Tang thương một buổi chiều
Những giọt nước mắt cứ thế chảy dài trên khuôn mặt của chị Lê Thị Mỹ Hạnh (SN 1981) - vợ anh Lý Văn Thụ (SN 1974, trú tại thôn Nam Hà, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), là 1 trong 10 nạn nhân xấu số trong vụ sập công trình tại Khu Công nghiệp Giang Điền (tỉnh Đồng Nai). Đến tận bây giờ, chị vẫn chưa thể tin rằng chồng đã ra đi mãi mãi.
Sáng sớm ngày 15/5, xe cấp cứu của bệnh viện đưa thi thể anh Thụ trở về nhà ở thôn Nam Hà. Bà Lê Thị Xuân (SN 1949, mẹ của anh Thụ) vội vã ra ôm chầm lấy thi thể con mà khóc không thành tiếng.
Còn chị Hạnh, có lẽ sau một đêm dài quá mỏi mệt đi theo xe chở thi thể chồng từ Đồng Nai về, gương mặt chị cũng trở nên hốc hác. Gạt nước mắt, chị kể lại giây phút kinh hoàng chiều 14/5, buổi chiều mà có lẽ nhiều năm sau nữa, chị vẫn còn ám ảnh.
Chiều 14/5, khi hay tin công trình nơi chồng đang làm công nhân bị sập, chị Hạnh hoảng hốt xin nghỉ việc ở công ty để chạy đến công trình, lúc đấy trong đầu chị không nghĩ gì ngoài việc hy vọng chồng mình vẫn ổn.
Đến nơi, một cảnh tượng kinh hoàng trước mắt chị là công trình khổng lồ đã sập xuống. Chị Hạnh hét to tên chồng, chỉ mong có một lời đáp lại, thế những vẫn chỉ là những thét trong vô vọng, không đầu không cuối.
Một lúc sau, anh Thụ được đưa ra khỏi đống đổ nát, vùng đầu và mặt bị chấn thương nặng do vùi lấp dưới công trình và anh đã không qua khỏi. Giây phút nhìn anh Thụ nằm bất động trên băng ca, chị vẫn cố gọi tên chồng trong nước mắt.
“Lúc thấy người ta đưa chồng ra khỏi đống đổ nát và báo là không qua khỏi, tôi sững người vẫn không tin vào mắt mình. Tôi gọi mãi tên nhưng anh ấy không nghe, lúc đấy tôi mới tin rằng chồng tôi đã ra đi mãi mãi”, chị Hạnh nói trong nước mắt.
Tai ương ập xuống gia đình nghèo
Hai vợ chồng anh Thụ quen và cưới nhau khi trong tay vỏn vẹn chỉ có một mảnh ruộng nhỏ mà gia đình cho. Anh chị có 3 người con, nhưng người con đầu của hai anh chị không may bị thiểu năng trí tuệ, không thể đi lại, nói năng cũng không bình thường. Thương con, hai vợ chồng anh chạy đôn chạy đáo vay mượn để đưa con đi chữa bệnh khắp nơi, nhưng bệnh của cháu cũng không thuyên giảm.
Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở quê lại không làm gì kiếm ra tiền, chị Hạnh buộc phải vào tỉnh Đồng Nai xin làm công nhân ở các Khu Công nghiệp để kiếm tiền gửi về nuôi con. Đến đầu tháng 2 năm nay, anh Thụ mới đưa người con đầu vào ở cùng, rồi xin đi làm công nhân xây dựng ở các công trình.
Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng chưa một lần hai vợ chồng nản chí, vì họ tin rằng nếu cố gắng thì có thể nuôi được các con và mẹ già. Thế nhưng tai ương bỗng từ đâu ập tới gia đình nghèo, trụ cột chính của gia đình giờ đã không còn, người mẹ chỉ biết ôm con bên quan tài của chồng mà nước mắt chẳng ngừng.
Chị Hạnh buồn bã: “Hai vợ chồng tôi bàn với nhau là cố gắng làm 2-3 năm để dành dụm ít vốn rồi trở về với gia đình. Anh Thụ mới qua làm công trình bên đó được hơn chục ngày thì xảy ra sự việc như thế. Giờ tôi chẳng biết làm sao, nếu ở lại Gia Lai thì làm chẳng đủ ăn, mà đi vào Đồng Nai làm công nhân thì không có ai trông đứa cháu tàn tật”.
Còn bà Xuân, người mẹ già ngồi ôm di ảnh con mà chẳng kìm được nước mắt. Bà khóc nghẹn: “Nghe tin con mất, bà cháu tôi chỉ biết ôm nhau khóc. Thương con đi làm xa vất vả, giờ lại bỏ mạng nơi xứ người, phận làm mẹ như tôi đau xót không thể nào tả nổi. Nhìn các cháu vô tư, hồn nhiên bên chiếc quan tài của cha chúng, tôi không cầm được nước mắt”.
Trước hoàn cảnh gia đình anh Thụ, UBND xã Ia Ake (huyện Phú Thiện) đã cử các cơ quan, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên gia đình. Đồng thời, đơn vị cũng sẽ xuất kinh phí hỗ trợ nạn nhân thiệt mạng vì tai nạn.