Bài viết là lời chia sẻ của một người đàn ông giấu tên được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc), khiến nhiều người thức tỉnh.
Mười năm sau khi tốt nghiệp đại học tôi tham dự một buổi họp lớp. Cuộc gặp mặt bạn cũ giúp tôi nhìn ra được một lý thuyết quan trọng quyết định cuộc đời mỗi người, tôi gọi là "thuyết 8 giờ thứ ba".
Nhớ lại những người bạn cùng lớp Vũ Tuệ và Tống Trần khi còn đi học, tôi rất ngạc nhiên trước những thay đổi đáng kể của họ.
Vũ Tuệ thời còn là sinh viên nổi bật với thành tích xuất sắc và ngoại hình nổi bật. Sau khi tốt nghiệp, cậu ấy vào làm việc tại một đơn vị được bố mẹ sắp xếp sẵn. Trong khi chúng tôi đang loay hoay tìm việc thì cậu ấy lại tận hưởng cuộc sống thoải mái. Tuy nhiên, số phận đã trêu đùa Vũ Tuệ vài năm trước, đơn vị tiến hành sa thải nhân sự, trong danh sách có tên cậu ấy.
Giờ Vũ Tuệ chỉ có thể làm việc chăm chỉ tại một cửa hàng bán điện thoại di động với mức lương hàng tháng ít ỏi. Ngoại hình của cậu bạn cũng không còn phong độ, không còn là chàng trai tỏa nắng như xưa.
Về phần Tống Trần, thời đi học, điểm số ở trường chỉ ở mức trung bình, nhưng hiện tại cậu đã tiến lên vị trí Phó chủ tịch của một công ty lớn. Cậu ấy giờ khá tự tin, hạnh phúc và tự hào trước những điều đạt được.
Tôi tò mò hỏi bí quyết thành công, Tống Trần mỉm cười chia sẻ trang mạng xã hội của mình. Tôi phát hiện, danh sách bạn bè đều là của Tống Trần đều là người có sức ảnh hưởng lớn. Họ thường xuyên chia sẻ kiến thức kinh doanh, kỹ năng phát triển bản thân, môn thể thao yêu thích hay đơn giản là những cuốn sách hay.
Bí quyết thành công không nằm ở thông minh
Hóa ra trong suốt nhiều năm qua, Tống Trần đều dùng thời gian tan sở hàng ngày để học tập và nạp lại năng lượng giúp thu nhập tăng lên đáng kể. Điều này làm tôi nhớ đến "thuyết 8 giờ thứ ba" mà Robert Pagliarini đã đề cập: Ông trời công bằng cho mọi người ba lần 8 giờ mỗi ngày.
Mọi người đều làm việc trong 8 giờ đầu tiên, ngủ trong 8 giờ thứ hai. Sự khác biệt giữa con người được ẩn giấu ở 8 giờ thứ ba.
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp rắc rối bởi sự lười biếng. Chẳng hạn tôi muốn dậy sớm để tập thể dục nhưng lại trì hoãn. Tôi muốn học dựng phim như một công việc phụ nhưng lại luôn bị thu hút bởi game trực tuyến. Tôi muốn học tiếng Anh nhưng cuối cùng lại ngủ quên trên chiếc giường ấm áp.
Cứ thế, ngày qua ngày, năm này qua năm khác, tôi nhận ra ngoại trừ năm tháng trôi qua, gần như chưa thực hiện được lý tưởng của mình.
Để tôi lấy ví dụ cụ thể khác cho bạn dễ hình dung. Peter Pan là một blogger nổi tiếng. Cách đây vài năm, anh bắt đầu viết bài và có khoảng 500.000 người theo dõi.
Có người theo dõi đồng nghĩa với việc quảng cáo và thu nhập của anh liên tục tăng. Lúc này, một người bạn cùng lớp với mức lương hàng tháng 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng), biết được và ghen tị đến mức chủ động xin lời khuyên của Peter Pan về cách thực hiện.
