Số lượng người đăng ký hiến tạng, giác mạc tăng đột biến
Câu chuyện bé Hải An 7 tuổi hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, đem lại ánh sáng cho 2 bệnh nhân mắt đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ đầu năm 2018. Tối ngày 30/3, Nguyễn Trần Thùy Dương - mẹ bé Hải An, MC Thảo Vân và ông Nguyễn Hữu Hoàng (Giám đốc Ngân hàng mắt - BV mắt TW) đã có buổi trò chuyện xung quanh về chủ đề này.
Các khác mời tham gia buổi talkshow (ảnh: Quý Nguyễn).
Tại buổi trò chuyện, ông Nguyễn Hữu Hoàng (Giám đốc Ngân hàng mắt - BV mắt TW) chia sẻ, sau câu chuyện của bé Hải An hiến giác mạc được lan truyền rộng rãi thì số lượng người đến đăng ký hiến giác mạc tại Ngân hàng mắt – Bệnh viện Mắt Trung ương tăng mạnh đáng kể, thậm chí tăng lên một cách đột biến.
Trao đổi cụ thể về vấn đề, ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: "Hiện nay đã có hơn 1.300 người đăng ký hiến tạng, hiến giác mạc. Điều này là tín hiệu đáng mừng vì hiện nay vấn đề định kiến của người Việt Nam sau khi qua đời đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân bao đời nay. Tuy nhiên, có được sự thay đổi trong định kiến là câu chuyện dài và không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được mà cần có thời gian và cần có sự tác động rất nhiều từ các yếu tố khác. Tất cả đều nhằm giúp cho người dân hiểu hơn về việc làm hiến tạng, hiến giác mạc là vô cùng cao đẹp".
Ông Hoàng cho biết, sau câu chuyện truyền cảm hứng của bé Hải An số lượng người đăng ký hiến giác mạc tăng lên đột biến.
Vì nếu mình mất đi, hay người thân mất đi mà mình lại giúp được cho người khác nhìn thấy ánh sáng, làm cho cuộc sống người ta tốt đẹp hơn thì đó là việc làm hết sức ý nghĩa.
Câu chuyện của bé Hải An sẽ giúp cho nhiều người nhận thức được việc hiến tạng, hiến giác mạc rõ ràng hơn từ đó khiến người dân đưa ra những quyết định về việc hiến tạng.
"Đơn cử như một bệnh nhân trước kia nằm cùng phòng điều trị với bé Hải An và sau khi nghe câu chuyện vô cùng cảm động của bé Hải An thì họ đã cảm thấy việc hiến tạng vô cùng ý nghĩa và cuối cùng họ đã quyết định hiến giác mạc và chúng tôi đã thực hiện ước nguyện đó của gia đình ấy", ông Hoàng cho hay.
Câu chuyện của bé Hải An khiến bản thân ông Hoàng cảm thấy vô cùng xúc động trong 10 năm làm nghề của mình.
Ông Hoàng cũng nêu rõ: "Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng giác mạng, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt giới tính và hoàn toàn không mất bất cứ chi phí nào. Chúng tôi chỉ không chỉ không tiếp nhận những trường hợp bị bệnh như HIV, viêm gan B. Nếu sau khi tiếp nhận về xét nghiệm phát hiện có bệnh chúng tôi không hề bỏ phí mà dùng vào công tác nghiên cứu, thực nghiệm…
Nếu giác mạc đạt tiêu chuẩn thì chúng tôi nhanh chóng mời bệnh nhân đang cần chờ hiến lên bệnh viện để tiến hành ghép giúp họ nhanh chóng tìm lại ánh sáng".
Việc tiếp nhận giác mạc không ảnh hưởng đến khuôn mặt
Trao đổi về quy trình hiến tặng giác mạc, ông Nguyễn Hữu Hoàng cho hay: "Theo luật bất cứ ai cũng có thể hiến tặng giác mạc. Tuy nhiên, đối với những bé dưới 18 tuổi theo luật phải có những người giám hộ, phải có ý kiến người thân khi làm đơn đăng ký. Với người trên 18 tuổi thì vẫn phải có ý kiến người thân vì đối với việc hiến giác mạc thì chỉ khi người ta mất rồi chúng tôi mới tiến hành tiếp nhận phần giác mạc ấy. Tất cả các quy trình đối với trẻ em về việc hiến giác mạc, tiếp nhận giác mạc đều giống như một người bình thường".
