Từng chọn nơi sinh là nhà hộ sinh A (Ngô Quyền – Hoàn Kiếm – Hà Nội) chị Lê Thị Hồng Thu, tâm sự: “Lần đầu mình chọn sinh tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, từ khi nhập viện đến khi mẹ tròn con vuông rồi về nhà chỉ vỏn vẹn 26 tiếng đồng hồ, thế mà mỗi lần nghĩ lại vẫn thấy sợ. Người thì đông, bác sĩ, y tá thì bận túi bụi nên không có nhiều thời gian cho mình. Lúc gần sinh, đau đớn và sợ hãi thì người nhà lại không được ở bên cạnh…
Thế nên lần thứ 2, sau khi đi khám thai thấy bình thường, bản thân khỏe mạnh, mình đã chọn nhà hộ sinh A để làm nơi sinh. Bởi lẽ, nhà hộ sinh này gần bệnh viện Phụ sản, giả sử có gì bất thường, họ chuyển mình vào viện cũng nhanh. Hơn nữa, qua nhiều lần đến đó khám, thấy các nhân viên y tế cũng rất nhiệt tình”.
“Hôm đến đẻ, cả nhà hộ sinh chỉ có 1 ca của mình, nên 5, 6 bác sĩ y tá, tập trung vào chăm sóc, hỏi han, động viên cho mình đỡ sợ. Rồi lúc mình vừa sinh xong, vẫn còn nằm trên bàn chờ khâu, có chị còn vào hỏi mình có lạnh không, mình gật, thế là chị ấy lấy chăn đắp cho mình, pha cho mình 1 cốc sữa nóng rồi động viên mình uống” – Chị Thu nói.
Cùng ấn tượng như chị Thu, trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, nhiều sản phụ cũng đã dành rất nhiều những lời “có cánh” để nói về chuyện sinh đẻ ở một số nhà hộ sinh. “Tuy nhiên, chừng ấy vẫn không đủ để cho nhiều bà mẹ lựa chọn nhà hộ sinh làm nơi sinh nở. Bởi điều quan trọng nhất khiến các gia đình quan tâm đó là về chuyên môn của y bác sĩ, và các thiết bị hiện đại” – chị Linh (Linh Đàm – Hà Nội) nói.
Chính vì thế, dù rất thoáng mát, sạch sẽ, nhưng các nhà hộ sinh vẫn rơi vào tình trạng “ế ẩm”.
Khu vực phòng đẻ, phòng hồi tỉnh, phòng chờ đẻ của nhà hộ sinh quận Đống Đa vắng tanh vắng ngắt.
Nhà hộ sinh vắng như “Chùa bà Đanh”
Có mặt tại nhà hộ sinh B (Lò Đúc – Hà Nội) nơi được cho là tấp nập nhất trong số 4 nhà hộ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội vào lúc 9h30 phút sáng ngày 23/7, toàn bộ khu tầng 1 bao gồm phòng cấp cứu, phòng siêu âm, phòng khám phụ khoa… vắng tanh không một bóng bệnh nhân.
Một nhân viên y tế ở đây cho biết, bình thường, cũng có khá nhiều người đến khám thai, phụ khoa… nhưng hôm nay, có thể do trời mưa, nên lượng người ít.
Tầng 1 Nhà hộ sinh B không một bóng người lúc 9h30 phút sáng.
Nhà hộ sinh A (Ngô Quyền – Hoàn Kiếm – Hà Nội), nhà hộ sinh Đống Đa (Ngõ Thổ Quan – Đống Đa – Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự. 4, 5 nhân viên y tế ngồi túm tụm vì không có bệnh nhân. Toàn bộ khu phòng chờ đẻ, phòng đẻ, phòng hồi tỉnh rộng thênh thang, không một người.
Cả một buổi chiều tại nhà hộ sinh Đống Đa, chỉ lác đác một vài bà bầu đến khám thai, một số bạn trẻ đến khám phụ khoa… khiến không gian ở đây yên ắng đến lạ lùng. Tuy nhiên, trong số hiếm hoi những bà bầu đến khám thai mà phóng viên bắt gặp tại đây, hầu hết đều có ý định sẽ chọn bệnh viện Phụ sản Trung ương, hoặc Phụ sản Hà Nội làm nơi “khai hoa nở nhụy”.
Chị H., khám thai tại nhà hộ sinh Đống Đa thổ lộ, “vì nhà gần nên mình chọn nơi đây là nơi để siêu âm, khám thai, và theo dõi sự phát triển của thai nhi. Còn đến ngày sinh, chắc mình sẽ chọn sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hoặc Phụ sản Hà Nội”.
“Lên đó cho yên tâm, có vấn đề gì các bác sĩ sẽ xử lý kịp thời, chứ nếu sinh ở nhà hộ sinh, có gì bất thường, mọi người cũng vẫn phải chuyển lên trên. Vả lại, ở nhà hộ sinh không có phòng mổ nên cũng có chút lo lo lắng” – chị H. lý giải.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Vy - Nguyên Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, Chủ
tịch Hội sản Phụ khoa VN, các sản phụ đều biết về tình trạng quá tải tại
một vài bệnh viện, nhưng họ vẫn tìm đến là bởi, họ biết ở những nơi đó,
có bác sĩ tay nghề cao, có chất lượng phục vụ tốt, có các chuyên gia,
và khi xảy ra tai biến trong sinh đẻ thì được can thiệp kịp thời bởi
những chuyên gia và những bác sĩ giỏi. |