Cuối thập niên 1990, cơn sốt "Hoàn Châu Cách Cách" đã đổ bộ và làm mưa làm gió tại Việt Nam. Ngay khi phim vừa lên sóng, hàng triệu khán giả Việt đã bị 2 cô cách cách, một Tiểu Yến Tử "khùng khùng" nhưng lí lắc, dễ thương và một Hạ Tử Vi dịu dàng, tinh thông cầm kỳ thi họa chinh phục.
Được biết, trong một chuyến du lịch tới Bắc Kinh, Quỳnh Dao đã có dịp viếng thăm Công chúa phần, lăng mộ của một nàng công chúa không rõ tên tuổi được cho là nghĩa nữ của vua Càn Long. Ấn tượng trước truyền thuyết về vị công chúa không mang dòng máu hoàng tộc được người dân địa phương lưu truyền, nữ văn sĩ đã viết lên kịch bản phim Hoàn Châu Cách Cách và gặt hái thành công vang dội.
Hai nàng công chúa từng làm mưa làm gió trên màn ảnh Việt một thời qua bộ phim "Hoàn Châu Cách Cách".
Diễn xuất ấn tượng của Triệu Vy trong vai Tiểu Yến Tử khiến nàng công chúa dân gian nhẹ nhàng đi vào trái tim của bao thế hệ khán giả, đồng thời cũng khiến không ít người thắc mắc liệu Hoàn Châu Cách Cách có phải nhân vật có thật trong lịch sử hay không.
Câu trả lời đã dần được hé lộ qua bài viết được cho là của một chuyên gia lịch sử được truyền thông Trung Quốc đăng tải mới đây. Có khá nhiều truyền thuyết liên quan tới danh tính thực của nàng Cách Cách được cho là nguyên mẫu của nhân vật Tiểu Yến Tử trong lịch sử nhưng câu chuyện dưới đây là một trong số lời đồn đại được lưu truyền nhiều nhất trong dân gian.
Theo đó, trong một lần vi hành để hiểu thêm về đời sống của bách tính, vua Càn Long cùng hai tùy tùng thân cận đã đi lạc tới một vùng đất lạ. Vừa đói vừa mệt, trời lại sắp tối nên nhà vua bèn ghé vào một ngôi làng nhỏ ven núi để xin tá túc.
Trong một lần đi vi hành, vua Càn Long cùng cận thần đã lạc đường tới một ngôi làng nhỏ.
Tại đây, vua Càn Long và hai người tùy tùng được hai bố con ông lão nghèo khó nhưng tốt bụng nhiệt tình chào đón. Không chút đắn đo, ông lão mời 3 người vào nhà và dặn con gái nhỏ chuẩn bị cơm canh cho họ. Mặc dù nhà cửa tuềnh toàng không có gì đáng giá, nhưng tấm lòng hiếu khách chân thành của bố con ông lão đã khiến cho vua Càn Long thực sự cảm kích và nảy sinh lòng yêu mến với gia đình họ.
Chính vì vậy, vua Càn Long đã đề nghị nhận cô bé làm con nuôi và được ông lão vui vẻ chấp nhận. Trước khi rời đi, Càn Long tặng cho đứa bé một chiếc khăn tay và dặn dò: "Bất cứ khi nào gặp khó khăn, hãy đến Kinh thành tìm ta". Một thời sau, khi trở lại kinh thành cùng với bao nhiêu việc quốc gia đại sự, nhà vua cũng chẳng còn nhớ về những con người ở nơi làng quê nghèo đó.
Thế rồi, mất mùa triền miên khiến cho nhiều gia đình phải tha phương cầu thực. Hai cha con ông lão nghèo cho vua Càn Long tá túc ngày hôm đó cũng phải bỏ nhà lên Bắc Kinh hòng thoát khỏi nạn đói đang hoành hành khắp hang cùng ngõ hẻm.
Đất khách quê người không nơi nương tựa, hai bố con phải chui rúc trú nắng trú mưa trong các ngôi đền hoang và xin ăn qua ngày. Không một xu dính túi, lại thêm người cha bệnh nặng, cô con gái gần như tuyệt vọng cho tới một ngày bất ngờ gặp lại người tùy tùng theo vua vi hành năm nào tại bờ sông.
Cô gái vội vàng rút chiếc khăn tay được vua ban tặng ra rồi quỳ xuống cầu xin sự giúp đỡ. Sau khi diện kiến, vua Càn Long nhớ lại những ân tình và lời hứa năm nào nên đã cưu mang cha con cô ở trong cung. Không lâu sau, ông lão bệnh nặng qua đời để lại cô con gái một mình thân cô thế cô.
Người đứng giữa được cho là nghĩa nữ của vua Càn Long - Hoàn Châu Cách Cách.
Thương xót cho thân phận của cô con gái nuôi, nhà vua đã phong cô làm công chúa và giữ lại trong cung. Tuy nhiên, chốn hậu cung vốn không phải là nơi bất cứ ai muốn cũng có thể vào. Cô công chúa dân gian được cho là nguyên mẫu của "Hoàn Châu Cách Cách" phải chịu sự ghẻ lạnh, sống trong u sầu rồi sinh bệnh mà qua đời.
Theo lệnh của vua Càn Long, tuy không phải thành viên hoàng tộc nhưng cô vẫn được chôn cất theo nghi thức hoàng gia tại một khu vực riêng biệt nằm ở phía Tây thành Bắc Kinh. Tuy nhiên, lăng mộ nghĩa nữ vua Càn Long chỉ được gọi là "Công chúa phần" chứ không được ghi tên tuổi rõ ràng.
Đến khi đã khuất, nàng công chúa này cũng không thoát khỏi cảnh bi thảm. Di tích "Công chúa phần" ngày nay đã bị phá hủy để xây dựng trạm tàu điện ngầm nhưng tài liệu lịch sử ghi lại đều khẳng định nơi đây xưa kia chính là mộ phần của nàng công chúa được vua Càn Long nhận làm nghĩa nữ. Điều này khiến nhiều người càng tin tưởng rằng cô công chúa dân gian này chính là nguyên mẫu của nàng "én nhỏ" đáng yêu từng đi vào ký ức của bao thế hệ.
Di tích "Công chúa phần" xưa kia...
... nay đã biến thành trạm tàu điện ngầm.