Yêu cho vui đã lỗi thời rồi

Đã bao giờ bạn cảm thấy mình quá già cho những đùa vui nông nổi của tuổi trẻ. Đã bao giờ bạn thấy mình cần nhiều hơn là những "niềm vui nho nhỏ" như có ai đó nhắn tin hỏi han, đưa đón, chia sẻ, trút bầu tâm sự mỗi ngày?

Đã bao giờ bạn mơ ước nhiều hơn thế? Mơ về một tương lai cùng nhau xây dựng tổ ấm, có một căn nhà, một đứa con, một chú cún cưng, cùng nhau phụng dưỡng cha mẹ?

Như chúng ta đã từng được học trong môn giáo dục công dân lớp 10: "Tình yêu chân chính bắt buộc phải dẫn đến hôn nhân". Nhiều người đọc đến đây ắt hẳn sẽ cười khẩy. Đàn ông thích rong chơi, ngại ràng buộc, luôn muốn tìm kiếm những đối tượng tốt hơn. Đàn bà ngại sinh nở, ngại làm việc nhà, ngại quan hệ mẹ chồng, nàng dâu. Cuộc sống càng hiện đại, những giá trị truyền thống thiêng liêng của hôn nhân và gia đình càng trở nên xa vời với giới trẻ. Họ chỉ muốn yêu, tận hưởng cảm giác được theo đuổi, được cung phụng, rồi mâu thuẫn, cãi cọ, thay đổi, chia li, họ chấp nhận mọi sóng gió ngoài kia thay vì xây dựng một mái ấm gia đình.

Điều gì làm người trẻ sợ hôn nhân đến thế?

Những ai đã từng trải qua cơn bão tiền kĩ thuật số cryptocurrency ắt phải biết đến hội chứng FOMO (Fear of Missing Out) - hội chứng sợ bỏ lỡ. Người ta sợ khi mình "chốt lời" rồi, đồng tiền đó sẽ tăng giá, nhiều người khác thu được lợi nhuận cao hơn. FOMO trong tình yêu và hôn nhân cũng vậy. Người ta ngần ngại, chưa muốn "chốt sổ" với đối tượng này là bởi còn muốn tìm kiếm những đối tượng khác. Đó là lí do mà con người luôn được các bậc tiền nhân khuyên răn rằng không nên kết hôn khi tuổi còn quá trẻ, là bởi nguy cơ bỏ lỡ những con cá to hơn ở ngoài biển. Khi một người nói: “Tôi chưa muốn kết hôn vì còn muốn tự do”, tức là cô ấy muốn tự do đi chơi, đi du lịch với người mình yêu, cũng có thể là tự do tìm hiểu những đối tượng khác khi chưa bị ràng buộc bởi pháp luật. Đó là một sự thật cay đắng nhưng rất “đời”. Cũng chính vì đó mà kết hôn đòi hỏi một sự hi sinh rất lớn: chúng ta phải hi sinh (một phần) cuộc sống tự do của mình và cả những con cá to hơn ở ngoài biển.

Chúng ta còn trẻ, chênh vênh và vô định. Chúng ta ghen tị với hạnh phúc của người khác nhưng lại nghiện “drama” và đồng cảm rất nhanh với sự bất hạnh. Khi thấy một chị đồng nghiệp khoe ảnh gia đình hạnh phúc bên chồng con trên Facebook, ta chỉ thấy màu mè, phiền phức. Cũng là ta, xem một trích đoạn ngắn trong “Sống chung với mẹ chồng” là đã ngay lập tức ba máu sáu cơn, tẩy chay cuộc sống hôn nhân, vẽ ra những viễn cảnh xấu nhất khi trở thành một người vợ, một nàng dâu.

Ta còn trẻ, ta nhăn mặt khó chịu khi bạn bè mời cưới bởi “thiệp hồng đến tay là đi ngay tạ thóc”. Ta luyến tiếc cho thanh xuân của một người bạn, hay sự vô định làm chính ta cảm thấy không an toàn? Bạn bè cưới gả cả rồi, sinh con đẻ cái cả rồi, bao giờ tới lượt mình? Liệu mình có gặp được người tốt không? Những tự vấn dồn dập này khiến bản thân chúng ta cảm thấy mệt mỏi và lo lắng.

