1. Đồ giảm giá quá mạnh
Nhiều cửa hàng thường treo biển giảm giá quanh năm suốt tháng để thu hút khách hàng, mức giảm giá có thể lên tới 50, 60, 70%. Vậy nhưng hãy thật cân nhắc bởi lẽ rất có thể món đồ mà bạn mua đã được tăng giá ảo rồi giảm giá để đưa về đúng giá trị thật. Nói dễ hiểu, một chiếc váy 250k có thể được shop quần áo phù phép, thay tag thành 1 triệu đồng; rồi sau đó treo biển sale 75%. Nếu vô tư mua những món đồ này về là bạn đã mắc bẫy của những shop thời trang này rồi.
2. Đồ hợp tác với nhà thiết kế/ KOL
Các thương hiệu lớn thường tung ra những sản phẩm giới hạn trong bộ sưu tập hợp tác cùng 1 nhà thiết kế, KOL hay một tên tuổi nổi tiếng nào đó. 2 yếu tố: Tên tuổi đình đám, cộng với sản phẩm số lượng giới hạn là quá đủ để thương hiệu tăng giá vô tội vạ cho những thiết kế này. Không thể phủ nhận, thương hiệu cần tăng giá để bù đắp chi phí hợp tác với các tên tuổi lớn; vậy nhưng ở cương vị khách hàng, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc xem, có nhất thiết phải mua một món đồ đắt đỏ mà chất lượng và thiết kế không hẳn quá nổi trội hay không.
3. Đồ đổ đống, lộn xộn
Một số cửa hàng lại cố tình bày hàng sale theo phong cách đổ đống đầy hỗn loạn. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho cửa hàng hơn bạn tưởng.
Đầu tiên, việc đổ đống sản phẩm sẽ giúp cửa hàng không mất công sắp xếp, là ủi sản phẩm. Thứ 2, sản phẩm đổ đống khiến khách hàng cảm giác đây là những món đồ rất hời, rất rẻ (dù thực sự mức giá sale của chúng cũng không mấy hấp dẫn) và sẵn lòng bỏ qua những lỗi nhỏ nhặt. Ngoài ra, đồ đổ đống cũng tạo cảm giác đây là những món đồ hiếm hoi duy nhất còn lại, khách hàng nên nhanh chân mua trước khi chúng bị bán hết.
4. Đồ giống manocanh
Hàng tuần và thậm chí là hàng ngày, các cửa hàng sẽ thay đổi trang phục của manocanh, mix&match các món đồ khác biệt, đầy đủ từ trang phục đến phụ kiện như túi xách, giày dép, trang sức. Điều này sẽ giúp các cửa hàng thể hiện sự đa dạng sản phẩm, đồng thời khiến các nàng không thể tránh khỏi sự hiếu kỳ mà rẽ vào sắm nguyên cây đồ y hệt manocanh.
Và bạn nên cân nhắc vì vóc dáng của manocanh có tỷ lệ chuẩn chỉnh, tôn trang phục hiệu quả. Trong khi đó, nhiều cửa hàng lại không cho thử đồ sale. Do đó, nếu mua nguyên cây đồ giống hệt manocanh thì bạn rất dễ chọn phải những món không thực sự phù hợp với vóc dáng của bản thân.
5. Đồ giảm giá được để ở phía trong
Thông thường những món đồ chất lượng, được giảm giá hời đều được để ở ngay gần cửa, vị trí dễ thấy để thu hút khách hàng; ngược lại, những món đồ lỗi mốt, hỏng hóc nhẹ thường được ẩn vào phía trong. Trong trường hợp bạn có nhiều thời gian, thì bạn hoàn toàn có thể "bới cát tìm vàng" ở những dãy giảm giá sâu trong cửa hàng; còn nếu bận rộn, bạn chỉ cần lướt qua 1 vài dãy ở khu vực trung tâm là đã đủ tìm được những item chất lượng, giá hời.
6. Phụ kiện ở gần quầy tính tiền
Các món phụ kiện như khuyên tai, tất, ví… thường được sắp đặt ở gần quầy thanh toán. Vì những món đồ này thường có giá trị nhỏ, dễ sử dụng nên việc này sẽ khiến khách hàng "dễ tính" mà sắm thêm 1, 2 món, giúp tăng doanh số cho cửa hàng. Thủ thuật này cũng thường áp dụng ở siêu thị với những loại kẹo cao su, kẹo socola…
7. Đồ sale kết thúc với số 9
Theo nghiên cứu, những sản phẩm có mức giá 149k, 199k sẽ được lựa chọn nhiều hơn so với những sản phẩm có giá 150k hay 200k. Dù chỉ là 1k nhưng việc giảm đi chút đỉnh sẽ khiến khách hàng cảm thấy hời hơn và sẵn sàng mua sắm nhiều hơn. Do đó, là 1 khách hàng, bạn rất nên cẩn thận trước khi sắm 1 món đồ có mức giá cuối cùng kết thúc bằng số 9.