Tại lễ trao giải Oscar năm 2015, khi lên nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (phim Boyhood), diễn viên Patricia Arquette đã khuấy đảo Hollywood khi đem lên “bàn ăn” một chủ đề nhạy cảm: sự chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ, hay nói rộng hơn là bình đẳng giới.
Sau khi cảm ơn gia đình và đoàn làm phim, Patricia “chốt hạ” một câu: “Giờ là lúc chúng ta nói về việc trả một mức lương công bằng, cũng như về quyền công bằng cho tất cả phụ nữ tại nước Mỹ”.
Phát biểu nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các ngôi sao dưới khán đài, trong đó có cả hai ngôi sao lớn là Meryl Streep và Jennifer Lopez. Khoảnh khắc này trở thành một trong những khoảnh khắc đáng nhớ tại Oscar 2015.
Trong hội trường, khi nói chuyện với một phóng viên, Patricia Arquette một lần nữa nhấn mạnh nữ quyền và bình đẳng ở Hoa Kỳ là điều mà mọi người nên ủng hộ.
Tất nhiên, đây không phải lần đầu một diễn viên lên tiếng về bất bình đẳng trong thu nhập của diễn viên nam và nữ Hollywood, nhưng “bưng” lên lễ trao giải Oscar như Patricia thì là lần đầu tiên.
Ở Mỹ nếu một người đàn ông được trả 1 USD thì phụ nữ chỉ được trả 78 cent cho công việc tương đương, phụ nữ da màu thì thấp hơn, khoảng 64 xu. Tại 500 công ty lớn của Mỹ, tỉ lệ phụ nữ làm giám đốc điều hành chỉ chiếm khoảng 15%. Trong ngành giải trí, mức lương của diễn viên nữ bắt đầu giảm sau 34 tuổi, còn đàn ông thì kéo dài đến tận 51 tuổi.
Chỉ với vài câu nói giản đơn nhưng truyền cảm hứng, Patricia như tiếp theo ngọn lửa cho phong trào đấu tranh nữ quyền lúc bấy giờ đang lan rộng trên khắp nước Mỹ.
Nhận không ít chỉ trích, sự nghiệp lao dốc
Các phương tiện truyền thông dành vô số bình luận tích cực cho Patricia, tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Cựu diễn viên Stacey Dash, phụ trách phân tích văn hóa và bình luận trên kênh Fox News, cho rằng nữ diễn viên muốn “tự lăng xê” mình, và “ra vẻ” để làm nên một màn phát biểu lịch sử trong Oscar. Một số người thì chỉ trích Patricia là một phụ nữ da trắng giàu có, cô vốn đã được hưởng nhiều quyền lợi nên không có quyền “đòi hỏi” sự giúp đỡ. Patricia kể giới kinh doanh là nhóm đối tượng có phản ứng dữ dội nhất.
Ngoài ra trong một buổi phóng vấn ở hậu trường, Patricia chưa nói rõ về sự bất công về tiền lương mà người đồng tính và người da màu cũng gặp phải, mà chỉ tập trung vào tổn thương của phụ nữ. Điều này cũng khiến dư luận không hài lòng.
Tuy nhiên, phía ủng hộ bênh vực rằng Patricia không phải chuyên gia hay nhà hoạt động xã hội chuyên nghiệp, cô chỉ đơn giản là nói những gì mình thấy và cảm nhận được, nên cách diễn đạt có thể chưa được trau chuốt hoàn hảo.
Patricia không phải diễn viên duy nhất gặp phản ứng khi tỏ thái độ bất mãn về mức lương. Năm 2022, nữ diễn viên Jennifer Lawrence cũng từng đề cập về việc bị trả lương thấp hơn Leo DiCaprio trong phim Don't Look Up. Cô bị chỉ trích vì tự tin thái quá. Dân mạng phản pháo, cô không có vị thế, thâm niên như bạn diễn nên tiền lương thấp hơn nhiều cũng là điều dễ hiểu.
Về phía Patricia, nếu như chỉ trích của dư luận chỉ như “vết muỗi đốt” với cô thì những gì xảy ra sau đó mới là tai họa thực sự. Cô không còn nhận được nhiều vai diễn như trước đây, nếu có thì chỉ là một số bộ phim độc lập kinh phí thấp. Dường như màn phát biểu năm nào đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp nữ diễn viên.
Một năm sau, cô chia sẻ với tờ New York Times mình đã mất nhiều vai diễn tiềm năng sau màn phát biểu: “Tôi biết chắc chắn sẽ có vấn đề, nhưng không sao, tôi tin vào nghiệp quả”. Bản thân nữ diễn viên cũng đã chuẩn bị tinh thần cho sự xuống dốc tài chính: “Tôi có thể bán căn nhà của mình và bắt đầu lối sống tiết kiệm. Ở tuổi này, tôi muốn làm những việc giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn”.
Càng ngày càng có nhiều sao nữ dám cất tiếng nói
Trước kia phụ nữ trong ngành giải trí rất ngại bộc lộ quan điểm hay cất tiếng nói đòi quyền lợi, điều này có thể xuất phát một phần từ vị trí mà họ đang đứng.
