Đau khi đẻ hay đau trong chuyển dạ là nỗi lo sợ, ám ảnh của mỗi sản phụ sắp đến ngày sinh nở, cơn đau có thể làm cho cuộc chuyển dạ trở nên khó khăn, phức tạp hơn.
Vừa qua, trên một diễn đàn thuộc loại “khủng” của cộng đồng mạng Việt dành cho những người mê xe ô tô xuất hiện một bài viết vô cùng cảm động của một ông bố trẻ kể chuyện đưa vợ đi đẻ. Theo như ông bố trẻ có nickname Cavali cho biết, anh đã trải qua 3 ngày khủng khiếp nhất trong cuộc đời khi đã có lúc tuyệt vọng tưởng như sẽ mất vợ, mất con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Bức ảnh con gái trong bệnh viện được ông bố đăng tải kèm bài viết trên diễn đàn.
Ông bố trẻ này chia sẻ, vợ anh có dấu hiệu sinh, tuy nhiên khi vào viện, chị lại bị biến chứng sốc thuốc gây tê ngoài màng cứng nghiêm trọng và ngay lập tức suy tim, truỵ thai. Toàn bộ y bác sỹ, giáo sư đầu ngành đang trực khi đó tại bệnh viện đã phải nỗ lực hết sức để cứu sống mẹ và bé. Rồi may mắn, sức sống mạnh mẽ của đứa trẻ và người mẹ đã chiến thắng thần chết.
Theo ThS.BS Lê Thị Phương Huệ (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, gây tê ngoài màng cứng là một kỹ thuật gây tê vùng thường được sử dụng trong quá trình chuyển dạ. Gây tê ngoài màng cứng được tiến hành khi cơn co tử cung trở nên mạnh hơn và sản phụ không có những bất thường trong kết quả xét nghiệm máu cũng như sức khỏe tốt để cuộc chuyển dạ diễn ra trong điều kiện lý tưởng nhất có thể. Sau khi sử dụng thuốc tê và một số thuốc khác, sản phụ sẽ mất cảm giác đau từ bụng đến hai chân nhưng vẫn tỉnh hoàn toàn và có thể cử động hai chân bình thường. Vì vậy, bà bầu vẫn nhận biết được khi có cơn co tử cung và đặc biệt là vẫn rặn đẻ được bình thường.
Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ ở lưng, sau đó các bác sĩ sẽ chọc 1 ống nhựa nhỏ ngoài sống lưng, dừng lại cách màng cứng bọc tủy sống khoảng 15mm, đồng thời bơm 1 lượng thuốc tê nhỏ nhất. Thông thường, thủ thuật này được thực hiện trong vòng 10 phút và cần thêm 15 phút để thuốc tê có tác dụng. Mỗi liều thuốc tê có thể kéo dài đến 1 tiếng đồng hồ trước khi cần tiêm thêm liều kế tiếp, hoặc có thể truyền dung dịch thuốc gây tê liên tục và chậm. Lợi thế của phương pháp này là giúp giảm đau hiệu quả và nhanh hơn, trong khi đó sản phụ vẫn đi lại được.
Lợi ích và tác dụng phụ của phương pháp đẻ không đau
Lợi ích của việc gây tê ngoài màng cứng của đẻ không đau theo các chuyên gia y tế sẽ giúp sản phụ tiết kiệm sức để rặn đẻ tốt hơn vì không phải trải qua những cơn chuyển dạ đau đớn, nhờ đó quá trình vượt cạn cũng nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn và em bé ít bị sang chấn hơn. Đây cũng là phương pháp đặc biệt có giá trị với những trường hợp sinh đẻ mà cơn đau chuyển dạ kéo dài và gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ đang tiến hành thủ thuật gây tê ngoài màng cứng.
Cũng theo bác sĩ Huệ, như bất kỳ can thiệp y tế nào, phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng có một số tác dụng phụ tiềm ẩn những rủi ro gây hoang mang cho bà bầu khi cân nhắc có nên chọn phương pháp gây tê ngoài màng cứng để đẻ không đau hay không. Một số sản phụ cảm thấy chóng mặt, ớn lạnh, lạnh run, buồn nôn, nôn, khó vận động chân sau khi tiêm thuốc, hoặc bị nhức đầu nhẹ sau sinh và tự hết vài giờ sau đó. Hiếm hơn, vài chị em có thể gặp phải cảm giác lạ ở vùng mông, đùi như rát, bỏng, nóng… trong thời gian ngắn hậu sản. Ngoài ra, thuốc tê có thể gây giãn mạch, tụt huyết áp, trụy tim ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho thai nhi. Các bác sĩ thường phòng tránh tình trạng này bằng cách truyền dịch trước gây tê, đồng thời huyết áp mẹ và tim thai sẽ được theo dõi sát sao liên tục.
Còn trường hợp khi bệnh bị sốc phản vệ do gây tê ngoài màng cứng là những trường hợp đặc biệt có thể bệnh nhân quá mẫn cảm với thành phần của thuốc.
Bên cạnh đó phương pháp này không được áp dụng cho những trường hợp sản phụ bị cong cột sống, khe sống giữa 2 đốt sống hẹp nên không thể đưa kim vào để tiêm thuốc, hay có tiền sử máu không đông, nước ối bị nhiễm khuẩn lúc chuyển dạ, mắc bệnh ngoài da tại khu vực xương sống thắt lưng, nhiễm trùng vùng lương bệnh lý nặng của hệ thống thần kinh trung ương.