Bài viết này không phải là lời khuyên bạn hãy sớm “chui đầu vào rọ”. Bài viết này muốn khuyến khích bạn hãy nghiêm túc hơn trong tình yêu, dành nhiều thời gian, tâm sức tìm hiểu những đối tượng có chung chí hướng với mình. Thời gian là có hạn với cả đàn ông và phụ nữ, những mối tình gà bông bồng bột, vụng dại và không có kết thúc hậu, có thể khép lại ở thời học sinh, sinh viên, như những bài học tình yêu đầu đời ngây ngô mà thú vị. Bước ra khỏi ghế nhà trường, chúng ta thật sự cần nghiêm túc nghĩ đến tương lai.

Trưởng thành là khi chúng ta đủ lớn để lo cho cuộc sống của bản thân mình và sẵn sàng “cưu mang” thêm một (vài) người khác mà vẫn có thể tận hiếu với cha mẹ. Với những ai có mong muốn kết hôn, sinh con, xây dựng gia đình, hôn nhân không phải chuyện “thích là cưới”. Đó là cả một quá trình cần sự chuẩn bị kĩ lưỡng về tình cảm, tiền bạc và cả sự trưởng thành của cả hai người. Hãy trưởng thành ngay trong cách chọn đối tượng, trưởng thành trong cả cách yêu, cách suy nghĩ. Đừng phung phí thời gian, tiền bạc và tình cảm vào những đối tượng không thể hiện sự nghiêm túc với bạn. Đừng đánh đổi trái tim và tài sản của mình để lấy những niềm vui chốc lát. Đôi chân nào cũng biết mỏi, hãy giữ gìn nó để đi cùng với người bạn đời đích thực của mình đến đầu bạc răng long, chứ không phải để rong chơi trên những quãng đường ngắn ngủi, với những người “một chốc một lát”.

Không phải tự dưng mà các bậc tiền bối hay thúc giục chúng ta sớm “ổn định”. Kiếm một công ăn việc làm ổn định, kết hôn, sinh con, mau chóng ổn định. Bản thân họ là người từng trải, hơn ai hết họ hiểu rõ những sóng gió trên đường đời có thể không đánh gục hoàn toàn được con người, nhưng cũng có thể làm họ chậm lại trên đường đời, mất một thời gian đau khổ, một thời gian hồi phục. Cuộc sống vốn đã không hề dễ dàng, tại sao phải phí phạm thời gian và sức lực vào những chuyện tình đầy sóng gió, mệt mỏi, đã thế lại còn không đi đến đâu? Suy cho cùng, ổn định và bình yên chính là đích đến của mọi người. Tuy vậy, chẳng có sự bình yên nào từ trên trời rơi xuống, tất cả đều phải xuất phát từ một tinh thần thực sự nghiêm túc muốn kiếm tìm nơi bình yên ấy.

Bao nhiêu tuổi thì nên cưới? Không có một con số cụ thể nào cho mỗi người bởi sự phát triển về thể chất cũng như tâm sinh lí của mỗi người là khác nhau. Tuy vậy, chỉ cần bạn sẵn sàng, không khi nào là quá sớm, cũng chẳng khi nào là quá muộn. Sẵn sàng là khi bạn đã tìm thấy một người đáng để bạn hi sinh cuộc sống tự do, khước từ những con cá to hơn ngoài biển cả, chấp nhận đau đớn, thiệt thòi để cùng nhau xây dựng một gia đình và vun đắp cho những thế hệ sau. Người đó có lẽ không phải là người tốt nhất, nhưng chắc chắn phải là người phù hợp nhất, để bạn không phải hối tiếc bất cứ điều gì.

Không ai nói cuộc sống hôn nhân là dễ dàng, trên thực tế, số người có được hạnh phúc viên mãn quả thật rất hiếm gặp. Tuy nhiên, so với sự cô độc, thì hôn nhân vẫn là một canh bạc đáng để đánh cược. Và mọi người đều xứng đáng được hạnh phúc. Vậy nên, sắp 2019 rồi, yêu là cưới đi, đừng rong chơi nữa!