Với các bạn trẻ ngày nay, có thể Mỹ Đình là một "thánh đường bóng đá", nhưng với những người con Hà Nội, Hàng Đẫy mới thực sự là "cái nôi" của đỉnh cao bóng đá Việt Nam.

Chiều nay (24/11), Hàng Đẫy sẽ lại chào đón những đứa con trở về. Việt Nam tiếp đón Campuchia ở lượt trận cuối vòng bảng AFF Cup 2018. Chắc cũng sẽ có không ít người giật mình, thậm chí có chút buồn khi biết rằng: đây sẽ là trận đấu quốc tế cuối cùng của đội tuyển Việt Nam tại địa chỉ này.

Sân Hàng Đẫy với khoảng 3 vạn chỗ ngồi là nơi chứng kiến những chuyển mình lớn đầu tiên của bóng đá Việt Nam sau ngày hội nhập. Một Hàng Đẫy khi ấy được gọi là "chảo lửa" của Đông Nam Á với những trận cầu đỉnh cao đầy ắp người xem.

Sân Hàng Đẫy không chỉ chứng kiến những bước đi chập chững của bóng đá nước nhà, mà ở đó, nó còn là chứng nhân lịch sử cho một thời kỳ vàng son của bóng đá Việt Nam.

Sau hôm nay, tiếng hô vang Việt Nam vô địch sẽ mãi biến mất trên sân Hàng Đẫy - Ảnh 1.

SVĐ Hàng Đẫy là chứng nhân lịch sử cho nhiều thăng trầm của bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao nói chung.

Miền ký ức với Thế hệ vàng lần đầu hạ gục Thái Lan với tỷ số không tưởng

"Thế hệ vàng 1998" dưới sự dẫn dắt của HLV Alfred Riedl được kỳ vọng sẽ một lần đưa bóng đá Việt Nam bước lên đỉnh Đông Nam Á. Dàn hảo thủ với những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Đức Thắng, Hữu Thắng, Công Minh, hậu vệ khét tiếng Đỗ Khải,… đã khuynh đảo cả Đông Nam Á và chiếm trọn trái tim những người hâm mộ Việt Nam sau khi lọt vào tới bán kết và xúc cảm lớn nhất cũng đến từ đây.

SVĐ Hàng Đẫy chật kín khán giả chứng kiến Việt Nam đối đầu người Thái Lan – nhà đương kim vô địch của giải. Thái Lan từ quá khứ cho đến hiện tại đều là đối thủ "lớn nhất mọi thời đại" của Việt Nam và cũng là nền bóng đá phát triển nhất Đông Nam Á. Thế nhưng, tất cả như bị xóa sạch vào thời điểm đó.

Phút 15, đội tuyển Việt Nam cướp bóng, tổ chức phản công. Trần Công Minh đi bóng từ giữa sân, biển người tại Hàng Đẫy đứng cả lên. Công Minh câu bóng bổng vào vòng cấm. Hậu vệ Thái Lan đánh đầu phá bóng và Trương Việt Hoàng chỉ đợi có thế để tung cú volley, như một mũi tên xé gió, bóng đập cột dọc và nằm gọn trong mảnh lưới Thái Lan.

Sau hôm nay, tiếng hô vang Việt Nam vô địch sẽ mãi biến mất trên sân Hàng Đẫy - Ảnh 2.

Nguyễn Hồng Sơn là tác giả của 1 trong 3 bàn thắng vào lưới Thái Lan tại Tiger Cup 1998 và đó vẫn là khoảnh khắc chiến thắng đầu tiên của Việt Nam trước người Thái tại sân chơi khu vực. Ảnh: Nguyễn Quang Minh.

Hàng Đẫy như nổ tung trong sung sướng để rồi thêm hai lần sung sướng nữa với pha lập công của Hồng Sơn và Văn Sỹ. Pha ăn mừng theo kiểu chào của nhà binh của Hồng Sơn sau đó đã trở thành khoảnh khắc huyền thoại. Ở kỷ nguyên bóng đá hiện đại, Bùi Tiến Dũng tái lập điều đó trong màu áo Viettel, cũng tại Hàng Đẫy.

