Buổi về nhà ra mắt nhà chồng với phụ nữ vô cùng quan trọng. Trong ngày hôm đó, họ hoàn toàn có thể nhìn nhận được bản thân có phù hợp với gia đình chồng và biết thêm những khía cạnh khác về người đàn ông của mình.

01

Thanh và Tùng yêu nhau đã được 2 năm. Tuy nhiên suốt thời gian yêu, Thanh vẫn chưa một lần về nhà Tùng ra mắt. Đơn giản trong suy nghĩ của Thanh, chỉ khi nào hai bên "chốt", quyết cưới đối phương thì mới tiến đến bước gặp mặt cha mẹ. Còn bình thường cả hai vẫn nên duy trì ở bước tìm hiểu nhau mà thôi.

Vài lần nói về gia đình, Tùng đều bảo bố mẹ anh dễ tính. Anh đặc biệt nhấn mạnh rằng mẹ mình là một người cực kỳ sáng suốt và định hướng cho con trai rất nhiều trong cuộc đời.

Thanh nghe qua cũng chỉ biết vậy. Tuy nhiên, cô cũng có cảm giác mẹ anh có vẻ khá khó tính vì từng có lần cô mua quà tặng gia đình anh các dịp lễ, Tùng từng buột miệng nói rằng bị mẹ chê bai vì nhà không quen dùng loại này. Trong suy nghĩ của Thanh, món quà đến từ tấm lòng, đừng nên bình phẩm như thế mà lại đến tai cô.

Còn vài câu chuyện khác khiến cho Thanh cảm thấy có vẻ như Tùng chịu ảnh hưởng từ mẹ mình rất nhiều. Nhiều đến mức tất cả những gì mẹ anh nói như "thánh chỉ", Tùng luôn nghe theo.

Sau bữa cơm ra mắt, cô gái quyết định chia tay - Ảnh 1.

02

Mãi rồi cũng đến lúc Thanh và Tùng quyết định nói chuyện kết hôn. Yêu nhau hơn 2 năm, họ đã hiểu về đối phương nên quyết định về nhà ra mắt. Để đến nhà Tùng, Thanh chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng từ quà cáp, ăn mặc đến cách chuyện trò. Vì có lần bị mẹ Tùng "chê", cô còn cẩn thận hỏi han kỹ lưỡng mẹ anh thích gì để mua sắm.

Đến nhà Tùng chơi, mọi chuyện ban đầu khá bình thường. Đúng như suy nghĩ của Thanh, mẹ Tùng gần như là người quyết định hết trong nhà. Bố anh rất hiền lành ít nói, từ đầu đến cuối mẹ anh làm chủ cả.

Bà hỏi han gia đình Thanh rất kỹ. Sau khi biết chuyện bố mẹ cô chỉ là tiểu thương bình thường, có vẻ mẹ anh không vui. Mẹ anh liên tục nói đến chuyện thông gia của anh trai và chị gái Tùng đều là công nhân viên chức, rất phù hợp với gia đình. Thanh bối rối thật sự nhưng khi quay sang, Tùng vẫn im lặng ăn hoa quả trên bàn.

Sau bữa cơm ra mắt, cô gái quyết định chia tay bởi để đến hôn nhân, đôi khi cái chính nằm ở "thái độ" - Ảnh 2.

Đến khi dọn cơm, Thanh thấy Tùng ngồi bấm điện thoại thì gọi anh cùng mình vào bê bát và dọn đồ lên đĩa. Điều đó khiến mẹ Tùng không vui thấy rõ. Lúc ăn cơm, mẹ anh nhấn mạnh qua lại quan điểm trong nhà đàn ông sẽ không làm bất cứ việc nhà nào và từ bé Tùng đã được dạy như thế.

"Bếp núc hay chuyện nhỏ trong nhà đều là việc đàn bà con gái. Như thằng Tùng nhà bác từ bé đến lớn chưa bao giờ phải đụng tay việc gì. Đàn ông công to việc lớn chứ ba cái chuyện nhà cửa, cơm nước bác không bao giờ để Tùng phải làm. Sau này nó cưới vợ thì bác cũng bắt vợ nó phải như thế", mẹ Tùng nói thẳng.

Điều này khiến Thanh vô cùng bối rối bởi có vẻ mẹ anh "dằn mặt" cô chỉ vì chuyện lúc nãy. Tuy nhiên nhìn qua Tùng, anh chỉ cười, đồng tình với những lời mẹ nói. Buổi ra mắt này Thanh lạc lõng và cảm thấy chán nản vô cùng. Khi về nhà anh, cô mới nhận ra Tùng không hề có chính kiến gì và hoàn toàn không thể đỡ lời hay bảo vệ cô trước mặt mẹ anh.

03

Buổi gặp mặt đã khiến Thanh hạ quyết tâm chia tay. Cô hiểu rằng sự im lặng của Tùng cũng chính là đồng tình cho những gì mẹ anh nói. Tùng cũng chẳng chủ động hay tâm lý một chút, giải vây cho bạn gái ngay lần đầu đến nhà. Nghĩ đến chuyện mẹ chồng tương lai về sau nếu như cả hai kết hôn, Thanh quyết định chia tay dứt khoát.

Không phải ngẫu nhiên mà có thời gian tìm hiểu trước khi cả hai đến với nhau, xây dựng gia đình. Đó là những ngày người ta xem xét đối phương, tìm hiểu về tính cách lối sống của đối phương. Rộng hơn nữa là tìm hiểu về gia đình của họ. Có những mâu thuẫn sẽ xảy đến sau khi kết hôn mà nếu như tinh ý, các cô nàng hoàn toàn có thể nắm bắt được khi đến nhà bạn trai chơi.

Sau bữa cơm ra mắt, cô gái quyết định chia tay bởi để đến hôn nhân, đôi khi cái chính nằm ở "thái độ" - Ảnh 3.

Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu xưa nay đều vô cùng khó xử lý. Bình thường, nó có thể hòa hoãn một chút nếu như người ở giữa là ông chồng có thể giải quyết, làm cầu nối. Anh ta phải hoàn toàn công tâm, không nghiêng về mẹ cũng chẳng nghiêng hẳn về vợ. Thay vào đó, anh ta sẽ phân tích, dẫn dắt và "bắc cầu" để hai người phụ nữ hiểu nhau hơn.

Nếu như ngay trong tư tưởng của anh ta, mẹ lúc nào cũng đúng thì có lẽ, rất khó có cô gái nào dám bước vào cuộc hôn nhân đó.

Đôi khi, phụ nữ không cần đao to búa lớn, cái họ cần chính là sự tỏ rõ thái độ của đàn ông. Người đàn ông chứng tỏ được mình có thể bênh vực, bảo vệ người vợ của mình sau này. Ngày đầu tiên đến nhà cũng là thời điểm mà nhiều điều vỡ lẽ ra trong tư tưởng của phụ nữ. Họ là người bị gia đình nhà trai đánh giá nhưng đồng thời cũng đánh giá ngược lại xem gia đình này có thực sự phù hợp với mình.

Sự tỏ thái độ của đàn ông có thể đơn giản là cách anh ấy hóa giải tình trạng bối rối, bênh vực cô trước mặt bố mẹ hoặc để ý đến tâm trạng cô trong ngày đầu tiên đến nhà.

Nếu đàn ông không làm được những điều ấy thì có lẽ, mối quan hệ của cả hai khó có thể tiếp tục được. Lựa chọn như Thanh chỉ là một ví dụ điển hình mà thôi. Đôi lúc, cái cần nhất chính là sự tỏ thái độ của đàn ông để giải quyết các vấn đề.