Nam bệnh nhân 19 tuổi (Hà Nội) đến khám tại Khoa Điều trị bệnh da nam giới, bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng xuất hiện rất nhiều mảng đỏ trên da, bong vảy khô màu trắng. Chàng trai chia sẻ, các mảng bong tróc này đã xuất hiện cách đó hơn 1 tháng, khởi điểm ở trên đầu, sau đó lan dần xuống vùng đầu gối, khuỷu tay rồi lan rộng ra toàn thân.
Qua thăm khám, bác sĩ Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới nhận định, bệnh nhân mắc bệnh vảy nến, đang có tình trạng vảy nến bùng phát toàn cơ thể rất mạnh.
Cách đây hơn 1 tháng, chàng trai chia tay bạn gái, bởi vậy mà tâm lý chán nản, thường trằn trọc suy nghĩ. Đây chính là nguyên nhân làm “khởi động” gene bệnh, khiến bệnh nhân bùng phát vảy nến.
Vảy nến là một bệnh da mạn tính thường gặp. Cơ chế bệnh sinh của vảy nến đến nay vẫn chưa được sáng tỏ hoàn toàn, tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh có liên quan đến yếu tố gene (nhiễm gene bệnh, đột biến gene) và rối loạn miễn dịch trong cơ thể.
Điểm đặc biệt của bệnh vảy nến là sẽ khởi phát hoặc tăng nặng khi có các điều kiện tác động. Những yếu tố này bao gồm: Vấn đề về tâm thần – thần kinh (do căng thẳng, buồn bã quá mức…), nhiễm trùng, sử dụng một số loại thuốc (đặc biệt là thuốc chứa thành phần corticoid)…
Đến nay, thế giới chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là kiểm soát tình trạng bệnh, ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần đi khám sớm nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường về da liễu, tránh để lâu có thể khiến bệnh nặng hơn, phát sinh nhiều biến chứng.
Trong trường hợp đã được xác định có bệnh vảy nến, nên cố gắng giữ tinh thần thoải mái, tìm cách giảm tải các yếu tố stress để tránh việc bệnh bùng phát và nặng lên. Ngoài ra, người bệnh vảy nến cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất, tránh ăn quá nhiều dầu mỡ, tránh uống rượu bia, đặc biệt là tránh tự ý dùng các loại thuốc.