Các biến chủng mới của virus có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch
Bộ Y tế cho biết ngày 23/7 có 1.071 ca COVID-19 mới, số ca khỏi bệnh là gần 9.400 gấp 9 lần số mắc mới; trong ngày không có F0 tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.767.200 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.620 ca nhiễm).
Đến nay tổng số ca COVID-19 ở nước ta đã điều trị khỏi: 9.851.504 ca. Trong số bệnh nhân đang điều trị giám sát có 37 ca thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 30 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 3 ca. Con số này giảm gần 20 ca so với ngày trước đó.
Theo Bộ Y tế, các biến chủng mới của virus có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian dẫn đến có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.
Đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm vaccine COVID-19 liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.
Thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ, chủ động các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh và chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch;
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch theo công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác" với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị, gắn với thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19 để tập trung phục hồi, phát triển kinh tễ, xã hội.
Ghi nhận bệnh nhân sưng đau vùng mặt, hoại tử xương hàm nặng trên nền đái tháo đường sau mắc COVID-19 tử vong
Tại Hội nghị Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 48, diễn ra tại TP HCM mới đây, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã báo cáo về chùm ca bệnh nhiễm nấm đen Mucormycosis mà bệnh viện đã điều trị trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý, có hai trường hợp nhiễm nấm đen bị hoại tử xương nặng, không qua khỏi là bệnh nhân "hậu COVID-19".
Ngoài 2 trường hợp trên, Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận bà N.T.T. (72 tuổi), nhập viện ngày 15/6 với tình trạng viêm xoang hàm cấp trên, chưa ghi nhận nhiễm Covid-19 nhưng có tiền sử đái tháo đường không kiểm soát tốt. Bệnh nhân được mổ cấp cứu, giải phẫu bệnh cho kết quả tổn thương do nhiễm Mucormycosis.
Hậu phẫu, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, thuốc kháng nấm liên tục 3 tuần. Hiện tình trạng bệnh nhân có cải thiện nhưng chưa biết còn điều trị kéo dài bao lâu nữa.
Sau 3 ca bệnh, nhận thấy nấm Mucormycosis chủ yếu gây tổn thương hàm mặt trên người có bệnh lý đái tháo đường, có thể sau khi mắc COVID-19. Tất cả bệnh nhân đều đến khám đầu tiên ở chuyên khoa Tai mũi họng và Răng hàm mặt.
"Bệnh nấm đen Mucormycosis là một bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp do nấm mốc Mucormycetes gây ra. Nấm sống ở môi trường như đất, nước, nhất là chất hữu cơ (như rau quả) đang thối rữa, có thể hít vào hoặc xâm nhập qua vết xước trên da. Nấm dễ xâm nhập trên người suy giảm miễn dịch, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường trong giai đoạn toan ceton, hay người sử dụng nhiều corticoid..."- PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.
Thống kê cho thấy, trên bình diện toàn cầu, tỷ lệ nhiễm Mucormycosis dao động từ 0,005 đến 17/1.000.000 dân. Ấn Độ là nước có tỷ lệ nhiễm Mucormycosis cao nhất thế giới, gấp hơn 80 lần so với các nước phát triển. Sau đại dịch, nước này từng báo cáo hàng loạt ca nhiễm nấm đen ở bệnh nhân từng mắc COVID-19. Các ca nhiễm nấm thường xảy ra từ 12-18 ngày sau khi khỏi COVID-19. 80% trong số này cần phẫu thuật và tỷ lệ tử vong lên đến hơn 94% nếu xâm lấn vào não.
Thống kê đặc điểm các ca nhiễm nấm Mucormycosis là bệnh nhân COVID-19, người ta thấy 78% là nam giới, 80% có bệnh tiểu đường không kiểm soát, nhiều trường hợp biểu hiện tổn thương xoang, mắt, phổi và trên 30% bệnh nhân tử vong…
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 574 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Trong tuần từ 4-10/7, tổng số ca mắc mới tại châu Âu là hơn 3 triệu người; tuần từ 11-17/7, cũng có gần 3 triệu người mắc mới, chiếm gần một nửa số ca COVID-19 mới trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch COVID-19 đang gia tăng một lần nữa ở châu Âu với số ca nhiễm được ghi nhận đã tăng gấp hơn 3 lần chỉ trong 6 tuần.
Trong một tuần lễ, số ca nhiễm mới tại Pháp tăng 50%, riêng trong ngày 22/06/2022 trên toàn quốc có thêm gần 78.000 ca. Các quốc gia tại khu vực châu Âu như Bồ Đào Nha, Ý, Đức, Anh cũng ghi nhận số mắc gia tăng so với trước. Tại hầu hết các quốc gia này, biến thể BA4 và BA5 đều là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan trở lại nhưng trước mắt tỷ lệ nhập viện vẫn được giữ ở mức thấp.