"Ôi trời ơi, thiệt hại trong mấy ngày thôi mà tính ra bằng giá cả 1 căn nhà Hà Nội!".
Đó là lời than nửa khóc nửa buồn nghe nặng trĩu của chị Thu Hà - giám đốc một công ty du lịch ở quận Long Biên (Hà Nội). Tuy công ty chị kinh doanh không quá lớn, nhưng cung cấp rất nhiều dịch vụ khác nhau liên quan đến du lịch như cho thuê xe, bán vé máy bay, book phòng khách sạn, resort... nên doanh thu thường ngày cũng khá cao. Nhân viên của chị Hà cũng ngót nghét chục người.
Tuy nhiên, vừa nghỉ Tết xong thì đại dịch viêm phổi cấp cũng bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ đến công ty của chị Hà.
"Mấy ngày vừa rồi chỉ toàn khách báo hoàn vé, hủy vé, trả phòng, chấp nhận mất tiền để ở nhà tránh dịch. Mọi năm giờ này quay cuồng phục vụ khách đi du lịch sau Tết, năm nay cũng thế, nhưng là quay cuồng làm thủ tục hủy vé hủy phòng cho khách, buồn không tả xiết".
Mất tiền tỷ ngay đầu năm mới vì đại dịch viêm phổi, song chị Hà vẫn cố gắng lạc quan để chăm lo cho gia đình, con nhỏ.
Nếu làm tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ thì có lẽ thời gian này chị Hà coi như nghỉ Tết dài hơn một chút, không thu vào thì cũng chẳng mất đi, song vì mở công ty với nhiều mối làm ăn lớn nên doanh thu sụt giảm nặng nề. Khách mua voucher resort trong nước thi nhau đem trả lại, khách đi tour nước ngoài theo đoàn giá cả trăm triệu cũng hủy nốt.
Một ngày không xuất được 1 vé máy bay nào, đăng thanh lý các suất nghỉ dưỡng giá rẻ cũng chẳng ai mua, không riêng gì chị Hà mà rất nhiều người làm dịch vụ du lịch đều đang rơi vào tình trạng thua lỗ trầm trọng.
Tình hình các tiệm làm tóc, shop thời trang, làm móng, nối mi... cũng rơi vào "thảm cảnh" không có khách. So với thời điểm trước Tết khách xếp hàng đông nghịt, ngồi chờ kín cả tiệm, thì giờ đây chỗ làm đẹp nào cũng thưa vắng người, thậm chí đành phải đóng quán nghỉ tạm thời vì quá ế ẩm.
Phương Nga, chủ một tiệm nails nhỏ ở Mỹ Đình thở dài: "Mọi năm sau Tết là khách ùn ùn kéo đến sơn sửa tay chân, có khi mình ở quê nghỉ chưa lên, mùng 4 khách đã gọi ầm ầm. Nay thì lên từ mùng 5, mở hàng ế ẩm, có khi cả ngày mới được 2 khách là may lắm. Bình thường có mỗi mình bịt khẩu trang làm cho khách, giờ thì các chị em đến đây cũng bịt kín mít nốt, chẳng buồn nói chuyện, cảm giác nó đìu hiu lắm. Không biết tháng này lấy đâu ra tiền trả thuê nhà với điện nước...".
Các địa chỉ làm đẹp ngày thường vốn đông khách nữ, giờ đây vắng vẻ vô cùng.
Anh Đinh Tiến Hoàng - cổ đông một spa nổi tiếng trên phố Hoàng Diệu (Hà Nội) cũng khóc ròng khi khai xuân đầu năm đã thiệt hại vì đại dịch, cái khổ nhất là khách không tới spa làm đẹp, hẹn bạn bè đến đối tác cũng chẳng ai dám gặp, khiến công việc của anh bị đình trệ nghiêm trọng. Ông chủ U40 thở dài thượt, tâm sự thay lời muốn nói của biết bao nhiêu anh chị em làm kinh doanh, dịch vụ.
"Chỉ mong cho qua mau cái đại dịch này. Mọi ngành nghề gần như đóng băng hết rồi.
- Nhà chị gái mình làm xe du lịch 99,9% khách báo hủy lịch, xe để nguyên 1 chỗ, không có nguồn thu mà lương tài xế, ngân hàng, chi phí các kiểu vẫn phải thanh toán.
- Nhà hàng thì vắng lặng, vì mọi người cũng ngại đi ăn chốn đông người.
- Bán khẩu trang, nước rửa tay thì sợ bị chửi.
- Hẹn đối tác Hàn Quốc sang làm việc để khởi động 1 vài chương trình truyền hình thì họ cũng chưa dám sang chờ qua đợt cao điểm dịch.
- Làm sự kiện, event thì có lệnh gần như cấm nên cũng không triển khai được.
- Spa thì nhân viên cũng lười đi vì ở nhà trông con không biết gửi cho ai sau khi các con được nghỉ học.
Năm ngoái sao Thái Bạch chiếu mạng hết sạch cửa nhà, tưởng năm nay sao Thái Dương cố ngóc đầu trở lại kiếm tí mà lại dính sao Corona chiếu vào, em sắp khóc đến nơi rồi ý".
Không vất vả lo chi phí thuê mặt bằng, điện nước, thiết bị, đầu tư đủ thứ như trên, song ngồi nhà bán hàng online như mấy mẹ bỉm sữa 2 con cũng đau đầu vì mất thu nhập.
Hồng Anh (25 tuổi) cũng mệt mỏi vì bán hải sản nhưng tiêu thụ chậm, khách đặt hàng ít, dịch vụ vận chuyển cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh virus corona. Vừa mới sinh con xong mấy tháng, bà mẹ trẻ mong đợi sang năm mới sẽ buôn bán nhiều lộc hơn, nhưng Tết còn chưa hết đã khóc ròng vì chẳng đủ tiền mua sữa cho con.
Đó chỉ là vài câu chuyện buồn trong vô số chuyện ảm đạm giữa tâm bão dịch bệnh, người người nhà nhà đều cầu mong được trở lại cuộc sống bình thường. Nếu kéo dài tình trạng xáo trộn trong cuộc sống sinh hoạt và công việc như hiện tại, thì sẽ có rất nhiều chị em phụ nữ hoang mang lo lắng, ảnh hưởng cả kinh tế và tinh thần. Hãy cố gắng bình tâm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và cả gia đình, rồi mọi thứ cũng sẽ ổn thôi!