Người vừa được các BS bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) "phù phép" là Cao Thị Tùng (26 tuổi). 7 năm trước khi đi làm thêm để trang trải việc học tại một xưởng nhựa ở TP HCM, Tùng bị một tai nạn lao động kinh hoàng, khi bàn tay bên trái của cô bị công cụ lao động nghiến vào, làm cho dập nát.

Sau khi được đưa đến BV và được phẫu thuật ghép nối, dù đã cố hết sức, các BS chỉ giữ lại được 3 ngón tay cho Tùng, nhưng chúng cũng chỉ tồn tại một cách vô hồn, bởi chấn thương quá nặng nên không thể thực hiện các động tác co duỗi, cầm nắm như trước. Gạt đi nỗi đau xé lòng, Tùng tiếp tục đường đời với bội phần khó khăn, tốt nghiệp đại học với tấm bằng kế toán.

Nhưng vì khuyết tật ở bàn tay trái, cô gái "3 ngón" nhiều lần uất nghẹn khi không thể xin được việc làm. Người ta chỉ biết rằng cô không lành lặn, có mấy ai nhìn được sự cố gắng phi thường và khả năng thực sự của Tùng. Cô có thể làm mọi công việc của một dân văn phòng đúng nghĩa, dĩ nhiên là cả việc gõ bàn phím thuần thục. Nhưng chẳng một nhà tuyển dụng nào mảy may trân trọng cô, bởi đơn giản, họ sợ cô không thể gánh vác được trọng trách của một người lành lặn lâu dài.

Sau 7 năm, cô gái 26 tuổi “tìm lại” hai ngón tay đã mất từ… bàn chân - Ảnh 1.

Sau tai nạn lao động, Cao Thị Tùng phải sống kiếp "ba ngón" suốt 7 năm.

Tuyệt vọng, Tùng tìm đến khắp nơi để mong được giải thoát khỏi tình trạng của mình. Tại BV 115, nghe nỗi thiết tha của bệnh nhân xin được tìm mọi cách để "trồng" hai ngón tay, sau khi xem xét cẩn thận, các BS đã giúp cô gái toại nguyện.

Bác sĩ Nguyễn Cao Viễn, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, các BS sẽ giúp nữ bệnh nhân có đủ 5 ngón tay bằng một phương pháp tưởng chừng phi thực, đó là chuyển 2 ngón chân lên bàn tay.

"Bàn tay cô gái đã mất hết chức năng, hệ thống gân duỗi và gân gập, thần kinh đã hỏng nên các ngón cứng, liệt không cử động bình thường được. Chúng tôi cố hết sức để phục hồi vận động cho các ngón còn lại" – BS Viễn chia sẻ.

Sau 7 năm, cô gái 26 tuổi “tìm lại” hai ngón tay đã mất từ… bàn chân - Ảnh 2.

Ca phẫu thuật ghép hai ngón chân vào bàn tay thực hiện thành công.

Và cuộc phẫu thuật cũng được diễn ra sau nhiều ngày chờ đợi. Không phụ tấm chân tình của bệnh nhân, sau 12 giờ vi phẫu ghép ngón, điều thần kỳ đã xảy ra. Khi cuộc mổ được thông báo thành công cũng là lúc các ngón tay mới từ bàn chân cũ đã thích nghi tốt với vị trí mới, được tưới máu tốt. Vì ghép cả hai ngón chân cùng lúc, mạch máu biến dạng nhiều nên thời gian mổ kéo dài rất nhiều so với con số 6-8 tiếng như thông thường. Ca mổ phức tạp hơn, vì đòi hỏi động mạch phải thông nhau, nối cả hai gân và 4 sợi thần kinh cùng lúc.

"Bệnh nhân sẽ tiếp tục được phẫu thuật chuyển vạt da và phục hồi các ngón khác để đưa bàn tay trở lại hoạt động cầm nắm bình thường" – BS Viễn vui mừng thông báo lộ trình điều trị tiếp theo cho Cao Thị Tùng.

Trở lại với nữ bệnh nhân, dù còn vô vàn khó khăn phía trước với ít nhất 2 lần phẫu thuật nữa cộng với quá trình tập luyện dài đằng đẵng, và quan trọng hơn là chi phí phẫu thuật quá sức với khả năng hiện tại, Tùng bắt đầu hi vọng được trở lại như một cô gái bình thường. Nụ cười đã năng nở trên môi nhiều hơn, Tùng chia sẻ giờ là lúc cô phải thật kiên trì và nỗ lực. 7 năm nay chỉ một tay phải gánh vác nhiệm vụ của hai tay thì bây giờ, còn điều gì ngăn cản cô tìm lại phần thân thể đã mất suốt 7 năm trời của mình được nữa.

Được biết, kỹ thuật chuyển ngón chân thành ngón tay được triển khai tại bệnh viện 115 từ 3 năm nay. Với thành công từ trường hợp của Cao Thị Tùng, kỹ thuật này mở ra hy vọng cho những bệnh nhân không may bị mất đi một phần thân thể vì những tai nạn trong sinh hoạt, lao động hay khuyết tật bẩm sinh. Từ đó, đưa họ trở về với cuộc đời một cách trọn vẹn nhất.