhở, trẻ có thể xen vào câu chuyện của mọi người để thu hút sự chú ý. Cha mẹ nên nhắc nhở, nếu cần thiết thì có thể phạt khi con có những hành động như vậy. Lâu dần, trẻ sẽ nhận thức được việc phải quan tâm đến người khác, tránh làm phiền họ.
Không dạy con tránh làm phiền khi ai đó đang gặp chuyện buồn
Nhiều cha mẹ nghĩ "trẻ con không biết gì". Trẻ con đúng là không biết nhiều thứ nên cần được cha mẹ giáo dục, uốn nắn. Trẻ không nhất thiết phải buồn khi ai đó trong nhà không vui nhưng các con nên giữ trật tự và tránh làm phiền họ. Người đang có tâm trạng xấu rất cần sự tĩnh lặng để bình tâm lại. Trẻ cần biết điều này.
Sử dụng đồ của người khác khi chưa được sự đồng ý
Dù trong gia đình, đồ đạc của ai đó vẫn là tài sản riêng của họ. Trong nhiều gia đình, con trẻ có thể thoải mái móc túi của bố mẹ để lấy món đồ mà mình thích ra chơi, phần nhiều là lấy điện thoại. Điều này cần tuyệt đối cấm. Việc này không chỉ dạy con tôn trọng người khác mà còn tránh hành vi ăn cắp vặt hình thành ở trẻ.
Thường bắt anh chị nhường em nhỏ
Việc này không chỉ thể hiện sự thiếu công bằng mà còn tạo điều kiện hình thành tính ích kỉ và nhiều tính xấu khác ở em bé như không nhận sai, phá phách, ăn vạ, gây sự, ỉ lại...
Không dạy con thể hiện sự quan tâm đến người thân
Bạn có thể nhắc trẻ về những ngày lễ hoặc những dịp đặc biệt của gia đình. Khi cần thiết, cha mẹ có thể chủ động đề nghị trẻ cùng nghĩ ra một món quà để tặng. Hãy cùng trẻ tạo nên những món quà ý nghĩa, tiết kiệm và đặc biệt là phải hướng trẻ có sự đóng góp vào món quà đó. Cha mẹ cũng phải là người dạy cho trẻ biết trân trọng ý nghĩa của việc tặng quà thông qua hành động với món quà nhận được hoặc mua quà cho bạn bè, người thân vào dịp đặc biệt.