Peter Pan nói với người bạn: "Thật ra không có bí mật. Chỉ cần bạn viết bài đều đặn và bài của bạn đủ hay thì sẽ có người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội".
Người bạn tỏ vẻ chán nản: "Làm sao mình có thời gian viết bài khi đã làm việc cả ngày quá mệt mỏi?". Peter Pan kiên nhẫn giải thích: "Không có đường tắt, tôi chỉ có thể dùng thời gian để học tập, viết bài và trau dồi các kỹ năng khác. Nếu kiên trì tích lũy sẽ thu hoạch lớn". Nghe xong, người bạn hào hứng và hứa bắt đầu thực hiện theo.
Tuy nhiên, trong một bữa tiệc 2 năm sau, Peter Pan phát hiện ra bạn của mình vẫn làm ở vị trí cũ với mức lương cũ. Còn người bạn thì xấu hổ thú nhận: "Tôi bỏ công việc viết bài từ lâu rồi. Đi làm về, tôi chỉ muốn chơi game và nằm ngủ".
Có một câu nói rất hay: "Mọi bất hạnh của con người đều đến từ sự tự mãn nhất thời và chết dần chết mòn". Chúng ta thường chịu đựng sự bất mãn với hiện trạng nhưng lại không chịu thay đổi, chỉ lười biếng duy trì.
Khi chúng ta già đi theo năm tháng, chúng ta thấy mình chẳng đạt được điều gì, ngoại trừ những nếp nhăn nhắc nhở rằng chúng ta không còn trẻ.
Có thể bạn sẽ nói: "Tôi muốn tập thể dục, nhưng tôi không thể thức dậy mỗi ngày. Tôi muốn học những kỹ năng mới, nhưng tôi không thể không rời xa chiếc điện thoại. Tôi muốn nâng cao tầm nhìn của mình, nhưng tôi luôn cảm thấy quá mệt mỏi".
Cách sử dụng thời gian nhàn rỗi quyết định mức sống của một người. Tận dụng tốt 8 giờ thứ ba là đầu tư vào bản thân và cải thiện khả năng một cách vô hình.
Nếu muốn giảm cân, hãy dành 30 phút để tập thể dục và bạn sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt sau 1 tháng. Nếu bạn muốn thành thạo một kỹ năng mới, hãy dành 40 phút để học nó và trong vòng 1 năm bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng. Nếu bạn muốn mở rộng tầm nhìn, hãy dành 20 phút để đọc sách và bạn sẽ tích lũy được nhiều kiến thức ở tương lai.
Khi thực sự bắt đầu thay đổi, bạn sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Mọi cuộc đời tuyệt vời đều được tưới bằng mồ hôi vào buổi trưa và nước mắt vào lúc nửa đêm.
Một vị hiệu trưởng nọ từng có bài phát biểu gửi tới sinh viên: "Nếu bạn dùng thời gian rảnh rỗi để chơi mạt chược, bạn có thể trở thành một tay nghiện cờ bạc. Nếu bạn dùng thời gian rảnh rỗi để làm các công việc xã hội, bạn có thể trở thành một nhà cải cách xã hội. Nếu bạn sử dụng thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu lịch sử, bạn có thể trở thành nhà sử học.
Khoảng cách giữa con người nằm ở 8 giờ thứ ba. Khi bạn sử dụng 8 giờ thứ ba để học tập và hoàn thiện bản thân thì nhận thức và tư duy của bạn sẽ rộng mở. Còn khi bạn sử dụng 8 giờ thứ ba để giải trí, tháng này qua tháng khác, bạn có thể không thấy sự thay đổi.
Nhưng khi 4 năm, 5 năm hay 10 năm trôi qua, khoảng cách sẽ dần xuất hiện. Vì vậy, ngay từ bây giờ, hãy thay đổi bản thân và ngừng trì hoãn. Hãy hành động ngay lập tức những việc bạn muốn làm, muốn học bằng cả trái tim. Khi vượt qua sự lười biếng và dũng cảm theo đuổi cuộc sống mà bạn mong muốn, mọi thứ sẽ diễn ra theo đúng dự định".