Kinh hoàng những kiểu nhiễm sán vì ăn tiết canh, thịt tái sống
Cách đây không lâu, hình ảnh chụp X-quang cho thấy bệnh nhân nhiễm sán được lan truyền trên mạng xã hội đã làm dấy lên những lo sợ về những món ăn có nguồn gốc từ lợn. Hình ảnh chụp X-quang này được cho là của bệnh nhân nhiễm sán xơ mít do ăn phải thức ăn sống (có thể là rau sống, tiết canh, gỏi cá...) có nhiễm trứng, ấu trùng sán... Trong đó, đáng bàn nhất là món tiết canh, nem chua, nem thính được làm bằng thịt sống, thịt tái. Chúng được cho là nguyên nhân chủ yếu gây nên căn bệnh “người gạo” đáng sợ này.
Theo hình ảnh chụp bằng X-quang được cung cấp trên mạng xã hội, nạn nhân đã bị nhiễm sán sơ mít ở giai đoạn vôi hóa. BS Lương Quốc Chính (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ trên facebook cá nhân: “Rất nhiều người vẫn cho rằng đây không phải là hình ảnh của nhiễm sán vì không thể có chuyện sán lại cản quang trên phim X-quang được, nhưng vì đây là tổn thương đã vôi hóa nên mới cản quang như vậy, chỉ cần sử dụng hai từ khóa Cysticercosis, Trichinellosis để search tìm ảnh trên google sẽ thấy những hình ảnh tương tự”.
Thông tin "người gạo" đang được cư dân mạng chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. (Ảnh: BS Luong Quoc Chinh)
Đây không phải là vụ duy nhất khiến chúng ta hoảng hồn về hình ảnh người nhiễm sán. Và cũng không chỉ riêng chuyện ăn tiết canh, thịt lợn tái, sống thì mới có nguy cơ cao bị nhiễm sán. Thịt lợn, trâu, bò, cá, cua, rau sống ăn kèm... nói chung đều có khả năng lây nhiễm sán cho cơ thể, tùy thuộc vào món ăn của bạn có đảm bảo vệ sinh, đảm bảo nấu chín kỹ hay chưa.
Mới đây Viện sốt rét và ký sinh trùng Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành sổ sán dải lợn cho một người đàn ông trú tại quận Gò Vấp. Bệnh nhân Trần Văn T. 32 tuổi làm nghề phụ hồ. Anh T. cho biết gần đây anh đi ngoài thấy phân có các đốt trắng nhìn rất ghê, chân tay phù nề nên anh đi khám bệnh. Bác sĩ nghi ngờ có thể bệnh do ký sinh trùng nên khuyên anh sang kiểm tra chuyên môn ký sinh trùng. Qua chẩn đoán huyết thanh học, bác sĩ phát hiện anh T. bị sán dải lợn và tiến hành sổ sán dải lợn. Kết quả thu được là một con sán dài 3 mét. Sau khi tìm hiểu thói quen ăn uống, các bác sĩ phát hiện, chính việc thường xuyên ăn thịt tái với những món khoái khẩu là nem chua, nem chạo, bò nhúng, anh T. đã tạo cơ hội cho sán làm tổ trong người mình.
Hay như trường hợp của một người Trung Quốc bị nhiễm sán dây khắp cơ thể do ăn quá nhiều sushi là một minh chứng khác cho việc ăn đồ sống hoặc đồ nấu chưa chín có thể khiến cơ thể nhiễm nhiều loại giun, sán. Cơ thể anh “thủng lỗ chỗ” với đầy sán dây (sán xơ mít).
Trước đó, người này đã đến bác sĩ khám và than phiền về việc đau bụng, ngứa da. Kết quả quét toàn bộ cơ thể cho thấy sán dây ký sinh trên khắp cơ thể của bệnh nhân. Người này cho biết trong thời gian dài, anh là tín đồ của món sashimi (cá sống). Do đó, các bác sĩ tin rằng nguyên nhân người đàn ông nhiễm sán là do ăn quá nhiều cá và thịt chưa nấu chín kiểu Nhật.
Trước những thông tin này, nhiều người lo lắng bày tỏ sẽ cạch đến già món tiết canh lợn, lòng lợn tái, nem chua, nem thính. Vậy, việc ăn thịt tái, sống, tiết canh, rau sống… - những nguồn dễ có sán sơ mít trú ngụ nhất nguy hiểm đến cỡ nào?
Hậu quả đáng sợ khi cơ thể bị nhiễm sán do ăn thịt tái, sống, tiết canh, rau sống
Theo TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam), khi ăn thịt lợn chưa được nấu chín kỹ thì nguy cơ bị nhiễm sán rất cao. Sán dây trưởng thành phát triển rất nhanh trong ruột lợn, có thể ảnh hưởng đến não bộ của con người. Ngoài ra, sán lợn cũng phát triển qua ấu trùng như tiếp xúc với phân lợn, hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Điều này có thể lây nhiễm sang một số mô trong cơ thể con người.
Nếu ấu trùng xâm nhập vào hệ thần kinh, điều này có thể khiến bạn mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn ở não (neurocysticercosis), gây nhiễm trùng não nghiêm trọng. Nếu sán xâm nhập vào não thì người bệnh có thể bị động kinh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, gần 1/3 các trường hợp bị bệnh động kinh là do bị nhiễm sán dây lợn. Loại sán này có thể dài tới 7m và thải đốt liên tục đồng thời cũng sinh ra đốt mới nên nó sẽ hút hết chất dinh dưỡng từ cơ thể người nó đang ký sinh. Người bị nhiễm sán sẽ bị thiếu dinh dưỡng, gầy còm ốm yếu, đau bụng, tiêu chảy.
