Trong cuốn Phù thuật và tín ngưỡng người An Nam có viết, bất cứ ai bị sao Kim Lâu hoặc Bạch Phục chiếu mệnh mà muốn xây nhà thì phải tránh thực hiện vào các năm khi số tuổi của người đó kết thúc bằng các số 3, 6 hoặc 8, có nghĩa là những năm người đó 23, 26, 28, 33, 36, 38,... tuổi (tính theo tuổi mụ).

Khi nói về vấn đề kiêng kỵ trong dân gian này có câu châm ngôn rằng: "Làm nhà phải năm Kim Lâu, chẳng chết trâu cũng chết người" hay như câu "1, 3, 6, 8 Kim Lâu/ Làm nhà, lấy vợ, tậu trâu thì đừng". Vậy Kim Lâu thực chất là gì, có đáng sợ như những gì được lan truyền không?

Kim Lâu là gì?

Kim Lâu (cung điện vàng) và Bạch Phục (trang phục trắng hoặc tang phục) là hai ngôi sao xấu. Trong quan niệm dân gian, khi bị sao Kim Lâu chiếu mệnh thì phải đề phòng những tai ương lớn, chẳng hạn như vấn đề con cái thừa tự. Còn sao Bạch Phục, như tên gọi, thường khiến người ta liên quan đến chuyện buồn.

Chính vì quan niệm này trong dân gian nên khi thực hiện những việc đại sự của đời người, với gái là chuyện gả chồng với trai là chuyện xây dựng nhà cửa, người ta thường đối chiếu xem có phạm Kim Lâu hay không.

Nếu tuổi của bản mệnh đương năm Kim Lâu thì người ta sẽ kiêng dựng vợ gả chồng hoặc xây dựng nhà cửa. 

Câu chuyện sao Kim Lâu trong kiêng kỵ xây nhà của người Việt - Ảnh 1.

Năm tuổi bản mệnh gặp Kim Lâu, theo quan niệm dân gian, trai kiêng xây nhà, gái kiêng gả chồng.

Dân gian hoá giải Kim Lâu như thế nào?

Cũng theo cuốn Phù thuật và tín ngưỡng người An Nam có nói nếu vẫn bất chấp làm nhà trong năm Kim Lâu, phải để cho các thành viên khác trong gia đình giám sát công việc xây dựng mà không phải đích thân chủ nhà làm việc đó.

Tế thần

Cũng giống như các dịp lễ tế thần khác của người Việt, nếu vẫn muốn xây nhà, gả chồng trong năm Kim Lâu, người ta sẽ làm lễ tế thần Kim Lâu hoặc Bạch Phục. Đồ lễ bao gồm 1 con cá chép còn sống, hai trăm tờ giấy thếp vàng và một bộ áo màu trắng hoặc vàng tuỳ theo trường hợp.

Ngoài ra phải có những chiếc bánh gạo xin của bảy gia đình người ngoài. Sau khi tiến hành các thủ tục khấn thông thường, họ đem thả cá xuống sông và đốt bộ phần áo mã. Tiếp đó, người ta dùng một miếng gỗ chế ra một cái bùa đại diện cho vị thần, rồi đem chôn xuống nền đất ngôi nhà, bên dưới xà ngang chính giữa. Nghe nói, bùa này nhằm mục đích trục xuất vị tà thần.

Cứ như vậy, cá chép được thả xuống sông, đem theo những điều không may mà chủ nhà phải gánh chịu. Những bộ áo vàng dâng thần Kim Lâu hoặc trắng dâng thần Bạch Phục đều đáp ứng cùng vai trò như thế. Thêm vào đó là cái búa bằng gỗ cũng mang ý nghĩa tương tự, nhìn chung đều là trục xuất những ảnh hưởng xấu bám lấy chủ nhà.

Câu chuyện sao Kim Lâu trong kiêng kỵ xây nhà của người Việt - Ảnh 2.

Trong ngày động thổ sẽ có lễ nhỏ để dâng cúng thần.

Chọn ngày lành

Khi mà những điều cấm kỵ được hóa giải, dân gian quan niệm bước tiếp theo chính là chọn ngày lành để tiến hành hai nghi lễ được gọi là phạt mộc và động thổ. Trong dân gian, việc chọn ngày lành tháng tốt là tránh những ngày thọ tử và sát chủ (đều mang ý nghĩa hung hại cho chủ nhà), đồng thời tránh những ngày hỏa (lửa). 

Lễ phạt mộc được tiến hành bằng cách người thợ mộc sẽ lấy cây xà và chém lên đó một vết sâu bằng một nhát rìu dứt khoát. Còn người thợ xây sẽ lấy cái mai đào lên một cục đất bằng một nhát duy nhất tại vị trí đào móng nhà. Tiếp đó là một lễ nhỏ để tế vị thần thổ địa nơi sẽ xây nhà. Phần mâm lễ gồm gà luộc, xôi, trầu cau, bánh oản,... Dường như các món lễ này chính là thứ thiết lập mối giao thiệp giữa thần và chủ nhà. Bởi vậy, sau lễ, chủ nhà cùng những người thợ sẽ thụ lộc ngay tại chỗ.

Từ nghi lễ phạt mộc và động thổ này có thể thấy, những gì từ đất sản sinh ra đều mang tính thiêng. Chính vì thế, khi mà chủ nhà đang trong hạn Kim Lâu, lẽ ra không được "động" tới những thứ thiêng ấy thì người ta sẽ thực hiện các nghi lễ này để hóa giải, để "xoa dịu" vị thần. Bởi vậy, dù lễ nhỏ hay lễ to, người ta đều dùng gà cùng một vài vật phẩm khác để những thứ ấy trở thành vật "hiến tế" chịu thay cho chủ nhà. Đặc biệt là trong giai đoạn năm mới. Nếu chọn thời gian xây nhà, người ta thường chọn thời gian đầu năm mang tính chất khởi công, khởi những điều mới. Năm cùng tháng tận không phải là thời điểm tốt lành để xây nhà mới.

Câu chuyện sao Kim Lâu trong kiêng kỵ xây nhà của người Việt - Ảnh 3.

Dù gặp hạn Kim Lâu hay không, khi xây nhà người ta đều thực hiện nghi lễ phạt mộc và động thổ.

Khi đất đã được hóa giải sự thiêng, mọi người bắt tay vào thực hiện công việc xây dựng. Thợ mộc hay thợ xây, những người được hưởng một phần lộc trong buổi tế lễ dường như nhận được sự bảo trợ của thần Kim Lâu, thần Đất để thực hiện công việc một cách thuận lợi và tiếp tục đời sống bình phàm.

Có thể nói rằng, trong đời sống văn hóa tâm linh phong phú của người Việt, bất cứ một nghi thức hay tục lệ nào đều thể hiện lòng thành kính và tôn trọng các bậc thần linh, những sự thiêng tạo nên sự sống. Ở đó, mỗi hành động đều thể hiện nhận thức lễ nghi trên dưới, tôn kính và tạ ơn những điều thiêng và cầu mong những điều tốt lành đến với cuộc sống.

Bởi vậy, trong tâm thức dân gian, người ta kiêng kỵ hoặc chọn những điều tốt lành - những hành động được lưu thông trong đời sống thường ngày mà không gây nguy hiểm cho xã hội, vừa để thực thi sự tôn trọng những yếu tố thiêng đồng thời tạo cảm giác yên tâm và cầu mong sự may mắn, tốt lành.