Kênh truyền hình NTD đưa tin, các chuyên gia cảnh báo rằng do cách ly xã hội bởi đại dịch Covid-19, lượng rác điện tử tăng lên rõ rệt. Hơn nữa, hơn 80% chất thải này không được tái chế, điều này tạo ra mối đe dọa bổ sung cho môi trường và sức khỏe con người.

Trong một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc dựa trên nghiên cứu của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và các tổ chức khác, năm 2019 thế giới đã thải rác điện tử với số lượng kỷ lục 53,6 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2014.

Theo một số báo cáo, máy tính (bao gồm cả máy tính xách tay), máy chơi game, điện thoại di động, tủ lạnh và các thiết bị điện khác đã bị bán phá giá dẫn đến tình trạng gia tăng rác thải điện tử. Trọng lượng của rác thải điện tử tương đương với trọng lượng của 350 tàu biển.

Sau đại dịch Covid-19 sẽ còn hàng núi rác thải điện tử - Ảnh 1.

Rác thải điện tử trên toàn cầu ngày càng gia tăng. (Ảnh: RIA)

Người đứng đầu Hiệp hội chất thải rắn quốc tế (ISWA), ông Antonis Mavropoulos cho biết: “Chúng tôi ước tính 53 triệu tấn rác thải điện tử sẽ tăng lên 74 triệu tấn vào năm 2030. Đó là trong 10 năm tới, khối lượng rác thải sẽ tăng khoảng 35%. Nó quá nhiều!”.

Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia xả rác điện tử nhiều nhất với lần lượt 10,1 và 6,9 triệu tấn, trong khi Ấn Độ là 3,2 triệu tấn. Tổng cộng 3 nước này chiếm gần 38% lượng rác điện tử trên toàn cầu năm 2019.

Châu Á, lục địa lớn nhất và đông dân nhất đã thải nhiều rác điện tử nhất thế giới, khoảng 25 triệu tấn thiết bị điện tử đã bị thải ra ngoài. Ở Nam và Bắc Mỹ hơn 13 triệu tấn, ở Châu Âu 12 triệu tấn, Châu Phi và Châu Đại Dương tổng cộng khoảng 3,5 triệu tấn rác thải điện tử.

Rác thải điện tử đang tăng nhanh gấp 3 lần dân số thế giới và chỉ 17,4% rác thải trong năm ngoái được tái chế. Điều này đồng nghĩa lượng vàng, bạc, đồng, platinum và những vật liệu khác trị giá tổng cộng 57 tỉ USD (lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của nhiều nước trên thế giới) đã bị vứt đi hoặc đốt bỏ thay vì thu gom để xử lý và tái sử dụng.

Đồng thời, chất thải điện tử đe dọa đến sức khỏe của con người, vì nó có thể chứa các chất độc hại. Ước tính, mỗi năm có 50 tấn thủy ngân đi theo các thiết bị như màn hình, bóng đèn tiết kiệm năng lượng… bị thải ra bãi rác. Thủy ngân là một chất độc thần kinh ảnh hưởng đến não và có thể làm suy yếu sự phát triển nhận thức của trẻ em.

Ngoài ra, 98 triệu tấn CO2 cũng bị thải vào khí quyển từ những tủ lạnh và máy lạnh bỏ đi hồi năm ngoái, chiếm xấp xỉ 0,3% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.

“Tôi tin rằng chúng ta có tất cả khả năng và công nghệ để hạn chế rác thải điện tử trong 20-30 năm tới. Tuy nhiên, các hệ thống quản lý đã không được đưa ra để thực hiện, phối hợp và thúc đẩy điều này”, ông Mavropoulos nhấn mạnh.

“Các công ty điện tử có thể làm rất tốt việc thiết kế sản phẩm phục vụ niềm vui và tăng hiệu quả công việc cho người dùng, nhưng sự thay đổi nhanh chóng trong nhu cầu của người tiêu dùng cũng có nghĩa là thiết kế của họ sẽ sớm lỗi thời. Vì vậy, sản phẩm mới nhất, tuyệt vời nhất ngày nay trở thành rác của ngày mai”, ông Scott Cassel, người sáng lập Viện quản lý sản phẩm phi lợi nhuận cho biết.

Cũng theo bà Mijke Hertoghs, người đứng đầu bộ phận Môi trường và viễn thông khẩn cấp của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cho biết, tỷ lệ rất thấp của chất thải điện tử được tái chế là một dấu hiệu cho thấy mặc dù các chính sách và luật pháp được áp dụng, nhưng nó không hiệu quả. Bà Hertogh cho rằng, có thể làm nhiều hơn để thực thi các chính sách đó.

Theo các chuyên gia, năm nay có thể có nhiều rác thải điện tử hơn do đại dịch, trong quá trình kiểm dịch, mọi người đã mua rất nhiều thiết bị văn phòng, do đó nhiều máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại thông minh sẽ trở thành rác thải.Thanh Bình (lược dịch)