Khi đến thăm phòng trưng bày nghệ thuật Ai Cập của Bảo tàng Brooklyn (Mỹ), nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên và có cùng một thắc mắc rằng tại sao mũi của các bức tượng Ai Cập cổ đại lại bị vỡ.
Nếu nhìn nhận theo cách đơn giản thì nhiều người có thể tự đưa ra câu trả lời rằng vạn vật trên thế giới này đều chẳng thể vượt qua sức mạnh tàn phá của thời gian, cộng thêm việc di chuyển chính là nguyên nhân khiến các bức tượng không còn được nguyên vẹn như thuở ban đầu.
Một số nhà khảo cổ học cho rằng hiện tượng xói mòn có thể là một trong những lý do chính khiến điều này xảy ra với nhiều bức tượng cổ. Những cơn gió khắc nghiệt, những vũng bùn và đống cát, dòng nước chảy, và sức mạnh của thời gian khiến những bức tượng làm từ đá hoặc đá cẩm thạch đều không được yên ổn. Nhiều bức tượng cổ ấy đã chịu tác động của các yếu tố này trong một thời gian rất dài, trong khi nhiều bức tượng khác đã bị chôn vùi dưới hàng tấn bùn và cát trong nhiều thế kỷ. Vậy nên các phần chân, tay hoặc mũi bị hư hại nhiều nhất và cuối cùng là biến mất.
Tuy nhiên, vỡ gì mà lại vỡ đều vậy, sao lại cứ nhằm vào mũi để vỡ? Liệu có nguyên nhân nào khác ẩn sau sự trùng hợp kỳ lạ này?
Năm 2019, ông Edward Bleiberg, quản lý của phòng trưng bày nghệ thuật Ai Cập của Bảo tàng Brooklyn (Mỹ), đã có những chia sẻ đầy bất ngờ với kênh truyền hình CNN về hiện tượng kỳ lạ trên khuôn mặt các bức tượng.
Bleiberg đã trích dẫn vô số động cơ chính trị, tôn giáo, cá nhân để chứng minh rằng đó đều là các hành động phá hoại có chủ đích. Theo đó, Bleiberg thừa nhận phần mũi nhô ra trên một bức tượng rất dễ bị vỡ nếu có tác động, thế nhưng ngay cả mũi của những hình người được vẽ hoặc khắc trên các bức phù điêu Ai Cập vốn bằng phẳng cũng bị xóa đi thì hẳn mọi chuyện không chỉ đơn giản là do tai nạn.
Bleiberg giải thích: "Có một điều quan trọng cần lưu ý là người Ai Cập cổ đại tin rằng linh hồn của các vị thần thường cư ngụ trong các bức tượng, hoặc linh hồn của người đã chết cũng thường ở lại trong bức tượng được điêu khắc cho người đó. Các bức tượng hoặc bức phù điêu giống như một "cánh cửa" giúp người sống có thể giao tiếp với linh hồn người chết, thậm chí là cả thần thánh. Phần lớn những bức tượng đều được đặt ở những nơi trang nghiêm như lăng mộ, đền thờ và được người dân thờ cúng bằng nhiều lễ vật khác nhau. Vì vậy, hành động phá hoại nhằm mục đích vô hiệu hóa sức mạnh của linh hồn".
"Trong một ngôi mộ, người thân của người đã chết thường đem đồ đến cúng tế để "nuôi" người quá cố ở thế giới tiếp theo. Trong các đền thờ, người ta cũng thường cống nạp lễ vật cho các bức tượng đại diện cho các vị thần linh".
Bleiberg cũng giải thích thêm rằng: “Phần cơ thể bị hư hỏng không còn có thể thực hiện công việc của mình. Bởi người Ai Cập cổ tin rằng nếu tượng bị mất mũi, linh hồn cư ngụ trong đó sẽ không thể thở và chết đi. Tượng mất tai thì linh hồn sẽ không thể nghe thấy lời cầu nguyện. Còn tượng mất tay thì linh hồn sẽ không thể nhận được cống phẩm của con người”.
Vậy những kẻ làm ra chuyện này là ai?
Câu trả lời rất đơn giản, đó là những tên trộm. Chúng muốn lấy đi những vật phẩm quý giá nhưng cũng lo sợ sẽ bị các linh hồn trả thù và thánh thần trừng phạt. Vậy nên chúng đập vỡ mũi để các linh hồn không thở được rồi chết đi.
"Trong thời kỳ Pharaonic, có một sự hiểu biết rõ ràng về vai trò của các bức tượng điêu khắc. Ngay cả khi một tên cướp ngôi mộ nhỏ chủ yếu quan tâm đến việc đánh cắp các vật quý giá, hắn cũng lo ngại rằng người quá cố có thể trả thù", Bleiberg nói.
Bà Liz Oppenheim, người phụ trách Khoa Nghệ thuật Ai Cập tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York (Mỹ), cho rằng: Kể cả những bức tượng có linh hồn cư ngụ bên trong thì chúng cũng làm bằng đá, kim loại hoặc gỗ và không thể di chuyển xung quanh được. Người Ai Cập cổ đại cũng hiểu điều đó và họ cũng biết rằng tượng thì không thể thở được như người. Tuy nhiên, người ta thường thực hiện nghi lễ trên các bức tượng, bao gồm cả "nghi thức mở miệng", trong đó bức tượng được bôi dầu. Nghi thức này được cho là mang lại cho bức tượng sức mạnh".
Niềm tin rằng "các bức tượng có sức mạnh vô biên" đã lan rộng đến mức những kẻ chuyên ăn trộm cũng phải dè chừng và tìm cách "giết chết" bức tượng để không bị trả thù.
Ông Bleiberg cho biết thêm rằng việc người Ai Cập phá hủy mũi của các bức tượng và bức phù điêu có thể bắt nguồn từ hành động đốt tượng sáp của các pharaoh. Bởi các pharaoh Ai Cập từng dựng tượng sáp của những binh sĩ hay gây gổ dưới quyền và đốt đi để đe dọa rằng nếu người Ai Cập nào làm tổn thương đồng bào của mình đều sẽ bị pharaoh trừng phạt.
Theo Ancient Origins, các bức tượng cổ đại của Hy Lạp, La Mã hay đế chế Ba Tư cũng bị vỡ mũi tương tự. Tuy nhiên, theo nhà sử học Mark Bradley thuộc Đại học Nottingham (Anh) thì việc đập mũi trong văn hóa các quốc gia này không phải là để "giết chết tượng" như ở Ai Cập, mà để thể hiện sự nhạo báng, sỉ nhục các tội nhân.
(Nguồn: CNN, Livescience, AO)