Bức thư "Xin đừng thả bóng bay ngày khai giảng" của cô bé học sinh lớp 5 Nguyễn Nguyệt Linh liên tục nhận được sự hưởng ứng từ các trường học trên cả nước trong mấy ngày qua.
Sau khi nhận thư, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường Marie Curie - ngôi trường em Nguyệt Linh đang theo học khẳng định, Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 sẽ không còn thả bóng bay lên trời và sẽ đặt tên cho Lễ khai giảng năm nay là "Lễ khai giảng Nguyệt Linh".
Nhiều trường đã thống nhất sẽ tổ chức lễ khai giảng "không bóng bay".
Ngoài ra, nhiều trường học khác như THCS Lê Quý Đôn, THPT Phan Huy Chú, Bill Gates, Jean Piaget... đều đã thống nhất sẽ tổ chức lễ khai giảng "không bóng bay".
Mới đây nhất, thêm 10 trường học thuộc hệ thống Mầm non Quốc tế Sakura Montessori và PTLC Quốc tế Gateway cũng đã quyết định không thả bóng bay trong lễ khai giảng để hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyệt Linh.
Không chỉ có các hiệu trưởng hưởng ứng lá thư của Nguyệt Linh, những lãnh đạo của ngành giáo dục và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã bày tỏ sự xúc động trước lời đề xuất của cô bé.
Chiều 29/7, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT hoan nghênh và biểu dương ý tưởng của Nguyệt Linh. "Bộ GD-ĐT mong muốn có nhiều hơn nữa những ý tưởng tốt về bảo vệ môi trường của các em học sinh" - bà Nghĩa cho biết.
Trước đó, vào ngày 28/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã gửi thư cho Nguyệt Linh nhắn nhủ: "Bác mong ước mơ của con sớm thành hiện thực và con sẽ cùng các bác, cùng thế hệ trẻ đồng hành bảo vệ môi trường, bảo vệ tương lai cho chúng ta".
Thư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà.
Để dành những hành động thiết thực và nhân văn trong lễ khai giảng
Thầy Donald Edward Williams - Tổng hiệu trưởng của Hệ thống PTLC Quốc tế Gateway cho biết, chuyện những học sinh nhỏ tuổi gửi thư cho các nhà lãnh đạo để "đặt hàng" những "người lớn quyền lực" giải quyết các vấn đề xã hội dưới góc nhìn của các bạn không phải là hiếm tại Mỹ nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Thầy Williams chia sẻ thêm: "Thay vì thả bóng bay vào ngày khai trường, thầy cô cùng các em học sinh mỗi người trồng một cây xanh trong khuôn viên, đồng thời trò chuyện với các em về lợi ích của việc trồng thêm cây xanh như tăng ô-xy, giữ nước, giảm xói mòn đất và bảo vệ ngôi nhà chung cho nhiều quần thể động thực vật sống xung quanh.
Sau đó các bạn học sinh sẽ vẽ lại hoạt động ấy và mời bạn bè ở các trường khác cùng tham gia trồng cây để lan tỏa màu xanh, trân trọng môi trường. Từ đó các em sẽ nhận ra mình hoàn toàn có thể thay đổi thế giới từ những việc nhỏ.
Thay vì thả bóng bay, hãy trồng cây xanh trong ngày khai giảng.
Việc thực hiện những hành động thiết thực trong ngày khai giảng thay vì nghi lễ hình thức cũng phù hợp với xu hướng chung của các nền giáo dục hiện đại trên thế giới.
Thầy Williams cũng cho biết, ngày khai trường tại các trường học ở Mỹ không tổ chức thành buổi lễ long trọng, mời đón quan khách tới như tại Việt Nam. Không có việc các em phải dành nhiều ngày tập tành cho lễ khai giảng hay đội nắng theo dõi buổi lễ.
Thay vào đó, trường tổ chức tuần lễ định hướng, tập trung vào các hoạt động giúp học sinh làm quen với môi trường học mới, lớp học mới. Cha mẹ được mời tham gia cùng con đi tham quan và tìm hiểu về các phòng học chức năng, các thay đổi nếu con cần chuyển lớp.
Các con được bàn giao tủ đồ và các đồ dùng sử dụng trong năm học để không bỡ ngỡ khi vào năm học mới, được giới thiệu với từng giáo viên, hướng dẫn khi cần có thể tìm đến họ ở đâu. Tất cả những điều đó đều hướng tới việc giúp các con cảm thấy thoải mái và háo hức chờ đợi năm học bắt đầu.