Theo nghiên cứu của tờ Harvard Business Review, nhân viên cấp thấp thường rất ngại lên tiếng vì sợ phản ứng tiêu cực từ quản lý hoặc những người có khả năng tác động đến công việc của họ. Thậm chí nhân viên cấp cao, những người được trả lương mức lương cao gấp 4 lần nhân viên thông thường, lại càng không dám lên tiếng. Họ có nhiều thứ để mất nên không muốn mạo hiểm “tranh chấp” với ban lãnh đạo.
Trong giới giải trí thì áp lực có thể lớn hơn nhiều, bởi nếu bạn là diễn viên và bạn bị nhà sản xuất quay lưng hay không nhận được hợp đồng nào, có thể bạn buộc phải chuyển sang lĩnh vực khác để tiếp tục sinh tồn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đề cập đến vấn đề giới tính trong môi trường làm việc. Phụ nữ ít đàm phán hơn vì họ bị ràng buộc bởi quan niệm xã hội. Khi người phụ nữ đó có những hành động táo bạo và lệch chuẩn, thì có khả năng cô ấy sẽ bị công chúng “trừng phạt” nhiều hơn đàn ông. Chính rào cản ăn sâu vào gốc rễ này đã ngăn trở phụ nữ lên tiếng. Tính toán kỹ thì họ vẫn thiệt đủ đường, dù cho trước đó họ là người có tầm ảnh hưởng và thu nhập tài chính ổn định.
Trong trường hợp của Patricia, mặc dù sự nghiệp của cô bị gặp vấn đề nhưng tiếng dội nữ quyền đã vượt xa mong đợi. Vài năm sau, cùng với sự nổi lên của phong trào #MeToo về chống phân biệt giới tính, các sao nữ không ngại ngần phơi bày mặt tối ngành giải trí, họ kể về những lần mình bị quấy rối, bị chê bai vì “quá nữ tính”, bị coi thường nghiệp vụ, và tất nhiên là bị trả mức lương thấp.
Nữ diễn viên Reese Witherspoon không giấu khỏi sự ngạc nhiên khi cố vấn tài chính cá nhân từng cảnh báo cô về việc tiết kiệm tiền. Witherspoon, lúc đó 37 tuổi, nhớ lại lời nói của người đàn ông: “Cô cần bắt đầu tiết kiệm ngay bây giờ, bởi vì bước sang độ tuổi 40 thì cô sẽ kiếm được ít tiền hơn rất nhiều. Về cơ bản là sự nghiệp của cô sẽ không phát triển nữa”.
Reese Witherspoon sau đó sa thải người cố vấn và nhận định đó là lời nhận xét phân biệt giới nhất mà cô ấy từng nghe khi phải đối mặt kể từ khi gia nhập ngành giải trí. Đáng buồn, đây là thực trạng của Hollywood, bởi khi tuổi tác càng tăng thì phụ nữ càng bị hạn chế về cơ hội tiến thân hoặc gia tăng nguồn thu nhập.
Jennifer Lawrence có lẽ là một trong những tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ nhất tại Hollywood ở thời điểm hiện tại. Trong vụ hack hệ thống máy tính của Sony Pictures năm 2014, khi tiền lương của nhiều diễn viên hạng A bị tiết lộ, Jennifer đã viết một bài luận bày tỏ sự phẫn nộ. Trước đây, cô cực kỳ ngại thương lượng về tiền lương vì không muốn bị coi là “khó tính” hoặc “hư hỏng”, nhưng sau sự kiện, Jennifer đã trang bị cho mình một tinh thần thép và sẵn sàng đứng lên đấu tranh.
Hiện cô thuộc top sao nữ được trả lương cao nhất thế giới, nhưng vẫn ít hơn hàng triệu đô so với các bạn diễn nam. Trong một cuộc phỏng vấn với Vogue, nữ diễn viên không ngại đả kích về khoảng cách lương giữa hai giới: “Cho dù có cống hiến bao nhiêu thì tôi vẫn sẽ không bao giờ được trả nhiều tiền như bạn diễn nam”.
Nói về số tiền nhận được từ vai diễn trong phim Don’t Look Up, cô tự an ủi mình: “Tôi vô cùng may mắn khi thỏa thuận được mức lương mà mình cảm thấy hài lòng. Nhưng trong tình huống khác thì người ta cảm thấy cực kỳ khó chịu khi không thể đòi hỏi một mức lương công bằng. Và nếu bạn hỏi, chẳng ai sẽ nói lý do là ‘phân biệt giới’, nhưng họ không thể cho bạn câu trả lời chính xác”.
Nghiên cứu năm 2017 của Đại học Wisconsin-Milwaukee cho thấy sao nữ kiếm được ít hơn khoảng 1,1 triệu đô la so với bạn diễn nam. Khoảng cách đó thậm chí còn lớn hơn với các diễn viên trên 50 tuổi, sự chênh lệch lúc này đã lên tới gần 4 triệu USD.
Có thể thấy, phụ nữ làm trong ngành giải trí phải hứng chịu áp lực khổng lồ từ truyền thông, công chúng và cả những “ông lớn” có khả năng thao túng sự nghiệp của họ. Mỗi ý kiến, quan điểm đều cần cân nhắc thật cẩn thận, bởi điều họ nói hoàn toàn có khả năng đánh sập sự nghiệp của họ.