Là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới thuộc tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc), Temu vừa chính thức khai trương trang bán hàng tại Việt Nam vào cuối tháng 9/2024. Về cơ bản, Temu có hình thức kinh doanh tương tự các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam như Shopee, Lazada hay TikTok Shop.
Chỉ mới tiến vào thị trường Việt nhưng ứng dụng này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý và quan tâm của người tiêu dùng nhờ vào việc cung cấp đa dạng mặt hàng, đặc biệt là có giá bán siêu rẻ cùng nhiều ưu đãi "sập sàn".
Thành công bước đầu trong việc thu hút khách hàng, thế nhưng trải nghiệm của đại đa số người Việt khi mua hàng tại Temu lại không mấy khả quan.
Nhiều người công nhận rằng Temu tung rất nhiều deal hời và mã giảm "khủng", thậm chí giảm đến vài trăm nghìn cũng có. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề là Temu lại đẩy giá sản phẩm lên cao. Vậy nên sau khi áp mã giảm, sản phẩm của Temu thực chất cũng có giá tương đương với sản phẩm của sàn thương mại điện tử khác. Đại đa số đều cho rằng mua hàng ở Temu không hề rẻ "sập sàn" như quảng cáo.
Một ví dụ điển hình, cùng là mẫu đèn ngủ vịt LED có lượt bán tương đối cao nhưng dễ nhận ra giá gốc sản phẩm ở Temu có sự chênh lệch rõ rệt so với các sàn TMĐT khác. Giá bán ở Lazada và Shopee (chưa áp mã giảm) lần lượt là 233k và 240k. Trong khi đó, giá gốc ở Temu (chưa áp mã giảm) lại cao gấp 2 gấp 3 lần, có shop bán 422k, có shop còn bán 559k.
Về sản phẩm, Temu lại càng bị "chê" nhiều hơn vì chất lượng cực kỳ hên xui. Nhiều người nói rằng mua 10 sản phẩm thì chỉ dùng được 3. Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng hàng hoá của Temu chứa chất độc hại, có khả năng gây ung thư.
Mới đây nhất, một người dùng Việt đã review chân thực trải nghiệm mua đồ chơi tại Temu. Chủ tài khoản nhận xét khâu đóng gói sản phẩm của Temu quá "tệ" vì chỉ lèo tèo 2 chiếc túi, nếu sản phẩm không phải đồ chơi thì khả năng cao sẽ bị gãy và hỏng hóc. Đặc biệt, sau khi phát hiện cả 2 món hàng đều được bán trên Shopee, thậm chí giá còn rẻ hơn, chủ tài khoản đã nhấn mạnh rằng không nên mua gì ở Temu!
Được biết, đến thời điểm này, Temu chỉ hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay, chưa hỗ trợ các loại ví điện tử phổ biến khác. Đặc biệt là Temu vẫn chưa cho phép người dùng Việt sử dụng hình thức ship cod (thanh toán khi nhận hàng) - đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến mọi người cảm thấy không tin tưởng ứng dụng này.