Thắng Thái Lan, chức vô địch đã ở trước mắt. Thắng Thái Lan, đối thủ lớn nhất đã bị bỏ rơi. Không ai nghĩ Việt Nam có thể bị ngăn cản, không ai nghĩ chức vô địch Tiger Cup 1998 có thể rời Hàng Đẫy, bỏ thủ đô Hà Nội cho đến ngày trận chung kết khởi tranh với Singapore.

Những giọt nước mắt đã rơi không ngớt khi cái lưng của Sasi Kumar (Singapore) cướp đi cơ hội xưng vương Đông Nam Á lần đầu tiên của những chàng trai áo đỏ. Nước mắt đã rơi, nỗi buồn vương lên khắp các gương mặt, đó có lẽ là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam hiểu đến thấu tâm can thế nào là "sự nghiệt ngã của trái bóng tròn". Hàng Đẫy đã chứng kiến những niềm vui vô bờ bến nhưng cũng là nơi ghi lại những giọt nước mắt đong đầy rơi trên thảm cỏ xanh, trên những khán đài bê tông lạnh lẽo.

Tiger Cup 1998 vẫn là nơi đánh dấu cho bước chuyển mình lớn nhất của bóng đá Việt Nam sau ngày hội nhập. Để rồi 10 năm sau, bóng đá Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á nhưng là ở một sân khấu khác - sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Thế nhưng, sẽ chẳng có đỉnh cao nào cả nếu như không có những cơn đau, không có những sắc xám trên trời Hàng Đẫy vào ngày 5/9/1998.

Sau hôm nay, tiếng hô vang Việt Nam vô địch sẽ mãi biến mất trên sân Hàng Đẫy - Ảnh 3.

CĐV tiếp lửa cho tuyển Việt Nam tại SVĐ Hàng Đẫy cách đây hơn 20 năm. Ảnh: Nguyễn Quang Minh.

Sau hôm nay, tiếng hô vang Việt Nam vô địch sẽ mãi biến mất trên sân Hàng Đẫy - Ảnh 4.

Đội trưởng Hữu Thắng và đội trưởng tuyển Singapore làm thủ tục trước trận chung kết Tiger Cup 1998 lịch sử. Ảnh: Nguyễn Quang Minh.

Sau hôm nay, tiếng hô vang Việt Nam vô địch sẽ mãi biến mất trên sân Hàng Đẫy - Ảnh 5.

Đội hình được coi là thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam tại Tiger Cup 1998. Ảnh: Nguyễn Quang Minh.

Một Hàng Đẫy trm tư nuôi dưỡng ước mơ bóng đá của những tuyển thủ trẻ

Người ta thường nói: "Cái gì cũng có thời". Khi SVĐ quốc gia Mỹ Đình được hoàn thành vào năm 2003, người ta dần chứng kiến một Hàng Đẫy trầm tư hơn. Hàng Đẫy không còn là nơi được ưu tiên tổ chức các trận đấu quốc tế, không còn được thường xuyên đón những bước chạy của đội tuyển Quốc gia. 

Suốt giai đoạn 2005 – 2016, chứng kiến một Hàng Đẫy không thể "buồn" hơn thế. Nơi đây chuyển mình, thực hiện một sứ mệnh khác, trở thành địa chỉ gieo mầm những ước mơ.

Sau hôm nay, tiếng hô vang Việt Nam vô địch sẽ mãi biến mất trên sân Hàng Đẫy - Ảnh 6.

Hàng Đẫy của những năm thuộc thế kỷ XX và hiện tại không khác nhau là bao, vẫn kiến trúc ấy, màu sắc ấy làm nên một sân khấu huyền thoại. Ảnh: Nguyễn Quang Minh.

Thế hệ hiện tại như Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Quyết,… thì Hàng Đẫy không khác gì ngôi nhà thứ hai của họ. Dù có một giai đoạn rất dài, Hàng Đẫy buồn với chỉ vài trăm cổ động viên tới sân mỗi dịp cuối tuần, song chưa bao giờ mất đi một Hàng Đẫy ấm áp ấp ủ những ước mơ.

Hàng Đẫy đó là nơi Quang Hải chạy những bước chạy đầu tiên trên con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, là nơi Duy Mạnh từ một cậu bé ngây thơ dần trở thành trung vệ tốt nhất của đội tuyển Quốc gia.

