Khoảng 2-3 năm trước, tình hình tài chính của tôi có thể miêu tả gọn trong 1 câu: "Chẳng hiểu tiền chạy đâu mất". Nói cách khác, tôi chỉ biết là mình đã tiêu hết sạch tiền, còn cụ thể hơn là đã tiêu vào những việc gì, thì tôi chịu chết. Dù không nợ thẻ tín dụng hay nợ nần nói chung, nhưng tôi cũng không dư nổi 1 triệu dù đã đi làm ngót nghét chục năm.

Càng tiến gần tới mốc 30 tuổi, tôi càng cảm thấy việc chi tiêu bạt mạng, không có tích lũy như vậy, thực chẳng khác nào dồn bản thân vào thế khó. Tôi bắt đầu học cách thay đổi thói quen chi tiêu và tiết kiệm tiền.

Đến giờ này, khi đã có thể tự tin bản thân đam mê tiết kiệm, không còn chi tiêu vô tội vạ, năm nay tiết kiệm được nhiều hơn năm trước gần 30 triệu, tôi có thể dám chắc, đây chính là 3 việc đã giúp tôi từ một người không có nổi 1 triệu phòng thân, trở thành người cũng có chút "của ăn của để".

1 - Bỏ thói quen lướt MXH trước khi đi ngủ

Sau khi kiểm tra lại sao kê tài khoản ngân hàng và tài khoản thẻ tín dụng trong vòng 3 tháng liên tiếp, tôi nhận ra 60% số tiền chi ra hàng tháng là tiền mua sắm online. Và ban đêm là khoảng thời gian tôi chốt đơn nhiều nhất, vì mất ngủ, chẳng biết làm gì nên đành lướt MXH, rồi vô tình lại thấy cái áo này sao đẹp quá, chiếc quần kia trông tôn dáng ghê,...

Sau khi làm 3 việc này, tôi đã tiết kiệm được thêm gần 30 triệu, càng ngày càng nghiện tiết kiệm hơn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cứ như vậy, tôi sa đà vào việc mua sắm lúc nửa đêm và tốn bộn tiền, nhưng điều đáng nói hơn chính là khi nhận những món hàng ấy về tay, tôi lại khá dửng dưng, có khi còn chẳng thèm xé tag hay mở ra xem.

Nghĩ lại mới thấy, thói quen mua sắm lúc nửa đêm như vậy chính là "thủ phạm" khiến tôi không thể tiết kiệm được tiền. Dù vẫn bị khó ngủ, nhưng sau này, tôi không còn sử dụng điện thoại hay lướt MXH trước khi đi ngủ nữa, thay vào đó, tôi sẽ xem phim hoặc các chương trình giải trí.

Tôi bắt đầu mua sắm ít đi, cho tới hiện tại, gần như có những tháng tôi chẳng vác bất kỳ chiếc quần chiếc áo hay món đồ nào mới về nhà.

2 - Gỡ liên kết thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng với các app mua sắm online

Tôi biết mọi người thường khuyên nhau rằng nên đợi 2-4 ngày trước khi quyết định có mua 1 món đồ hay không, bởi có thể sau chừng gần 100 tiếng đồng hồ, chúng ta hoàn toàn có thể quên mất mình đã thêm món đồ ấy vào giỏ hàng. Như vậy chứng tỏ chúng không thực sự cần thiết.

Sau khi làm 3 việc này, tôi đã tiết kiệm được thêm gần 30 triệu, càng ngày càng nghiện tiết kiệm hơn- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, phương pháp này lại không mấy hiệu quả với tôi, vì tôi không hề quên bất cứ món đồ nào mà bản thân đã tự tay "thêm vào giỏ hàng". Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là tất cả những món đồ ấy đều là thứ cần thiết, xứng đáng để chi tiền mua về.

Chỉ đến khi tôi gỡ liên kết thẻ tín dụng và thẻ ngân hàng khỏi các app mua sắm online, tôi mới có thể bắt đầu suy nghĩ một cách lý trí và tỉnh táo về tính thiết thực của một đơn hàng.

Vì đã hủy liên kết thẻ tín dụng và thẻ ngân hàng khỏi các ứng dụng mua sắm, nên nếu đặt mua, tôi sẽ phải thanh toán bằng tiền mặt, mà việc này với tôi thực sự là trở ngại rất lớn, vì tôi đi làm cả ngày, nhận đồ ở công ty thì không tiện nên đành phải đặt về nhà. Nói chung, rất bất tiện, nhưng cũng nhờ thế mà tôi dần cai được cơn nghiện mua sắm.

3 - Không để bản thân quá rảnh rỗi

Vì rảnh rỗi sinh nông nổi, điều đó đúng với tôi. Trạng thái rảnh rỗi khiến tôi ngay lập tức nghĩ đến việc tiêu tiền, khi thì rủ bạn bè đi mua sắm, khi thì đặt cả đống đồ ăn về nhà dù sức ăn không nhiều, thành ra rất lãng phí,...

Ngoài khoản tiền dành cho việc mua sắm, thì hóa đơn siêu thị hay các đơn hàng đặt đồ ăn của tôi cũng chiếm một khoản không nhỏ. Việc đó cũng chẳng phải không tốt nếu tôi ăn được hết những gì mình đã mua về, nhưng không, phần lớn đều là tôi mang cho người khác, hoặc quên mất là mình có "cả núi đồ ăn" trong tủ lạnh, rồi chúng hỏng hết, và yên vị trong sọt rác.

Để thay đổi thói quen xấu này, tôi đặt giới hạn cho mỗi đơn hàng đồ ăn, chỉ ở mức 70.000đ/bữa. Còn với việc đi siêu thị, thay vì đi 1 lần/tuần, và mua thực phẩm cho 7 ngày liên tiếp, tôi sẽ đi siêu thị mỗi ngày, chỉ mua đúng những gì mình cần cho ngày hôm đó, để tránh việc mua quá nhiều, gây tốn kém và lãng phí.