Trường hợp người bị tự nhiễm ấu trùng sán hoặc nhiễm do thức ăn không vệ sinh có lẫn trứng sán thì những ấu trùng sán này sẽ vào não, mắt, cơ, da… rất nguy hiểm. Nếu sán làm tổ ở mắt có thể khiến lồi nhãn cầu gây lác mắt, nhìn đôi, làm bong võng mạc gây giảm thị lực, có thể bị mù. Khi sán chạy vào não, bạn có thể bị nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ. Sán làm ổ trong tim sẽ gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng van tim, dẫn đến suy tim.
Sán làm tổ trong mắt người bị lây nhiễm. (Ảnh: Internet)
Sán làm tổ trong mắt người bị lây nhiễm. (Ảnh: Internet)
Theo thông tin từ Oxfordjournals, các hội chứng lâm sàng khi bị nhiễm ấu trùng sán lợn được chia thành nhiễm ấu trùng sán lợn hệ thần kinh trung ương hoặc nhiễm ấu trùng sán lợn ngoài thần kinh.
“Trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực phẩm chế biến từ lợn có nguy cơ nhiễm sán cao hơn cả, sau đó mới đến gà, vịt… Trứng sán thường sẽ theo thức ăn hoặc nước uống chưa chín kỹ đi vào dạ dày và sinh sôi, nảy nở. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên ăn thịt lợn chưa chín kỹ, còn tái hoặc ăn tiết canh, nội tạng lợn như lòng non, lòng già, dạ dày…”, TS Từ Ngữ cho hay.
Triệu chứng chung ở những bệnh nhân bị nhiễm sán
Người bị nhiễm sán thường có các biểu hiện như đau bụng từng cơn, mơ hồ, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng, thiếu máu, móng tay biến dạng, người xanh xao, ngứa, mày đay, suy nhược cơ thể... Nếu có những dấu hiệu này, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.
Đối với bệnh nhân đã ở giai đoạn “người gạo”, bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán lợn kén vôi hóa thường xuất hiện dạng nốt nhỏ trên phim ở vùng lưu hoành. Các tổn thương này đã từng được coi là không gây triệu chứng lâm sàng, nhưng gần đây đã có nhiều bằng chứng cho thấy chúng là căn nguyên gây co giật và các triệu chứng thần kinh khu trú. Phù quanh tổn thương ở bệnh nhân “người gạo” có thể biểu hiện bằng các triệu chứng nặng như co giật và liệt khu trú, nhưng cũng có thể không biểu hiện gì đặc biệt.
Nem thính, nem chạo là một trong những loại thực phẩm không nên ăn từ thịt lợn để phòng tránh nhiễm giun sán. (Ảnh: Internet)
Nem thính, nem chạo là một trong những loại thực phẩm không nên ăn từ thịt lợn để phòng tránh nhiễm giun sán. (Ảnh: Internet)
Cách phòng tránh nhiễm sán
Theo TS Từ Ngữ, để không ăn phải thực phẩm nhiễm sán cần phải: Làm sạch thực phẩm trước khi chế biến, tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi; Không phân biệt đối tượng, cả gia đình cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần; Không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng không đảm bảo, không rõ nguồn gốc; Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ; Quản lý phân rác chặt chẽ, tránh để lợn, gà, chó tha phân gây ô nhiễm môi trường.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trẻ nhỏ luôn là đối tượng dễ bị nhiễm giun sán cho dù cha mẹ đã chăm sóc và cho con ăn uống cẩn thận. Giun sán ẩn nấp trong nhiều loại thực phẩm, trong khi đó, trẻ nhỏ là đối tượng rất hiếu động, chưa ý thức được cái gì sạch, cái gì bẩn nên có thể vô tình bị nhiễm giun sán. Với nhóm đối tượng này, cha mẹ cần chú ý luôn rửa sạch tay cho bé trước và sau khi ăn; nghiêm cấm con ăn thực phẩm chưa nấu chín, uống nước chưa đun sôi; không cho bé bò trườn dưới nền nhà; luôn cắt móng tay móng chân sạch sẽ…
Đối với những món ăn như tiết canh, thịt sống, tái, tốt nhất chúng ta phải từ bỏ ngay từ bây giờ. Đây là những món ăn ẩn chứa nhiều ấu trùng sán nhất. Ngoài ra, trong quá trình mua thực phẩm, bạn cũng cần chú ý chọn mua thịt lợn tươi, ngon, sạch cho gia đình.
Nguyên tắc khi mua thịt lợn, đảm bảo thịt ngon-sạch-không chứa sán
- Không mua thịt lợn có các ấu trùng hình bầu dục. Thịt lợn gạo thường chứa các ấu trùng nằm ở các miếng thịt, có ấu trùng dài tới 9 mm, màu trắng đục, bên trong chứa dịch thể và đầu sán.
Thịt lợn gạo thường chứa các ấu trùng nằm ở các miếng thịt. (Ảnh: Internet)
Thịt lợn gạo thường chứa các ấu trùng nằm ở các miếng thịt. (Ảnh: Internet)
- Khi thái thịt, có thể cắt thịt theo thớ dọc, nếu thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì thực phẩm này đã bị nhiễm kén sán.
- Thịt lợn sạch thường có lớp bì dày, mỡ dày, có màu trắng trong đến trắng ngà, ăn giòn, không ngấy như thịt lợn tăng trọng. Ngược lại, thịt lợn siêu nạc có lớp mỡ mỏng, lỏng lẻo, tách rời nạc và mỡ.
- Khi còn sống, thịt lợn siêu nạc có mùi tanh hơn thịt lợn sạch.
- Thịt lợn sạch có màu hồng tươi, thịt lợn siêu nạc có màu đỏ đậm khác thường, sáng bóng, có thể xuất hiện những đốm đỏ ngoài da.