Hàng Đẫy những năm tháng ấy là thế, cứ im lặng trên con phố Trịnh Hoài Đức, cứ âm thầm nuôi dưỡng những tài năng bóng đá Việt Nam. Có thể nhiều người sẽ quên đi một "chảo lửa" Hàng Đẫy cuối những năm 90, nhưng với những người yêu Hàng Đẫy, dù có thế nào đi chăng nữa, nó vẫn luôn gánh vác một trọng trách cao cả, một sứ mệnh chưa được hoàn thành.

Sau hôm nay, tiếng hô vang Việt Nam vô địch sẽ mãi biến mất trên sân Hàng Đẫy - Ảnh 7.

Hàng Đẫy của hiện tại được tiếp quản bởi Hà Nội FC sau khi là sân nhà của những đội bóng huyền thoại như Thể Công, Công an Hà Nội. Ảnh: Hiếu Lương.

Sau hôm nay, tiếng hô vang Việt Nam vô địch sẽ mãi biến mất trên sân Hàng Đẫy - Ảnh 8.

CĐV tại SVĐ Hàng Đẫy thời nay. Ảnh: VPF.

Những góc nhỏ đầy hoài niệm bên ngoài sân Hàng Đẫy.

Cho lần sau cuối, những tiếng hô vang "Việt Nam vô địch" sẽ mãi không còn xuất hiện trên sân Hàng Đẫy sau trận đấu tối nay...

Chiều nay (24/11), Hàng Đẫy sẽ lại chào đón những đứa con trở về. Việt Nam tiếp đón Campuchia ở lượt trận cuối vòng bảng AFF Cup 2018. Nếu chỉ nghe tên trận đấu thôi, nhiều người sẽ không nghĩ ngợi quá nhiều, "Việt Nam thắng Cam đã trở thành chuyện bình thường" như vẫn thường thế. Nhưng rồi, chắc cũng sẽ có không ít người giật mình, thậm chí có chút buồn khi biết rằng: đây sẽ là trận đấu quốc tế cuối cùng của đội tuyển Việt Nam tại địa chỉ này.

Không buồn sao được khi chỉ sau ngày hôm nay thôi, Hàng Đẫy sẽ khoác lên mình một tấm áo mới, những tiếng hô vang "Việt Nam vô địch" sẽ không còn xuất hiện trên thứ kiến trúc đặc trưng của Việt Nam nửa thế kỷ trước, thô ráp, sơn vàng.

Không buồn sao được khi người ta sắp phải chia tay Hàng Đẫy hiện tại với biết bao kỷ niệm của một thời vàng son trong lịch sử bóng đá nước nhà. Với các bạn trẻ ngày nay, có thể Mỹ Đình là một "thánh đường bóng đá", nhưng với những con người Hà Nội, Hàng Đẫy mới thực sự là "cái nôi" của đỉnh cao bóng đá Việt Nam.

Sau hôm nay, tiếng hô vang Việt Nam vô địch sẽ mãi biến mất trên sân Hàng Đẫy - Ảnh 10.

Năm qua, SVĐ Hàng Đẫy như vớt vát lại được chút tình yêu khi có đông CĐV đến sân hơn hẳn 10 năm trước đó. Ảnh: VPF.

Và sẽ thật tuyệt biết bao nếu hôm nay, những Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Quyết...  sẽ giành chiến thắng trên sân Hàng Đẫy. Nó sẽ như một lời chào tạm biệt, một lời cảm ơn thân thương gửi tới Hàng Đẫy. Không chỉ bởi Hàng Đẫy nuôi dưỡng ước mơ bóng đá của họ, mà còn để tri ân những "ký ức Hàng Đẫy" không thể nào quên của bóng đá Việt Nam.

Lúc này đây, Hàng Đẫy như phượng hoàng, rực rỡ lên rồi hóa tro tàn, để rồi lại "hồi sinh" trong một bộ cánh mới, chắc còn nhiều rung động hơn.

Sau trận Việt Nam vs Campuchia, SVĐ Hàng Đẫy sẽ tiếp tục hoạt động cho đến hết 9/12.

SVĐ Hàng Đẫy là 1 trong 2 địa điểm tổ chức môn bóng đá nam 11 người tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VIII cùng SVĐ Thanh Trì. Các trận đấu diễn ra từ ngày 25/11 đến 9/12. Như vậy, việc tháo dỡ và thi công xây dựng SVĐ Hàng Đẫy mới chỉ có thể được diễn ra sau khoảng thời gian trên.