Nhắc về Hải An với vẻ đầy tự hào, chị Thùy Dương chia sẻ: "Hải An có một đôi mắt sáng, nhưng tâm con còn sáng hơn nhiều".
Ông Hoàng cũng cho hay, việc tiếp nhận sẽ khó hơn một chút vì mắt các bé chưa hình thành hết như người trưởng thành nên giác mạc bé và quá trình lấy sẽ khó khăn hơn. Chính vì vậy trong quá trình tiếp nhận phải hết sức cẩn thận.
"Đặc biệt, trong trường hợp tiếp nhận giác mạc của bé Hải An, tư thế chúng tôi thực hiện không được thuận lợi như người bình thường. Tuy nhiên, khi thực hiện chúng tôi đã làm hết sức cẩn thận, nâng niu để lấy phần quý báu đó mang về bảo quản và giúp cho người khác tìm lại ánh sáng", ông Hoàng nói về trường hợp tiếp nhận giác mạc của bé Hải An.
Nhiều người cho rằng việc hiến tạng, cụ thể là hiến giác mạc khá phức tạp, tuy nhiên Giám đốc Ngân hàng mắt cho biết, việc hiến và tiếp nhận vô cùng đơn giản cũng như nhanh chóng.
Bé Hải An đã sống một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng thật đẹp đẽ, chị Dương - mẹ của bé cũng đã luôn nỗ lực để cuộc đời đẹp đẽ ấy lan tỏa được đến mọi người.
"Trước tiên, người thân của họ phải đồng ý nguyện vọng của người hiến giác mạc, chúng tôi chỉ thực hiện sau khi người hiến đã qua đời. Thời gian thực hiện việc lấy giác mạc từ 6h-8h sau khi người hiến mất, chính vì vậy trong khoảng thời gian đó người thân họ phải thông báo với chúng tôi.
Ngay sau đó, cán bộ của Ngân hàng mắt sẽ chuẩn bị dụng cụ, phương tiện đến tận nơi của gia đình người hiến. Quy trình thực hiện việc lấy giác mạc có thể thực hiện bất cứ ở đâu, có thể là ở bệnh viện, ở nhà…", ông Hoàng bày tỏ.
"Khi đến nơi gia đình đồng ý thì ký vào một biên bản do đại diện gia đình đứng ra và cả họ hàng làm chứng, ký. Trước khi tiến hành lấy giác mạc, chúng tôi xin phép gia đình thắp nén nhang cho người đã mất rồi mới chuẩn bị các thao tác tiếp nhận phần giác mạc. Tất cả quy trình lấy giác mạc chúng tôi tiến hành như một ca phẫu thuật bình thường. Tuy nhiên, đối với việc thực hiện lấy giác mạc chúng tôi tiến hành tiệt trùng kỹ càng hơn so với trong phòng mổ vì môi trường không được đảm bảo như trong phòng mổ.
Sau khi chúng tôi bóc tách phần giác mạc ra thì khuôn mặt người hiến không có gì thay đổi cả vì giác mạc là một lớp rất mỏng, tựa kính áp tròng. Sau đó, phần giác mạc sẽ được vệ sinh và bảo quản đồng thời khép mắt cho người hiến giác mạc.
Sau khi tiếp nhận xong, chúng tôi sẽ đưa phần giác mạc ấy vào tủ bảo ôn đồng thời đưa về Ngân hàng mắt càng sớm càng tốt và sẽ bảo quản tối đa được trong vòng 14 ngày. Công đoạn tiếp theo là việc sàng lọc các bệnh truyền nhiễm, xét nghiệm nhóm máu đồng thời thông báo cho các bác sĩ để lựa chọn bệnh nhân phù hợp để họ tìm được ánh sáng…", ông Hoàng cho biết thêm.