Bị cáo Lê Quang Huy Phương trước đó bị Tòa án Nhân dân TP. Huế kết án 6 năm 8 tháng tù về các tội hiếp dâm, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật. Người bị hại là chị D.T.T.T (24 tuổi, điều dưỡng cùng công tác với bác sĩ Phương).
Sáng 6/11, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - mẹ BS Phương cho biết, cách đây vài ngày bà nhận được giấy triệu tập là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, suốt những đêm này bà Lan không thể chợp mắt.
"Tôi không thể ngủ, không phải bây giờ mà suốt từ ngày con tôi vướng vòng lao lý tôi đã phải gõ cửa nhiều nơi. Phiên tòa sắp tới tôi hy vọng sự công bằng, đúng pháp luật", bà Lan bày tỏ quyết tâm đi tìm công lý cho con trai.
Liên quan đến vấn đề bất thường của vụ án trước đó báo chí đã phản ánh, trong đó có kết quả giám định sức khỏe của bị hại từ 9% lên 37% tổn thương, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân mà người nhà bị cáo cho rằng thiếu khách quan, khiến BS Phương bị oan.
Sau khi có đơn kêu cứu của bà Lan, Sở Y tế Thừa Thiên Huế vào cuộc sau đó ra kết luận nội dung tố cáo đối với ông Nguyễn Hoài An, Giám đốc Trung tâm Pháp Y tỉnh.
Theo Kết luận của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, Kết quả xác minh các nội dung tố cáo của bà Lan đều đúng một phần.
Tuy nhiên, sau đó chính Sở này lại ra quyết định thu hồi kết luận trên. Lý do thu hồi kết luận Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra là: Việc trích dẫn một số nội dung không đầy đủ, chưa phù hợp, ảnh hưởng đến tính chính xác của Kết luận nội dung tố cáo đối với ông Nguyễn Hoài An - Giám đốc Trung tâm Pháp Y tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Về vấn đề trên, luật sư Đỗ Văn Nhặn (Công ty Luật TNHH MTV Tín Đạt) cho hay, theo quy định tại Khoản 2 Điều 211 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì: "Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại". Áp dụng vào vụ án này, hiện nay TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đang giải quyết theo trình tự phúc thẩm, do đó, TAND tỉnh có quyền tự mình hoặc theo đề nghị của Luật sư bị cáo Lê Quang Huy Phương để quyết định việc trưng cầu giám định lại thương tích của D.H.T.T..
"Còn đối với kết luận nội dung tố cáo của Sở Y tế, Sở chỉ kiến nghị chứ không đề nghị trưng cầu giám định lại. Sở là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với Giám đốc Trung tâm pháp Y Thừa Thiên-Huế, khi giải quyết tố cáo, Sở đã thanh tra, kiểm tra toàn bộ trình tự, thủ tục giám định, đối chiếu với quy định của pháp luật mới ra được kết luận nội dung tố cáo".
Luật sư cho rằng, khi phát hiện việc giám định pháp Y không khách quan, chưa đúng quy trình giám định thì Sở kiến nghị là đúng, để đảm bảo sự công bằng.
"Trong kết luận nội dung tố cáo, Sở Y tế ghi rõ là kiến nghị giám định lại, chứ không để nghị giám định lại. Sở kiến nghị là đúng. Ngoài việc kiến nghị với Các cơ quan tố tụng có thẩm quyền trưng cầu giám định lại, Sở còn kiến nghị Bộ Y tế khi ban hành các Thông tư, quy định hướng dẫn cần cụ thể, chặt chẽ .... Như vậy, Sở không chỉ kiến nghị với các cơ quan tố tụng, mà còn kiến nghị với Bộ Y tế. Sở kiến nghị là đúng", luật sư nêu quan điểm.
Được biết, liên quan đến vụ việc nêu trên, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng từng có 2 Công văn số 3384/SYT-Ttra và 3601/SYT-TTra gửi Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ. Sau đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế chuyển công văn của Sở Y tế Thừa Thiên - Huế đến Viện Pháp y Quốc gia.
Sau khi nghiên cứu, Viện Pháp y Quốc gia có Công văn số 447/PYQG-KHTH&CĐT ngày 8/9/2021 để có ý kiến trả lời Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo Viện Pháp y Quốc gia, Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra kết luận tỉ lệ tổn thương cơ thể ban đầu trên người nạn nhân D.H.T.T. bằng 9% là đúng theo quy định.
Việc có một trong 2 bản kết luận giám định gửi cơ quan điều tra bị thiếu chữ ký của giám định viên Lê Tự Hùng được xác định có thể là lỗi hành chính trong quá trình ký và bàn giao kết luận, không ảnh hưởng tới bản chất của việc thực hiện và kết luận giám định.
Về việc giám định bổ sung và kết luận tỉ lệ tổn thương là 31%, Trung tâm Pháp y quốc gia cũng cho rằng giám định viên kết luận không trái với quy định pháp luật.
Theo cáo buộc, Phương và chị D.H.T.T. (SN 1996, ở Thừa Thiên Huế) là đồng nghiệp cùng công tác tại Khoa da liễu, Bệnh viện Trung ương Huế. Phương là bác sỹ, Trưởng bộ phận, còn chị T. là nhân viên điều dưỡng hợp đồng.
Khoảng 10h30' ngày 17/9/2019, trong lúc chị T. đang làm việc, Phương nhờ nhân viên khác đến làm việc thay chị và yêu cầu chị T. đến phòng riêng của mình ở chung cư Đống Đa để đưa liều thuốc đẹp da.
Cáo buộc cho rằng, khi chị T. bước vào phòng, bác sỹ Phương đóng cửa. Trong khoảng thời gian 1 tiếng, 13 phút, bị cáo khống chế, dùng vũ lực bẻ, trói tay, vật ngửa chị T. xuống nền nhà, đánh liên tục vào mặt và nhiều vùng khác trên cơ thể nạn nhân.
Phương dùng lời lẽ đe dọa khác nhằm giao cấu trái với ý muốn của chị T. Do nạn nhân chống trả quyết liệt và lợi dụng sự sơ hở của Phương, đã mở cửa chạy thoát ra ngoài kêu cứu, khiến bị cáo chưa thực hiện được hành vi giao cấu.
Khi chị T. chạy thoát ra khỏi phòng, Phương đuổi theo bắt chị, túm tóc kéo lê vào phòng, tiếp tục đánh, khống chế, giữ chị T. trong phòng, mặc chị van xin được về.
Cáo buộc cho rằng, quá trình bị cáo dùng vũ lực đã gây thương tích cho chị T. với tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 37%.
Ngày 23/9/2019, chị T. có đơn yêu cầu khởi tố bác sỹ Phương về hành vi cố ý gây thương tích, hiếp dâm.