Từ câu chuyện quả vải thiều…

Những ngày gần đây, câu chuyện về hộp 12 trái vải thiều ở Nhật Bản có giá… 650.000 đồng (hơn 3.000 yên) đang "rần rần gây bão" trên khắp các MXH. Những trái vải được đóng gói trong hộp giấy sang trọng, bên trong lót vải lụa vàng nhìn giống hệt như hộp đựng tổ yến.

Sang Nhật mới thấy các loại hoa quả Việt "có giá" đến mức này! - Ảnh 1.

Một cư dân mạng "thảng thốt" khi nhìn giá vải thiều bán ở siêu thị Nhật Bản

Sang Nhật mới thấy các loại hoa quả Việt "có giá" đến mức này! - Ảnh 2.

1 hộp 12 quả có giá 650.000 đồng. Hay nói cách khác, một quả vải ở đây có giá lên tới 54.000 đồng!

Hiện tại, ngoài phiên bản hộp "tổ yến" sang trọng thì vải thiều Việt Nam ở Nhật Bản đã có phiên bản rẻ hơn, bao bì cũng bớt cầu kỳ hơn. Tại siêu thị Aeon Nhật Bản, một hộp vải thiều đựng trong hộp nhựa có giá là 540 yên/hộp 200g, tương đương 117.000 đồng/hộp.

Dẫu vậy nhưng mức giá 117.000 đồng/hộp 200g vẫn là con số quá cao trong mắt người tiêu dùng Việt. Bởi ở thị trường trong nước, vải thiều chính vụ có giá chỉ từ 30.000 – 50.000 đồng/kg. Thậm chí có thời điểm, vải thiều Bắc Giang "rớt giá" chỉ còn 6.000 – 8.000 đồng/kg tại quê nhà (năm 2014), giá bán ở thủ đô Hà Nội chỉ "nhỉnh" hơn đôi chút, từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.

Sang Nhật mới thấy các loại hoa quả Việt "có giá" đến mức này! - Ảnh 4.

Tuy nhiên, chuyện gì cũng có lý do của nó. Không phải ngẫu nhiên mà vải thiều Việt Nam có giá cao gấp nhiều lần khi sang tới Nhật Bản. Những quả vải này đều được trồng theo phương pháp hữu cơ, tuân thủ toàn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản. Sau khi trồng, vải sẽ được tuyển chọn kỹ càng từng trái và đóng trong hộp đặt làm từ tận Nhật Bản chuyển về. Cuối cùng, chúng sẽ được "đi máy bay" sang Nhật. Vậy nên, có thể hiểu rằng đây là loại vải thiều cao cấp nhất, và "cao cấp" tất nhiên sẽ chẳng bao giờ đi liền với "giá thấp".

Và không chỉ riêng vải thiều, 1 số loại hoa quả Việt khác cũng "đổi đời" khi sang Nhật Bản

Sang Nhật mới thấy các loại hoa quả Việt "có giá" đến mức này! - Ảnh 5.

Xoài Cát Chu cũng là một trong những mặt hàng Việt mà bạn có thể tìm thấy trên đất Nhật. Tại các siêu thị bán lẻ ở xứ hoa anh đào, giống xoài này được bán với giá từ 200 – 230 nghìn đồng/kg, quả nhỏ có giá khoảng 70.000 đồng/quả, loại to có giá khoảng 100.000 đồng/quả. Còn ở Việt Nam, xoài Cát Chu có giá rẻ hơn từ 3-4 lần, chỉ dao động dưới 50 – 70 nghìn đồng/kg.

Xoài Cát Chu được trồng chủ yếu tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Giống xoài này được người tiêu dùng yêu thích bởi mùi thơm dễ chịu, hương vị ngọt thanh, thịt dày và nhiều nước.  Cuối năm 2015, lô xoài Cát Chu đầu tiên chính thức được xuất khẩu vào Nhật Bản. Trước đó, để được "tiến quân" vào thị trường nổi tiếng khắt khe nhất thế giới, xoài Cát Chu phải trải qua quy trình trồng đúng kỹ thuật và đảm bảo chất lượng.

Sang Nhật mới thấy các loại hoa quả Việt "có giá" đến mức này! - Ảnh 7.

Ngoài xoài Cát Chu thì thanh long đỏ cũng là mặt hàng Việt "đắt khách" tại Nhật Bản. Trong các siêu thị Nhật, thanh long đỏ có giá từ 250 – 300 nghìn đồng/quả. Hương vị ngọt mát của loại quả này rất phù hợp với khẩu vị của người Nhật Bản.

Sang Nhật mới thấy các loại hoa quả Việt "có giá" đến mức này! - Ảnh 8.

Trong khi đó ở Việt Nam, thanh long là loại quả giải nhiệt giá bình dân, 1kg có giá chỉ từ 20.000 – 35.000 đồng. Đầu tháng 2 năm nay, do ảnh hưởng mùa dịch, thanh long còn giảm giá mạnh chỉ còn khoảng 7.000 đồng/kg.

Một loại trái cây quen thuộc khác – chuối Việt cũng đã thành công chinh phục thị trường "khó tính" bậc nhất thế giới. Tháng 4/2016, chuối Việt Nam đã chính thức được bày bán tại hệ thống siêu thị bán lẻ Don Kihote tại Tokyo – một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất của Nhật Bản.

Sang Nhật mới thấy các loại hoa quả Việt "có giá" đến mức này! - Ảnh 9.

Một nải chuối Việt được bán với giá 289 yên, tương đương 62.600 đồng. Còn ở Việt Nam, bạn có thể mua 1 nải chuối tương tự với giá từ 30 – 45 nghìn đồng.

Công ty VIENT – một đơn vị nhập khẩu chuối Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, ngoài hệ thống siêu thị bán lẻ Don Kihote tại Tokyo, chuối Việt Nam do VIENT nhập khẩu còn được bày bán tại một số các hệ thống siêu thị địa phương khác như Chalenger của tỉnh Niiggata, tại Saitama, Chiba… Cũng theo chia sẻ của đơn vị nhập khẩu này, chuối Việt có vị ngọt phù hợp với khẩu vị người Nhật và có mức giá cạnh tranh hơn tại thị trường nước ngoài.