Buổi sáng là thời điểm chúng ta khỏe mạnh, minh mẫn nhất trong ngày vì cơ thể vừa trải qua một đêm ngủ dài để tái tạo năng lượng và tự sửa chữa những tổn thương bên trong. Thế nhưng, nếu sáng nào ngủ dậy bạn cũng thấy vị đắng trong miệng thì đừng bao giờ bỏ qua, đây chính là cơ hội để bạn kiểm tra xem mình có đang gặp vấn đề gì về sức khỏe hay không.
Ông Sun Ningling (bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc), nhận định đắng miệng có thể là dấu hiệu dạ dày, gan có vấn đề. Nếu bạn chỉ cảm thấy đắng miệng trong 1, 2 buổi thì không sao, nhưng nếu liên tục cảm thấy đắng miệng dù đã ăn và uống nước thì hãy cảnh giác với những vấn đề sức khỏe dưới đây.
Một: Gan bị tổn thương
Gan là cơ quan nắm giữ nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, trong đó có chức năng sản xuất và tiết dịch mật giúp tiêu hóa thức ăn. Đắng miệng cũng có thể là dấu hiệu chứng tỏ chức năng gan của bạn đã bị suy giảm do các bệnh lý về gan như viêm gan cấp và mạn tính, gan nhiễm mỡ, xơ gan... Do đó, bạn nên thận trọng khi liên tục xuất hiện dấu hiệu này.
Hai: Dạ dày mang trọng bệnh
Đắng miệng cũng có thể gây ra bởi chứng trào ngược dạ dày. Căn bệnh này khá phổ biến, đi kèm các triệu chứng khác là ho, đau họng, đau ngực... Có khi bệnh không có biểu hiện gì cả, khi nội soi hoặc đến khi có biến chứng thì mới phát hiện. Trào ngược dạ dày nếu không được điều trị tốt có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư dạ dày, do đó bạn không nên chủ quan.
Bác sĩ Li Liang, trưởng khoa thanh quản của Bệnh viện Chang Gung, tại Lâm Khẩu, Đài Loan cho biết: Để giảm bớt triệu chứng trào ngược dạ dày, mọi người nên tuân thủ nguyên tắc ăn đều đặn 3 bữa/ngày với lượng thức ăn là cố định. Tránh thức ăn dễ tạo đờm hoặc thức ăn khó tiêu hóa.
Ba: Cơ thể đã mắc bệnh ung thư
Nếu liên tục cảm thấy đắng miệng vào buổi sáng, không bỏ qua trường hợp bạn đã mắc bệnh ung thư. Khi tế bào ung thư di căn, bệnh nhân ung thư sẽ bị mất cảm giác với đồ ngọt và cảm nhận vị đắng ngày một tăng với mọi đồ ăn, điều này có quan hệ tới việc thay đổi thành phần trong nước bọt và trở ngại tuần hoàn huyết dịch ở lưỡi của bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, người bệnh ung thư cũng có thể cảm thấy đắng miệng do một số loại thuốc đang dùng, lúc này bạn có thể nói chuyện với bác sĩ để sớm tìm ra giải pháp.
Làm sao để giảm đắng miệng, phòng ngừa bệnh tật?
Để đảm bảo mình không mắc các căn bệnh trên, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp với các phương pháp dưới đây để giảm bớt cảm khác đắng trong miệng:
Uống trà kiều mạch
Kiều mạch chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, nếu uống trà kiều mạch thường xuyên có thể nâng cao khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, có tác dụng điều trị tốt đối với các bệnh nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, tim mạch. Đồng thời giúp giảm bớt triệu chứng đắng miệng.
Giảm thức khuya
Thức khuya có rất nhiều tác hại đối với cơ thể, thường xuyên thức khuya không chỉ gây hại cho tim mạch mà còn khiến tất cả các cơ quan nội tạng bị tổn thương. Chỉ cần một người duy trì giấc ngủ đầy đủ mỗi ngày thì cơ thể sẽ rất sung sức, khỏe mạnh, hơi thở thơm tho.
Uống vitamin C
Vitamin C có tác dụng làm giảm các triệu chứng khô, đắng, rát miệng. Đối với các triệu chứng đắng miệng ở mức nhẹ thì chỉ khoảng 3 ngày là sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng bệnh có vẻ nặng lên rõ ràng hơn, thì bạn nên nhờ bác sĩ can thiệp.
Uống nước quả lê
Lê là một loại trái cây phổ biến, nếu có dấu hiệu nóng gan mật hay dạ dày, bạn có thể thử uống nước lê để giảm triệu chứng đau và đắng miệng.
Theo People, Sohu