
Hôm ấy là một buổi sáng se lạnh ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Lưu Vân - mẹ của một nữ sinh cấp 3 có tên Lâm Nhã - tỉnh giấc vì tiếng báo thức. Người phụ nữ cầm điện thoại lên và giật mình nhận ra trên màn hình có một tin nhắn được đến lúc 3 giờ sáng, từ cô con gái đang học lớp 12 tại một trường trung học trọng điểm, sống nội trú trong ký túc xá.
Bà mở máy, lòng có chút lăn tăn. Một bức ảnh hiện lên: góc bàn học của con. Trong bức ảnh là cảnh tượng sách vở chất đống, đề thi môn Toán bị vò nát, đèn bàn chiếu xuống khuôn mặt con gái phản chiếu trong gương với đôi mắt đỏ hoe và trũng sâu. Dưới bức ảnh là dòng tin ngắn ngủi: “Con không chịu nổi nữa rồi mẹ ơi”.

Người mẹ sốc khi thấy bức ảnh con gái gửi (Ảnh minh họa)
Bà chết lặng, bàn tay cầm điện thoại run lên. Căn phòng nhỏ đột nhiên trở nên nặng nề đến mức không thể thở nổi. Bà bấm gọi ngay, con không bắt máy. Bà gọi tiếp cho giáo viên chủ nhiệm, gọi cho quản lý ký túc, rồi vội vàng lao ra khỏi nhà trong bộ đồ ngủ nhàu nhĩ. Không kịp mang áo khoác. Không kịp lấy ví. Chỉ có một suy nghĩ duy nhất: “Con bé nhà mình, đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, luôn tự lập đã phải chịu đựng đến mức này sao mà không ai biết?”.
May mắn là Lâm Nhã vẫn ổn. Con bé ngồi lì bên bàn học, mệt mỏi, không nói được lời nào. Nhưng từ sau đêm đó, mọi thứ trong lòng bà Lưu như vỡ vụn. Bao năm qua, bà luôn tự hào vì con chăm chỉ, vì con mạnh mẽ, vì con không bao giờ than vãn dù lịch học dày đặc. Nhưng bây giờ bà mới nhận ra: có lẽ chính vì con bé quá ngoan, quá im lặng nên chẳng ai biết được con đang dần kiệt sức.
Lâm Nhã là học sinh lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học Cao Khảo - kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất Trung Quốc. Nữ sinh học suốt ngày đêm, thời gian ăn, ngủ đều bị rút ngắn để nhường chỗ cho các môn học. Mỗi tuần là một cuộc đua điểm số, một cuộc so kè thành tích với bạn bè và... với chính bản thân. Nhưng điều khó nhất không nằm ở số lượng bài vở mà nằm ở áp lực vô hình đang bủa vây.
Ở Trung Quốc, Gaokao không đơn thuần là một kỳ thi. Với nhiều gia đình, đó là “cánh cửa sinh tồn”. Đỗ đại học danh tiếng nghĩa là đổi đời. Không đỗ đồng nghĩa với bị bỏ lại. Thế nên các học sinh, đặc biệt là nữ sinh, vừa phải học, vừa phải chịu đựng kỳ vọng, vừa phải giữ hình ảnh “ngoan ngoãn, bản lĩnh, không được yếu đuối”. Và cũng chính vì thế, nhiều em giấu luôn cả sự mệt mỏi vào trong, sợ nói ra sẽ làm người khác thất vọng.
Sau sự việc, bà Lưu xin nghỉ làm một thời gian để ở gần con. Bà bắt đầu nhìn lại mọi thứ. Những lần bà nhắn "Cố lên con", "Ráng chút nữa thôi là xong rồi", "Mẹ tin con làm được", giờ nghe lại, hóa ra đều là vô tình tạo áp lực. Bà chưa từng hỏi: “Con có đang ổn không?”, “Có mệt quá không?”, “Có muốn nghỉ một ngày không làm gì không?”...

Học sinh hiện nay đang chịu nhiều áp lực
Câu chuyện của Lâm Nhã không phải duy nhất. Trên khắp Trung Quốc, không ít học sinh đang rơi vào trạng thái tương tự. Có em khóc òa vì điểm kém, có em không dám ngủ vì ám ảnh bị bỏ lại phía sau. Có em từng nghĩ đến chuyện rời bỏ tất cả, chỉ vì nghĩ mình là gánh nặng.
Càng đau lòng hơn, là những em ấy thường nằm trong nhóm “con nhà người ta”: học giỏi, chăm ngoan, luôn hoàn thành mọi kỳ vọng. Nhưng không ai hỏi rằng: C ái giá để giữ hình ảnh đó là gì?
Sau đêm đó, bà Lưu đổi cách trò chuyện với con. Không còn hỏi: “Làm được bao nhiêu đề rồi?” mà hỏi: “Hôm nay con vui không?”, “Có chuyện gì muốn kể với mẹ không?”, “Nếu thấy quá sức, con cứ nói nhé, mẹ sẽ ở bên”...
Bà hiểu rằng, không có kỳ thi nào đáng để đánh đổi sức khỏe, tinh thần và đặc biệt là sự sống của con mình. Một đứa trẻ, dù học giỏi đến đâu, cũng vẫn cần được nghỉ ngơi, được khóc, được nói "con mệt", được sai, và được bắt đầu lại.
Bức ảnh Lâm Nhã như một lời thức tỉnh. Rằng đôi khi, phía sau những học sinh lặng lẽ là cả một bầu trời áp lực đang đè nặng. Rằng, lời động viên không nhất thiết phải là “cố thêm chút nữa” mà có thể chỉ là một câu: “Con có thể dừng lại một chút cũng được, mẹ ở đây rồi”.
Bởi vì, đôi khi, điều một đứa trẻ cần nhất không phải là thành tích, mà là cảm giác được yêu thương ngay cả khi mình không mạnh mẽ.
Theo Sohu