Theo Ths.BS. Nguyễn Văn Hải, Phòng M8 - Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), người nhà bệnh nhân cho biết 3 năm trước, chồng bệnh nhân bị đột quỵ não, di chứng liệt nửa người. Bệnh nhân là người chăm sóc chồng trong suốt quá trình điều trị.
6 tháng trước, chồng bệnh nhân qua đời. Cú sốc tâm lý này khiến bệnh nhân mệt mỏi, buồn chán, bi quan, hay suy nghĩ tiêu cực, khó tập trung trong các công việc hằng ngày, giảm hứng thú với những thói quen sở thích trước kia (như tập dưỡng sinh, xem phim...).
Bệnh nhân dần sống thu mình, không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh. Đêm bệnh nhân trằn trọc khó ngủ, thậm chí nhiều hôm thức trắng, trung bình mỗi ngày chỉ ngủ được 2 tiếng.
Ngoài ra, bệnh nhân than phiền đau đầu lan khắp 2 bên, tăng lên khi bệnh nhân nghĩ ngợi nhiều hoặc khi đêm hôm trước không ngủ được.
Bác sĩ Hải cho hay bệnh nhân ăn kém ngon miệng, thường xuyên có cảm giác đầy bụng khó tiêu, giảm 5kg/2 tháng. Trước đó, bệnh nhân đã được người nhà đi khám và điều trị tại bệnh viện gần nhà, uống thuốc điều trị nhưng không đỡ.
Khoảng 1 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân thường xuyên khóc lóc, than phiền nhiều với các con, cho rằng mình có tội với các con, đáng bị trừng phạt và là gánh nặng của cả gia đình. Con bệnh nhân khuyên bảo, giải thích nhưng bệnh nhân không tin.
Bệnh nhân có ý định muốn tự sát để giải thoát. Khi đó, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm nặng với các triệu chứng loạn thần có ý tưởng tự sát.
Sau gần 20 ngày điều trị nội trú, bệnh nhân khí sắc khá hơn, vận động nhanh nhẹn, đỡ than phiền mệt mỏi, ngủ được... Bệnh nhân ổn định, được cho ra viện, tiếp tục theo dõi điều trị ngoại trú.
Trầm cảm có tỷ lệ cao ở người cao tuổi
BSCKII. Nguyễn Thị Phương Loan, Phòng M8 - Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi (tỷ lệ mắc cao ở người cao tuổi).
Theo các nghiên cứu dịch tễ trên thế giới, tỷ lệ trầm cảm ở người cao tuổi chiếm khoảng 1-4% ở cộng đồng. Tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới.
Trầm cảm ở người cao tuổi có thể là trầm cảm tái diễn của bệnh lý cảm xúc khởi phát từ trước (trầm cảm khởi phát sớm). Tuy nhiên, trầm cảm ở người cao tuổi cũng có thể khởi phát sau tuổi 65 (trầm cảm khởi phát muộn). Trong số người bệnh cao tuổi gặp trầm cảm, gần một nửa là trầm cảm khởi phát muộn.
Bác sĩ Phương Loan cho biết yếu tố nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi là: Yếu tố sinh học (giới tính, tiền sử, bệnh lý thực thể kèm theo, đau đầu mãn tính, mất ngủ); Yếu tố tâm lý – xã hội (độc thân, ly hôn, mất mát người thân, sống cô lập…).
Dấu hiệu trầm cảm ở người cao tuổi
Trầm cảm ở người cao tuổi có những triệu chứng như:
- Người cao tuổi thường phàn nàn giảm năng lượng thay vì buồn rầu và vô cảm.
- Các triệu chứng phong phú và mờ nhạt như: đau không đặc hiệu, mệt mỏi, chóng mặt, nặng chân, khó thở, đau ngực.
- Suy giảm trí nhớ, được gọi là tình trạng "giả mất trí" trong các trường hợp nặng.
- Hoang tưởng tội lỗi.
- Ý tưởng tự sát/ hành vi tự sát: Gặp trong những trường hợp nặng.
- Các triệu chứng khác: thu rút khỏi xã hội, kém tuân thủ điều trị, kém chăm sóc bản thân, lạm dụng rượu và các chất an dịu, gây ngủ.
Theo bác sĩ Phương Loan, trầm cảm ở người cao tuổi là một bệnh lý phổ biến, có những đặc điểm lâm sàng và cơ chế riêng biệt. Trầm cảm khởi phát muộn thường kéo dài, hay tái phát và khó thuyên giảm hơn trầm cảm khởi phát sớm. Điều trị trầm cảm ở người cao tuổi cần phối hợp hóa dược, các liệu pháp tâm lý và điều biến não để mang lại hiệu quả cao hơn.