Mới đây, Báo Gia đình & Xã hội nhận được đơn kêu cứu gồm 16 chữ ký trực tiếp, ghi là của tập thể phi công Việt Nam, phản ánh các bất cập đang tồn tại nơi nhóm người này đã và đang công tác - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA).

Cụ thể, ngoài việc phản ánh về các bất cập đang tồn tại ở VNA, nhóm phi công khẳng định: “Trong 3 năm qua chúng tôi đã đối thoại với VNA rất nhiều nhưng không nhận được bất kỳ một sự hợp tác nào…

Môi trường làm việc không được đảm bảo, có sự bóc lột lao động và gây những bức xúc trong công việc cần đảm bảo sự an toàn tuyệt đối, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của các phi công. Lương phi công cũng quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không...”.

Ngoài việc tố VNA, các phi công cũng phân tích những bất cập trong những Thông tư liên quan của Bộ GTVT, vi phạm Luật Lao động, gây khó dễ cho những người muốn xin nghỉ việc.

Sau khi tố cáo bị áp bức, thêm hàng chục phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc - Ảnh 1.
Sau khi tố cáo bị áp bức, thêm hàng chục phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc - Ảnh 2.

Đơn phản ánh của tập thể phi công đang công tác tại Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Trong đơn, tập thể phi công cho biết: Năm 2015, Bộ GTVT ra thông tư 41/2015/TT-BGTVT phần 14.169 có nội dung quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày; khi chuyển đổi nhà khai thác phải “đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại theo quy định…”.

Tiếp đó, Thông tư 21/2017/TT-BGTVT đã đưa những nội dung trên vào “Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay”.

Tuy nhiên, theo các phi công, khi họ mang những vấn đề này đối chiếu với các văn bản của Hiến pháp điều 35 và Luật Lao động thì nhận thấy những nội dung trong Thông tư nêu trên không tuân thủ một số vấn đề như việc chấm dứt hợp đồng lao động và bồi hoàn chi phí đào tạo không đúng với quy định.

Bởi, theo điều 37 Khoản 3 Bộ Luật Lao động quy định: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.

Họ đặt ra câu hỏi: Bộ GTVT căn cứ vào đâu quy định các phi công khi muốn chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước ít nhất 120 ngày?

Theo các phi công, những quy định này khiến họ gặp khốn đốn khi VNA dựa vào đó đưa ra những khoản phí bồi hoàn vô lý và quá lớn.

Sau khi tố cáo bị áp bức, thêm hàng chục phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc - Ảnh 3.

Từ đầu năm năm 2018 đến nay, số phi công có đơn xin nghỉ việc tiếp tục tăng.

Theo điều 62 Khoản 3 Bộ luật Lao động quy định: “Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chỉ có chứng chỉ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học…”.

Tuy nhiên, VNA đã bắt buộc các phi công bồi hoàn chi phí từ 2 - 3,5 tỷ đồng nhưng không có những hóa đơn hợp lệ để chứng minh.

Ngoài ra, dựa vào Thông tư, Cục Hàng không Việt Nam không cấp bằng cũng như chấp nhận cho các phi công chuyển nhà khai thác khác, buộc họ phải làm việc cho VNA với chế độ đãi ngộ thấp hơn mặt bằng chung của các phi công, đẩy họ lâm vào cảnh phải bồi hoàn cho VNA số tiền phi lý để chuyển sang nhà khai thác khác hoặc phải chịu cảnh thất nghiệp.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn sự việc, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với chính những người trong cuộc. Một phi công đề nghị giấu tên, chỉ tiết lộ đang làm việc tại Đoàn bay 919, khẳng định: "Vấn đề lương bổng đã âm ỉ tại VNA từ rất lâu. Trong 3 năm qua, hai bên đã đối thoại với nhau nhiều lần nhưng tựu chung lại, phần bất lợi vẫn đang thuộc về nhóm phi công Việt".

Sau khi tố cáo bị áp bức, thêm hàng chục phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc - Ảnh 4.

Báo cáo phi công nghỉ việc và đề nghị Cục Hàng không Việt Nam hỗ trợ thu hồi chi phí đào tạo phi công.

Theo người này, năm 2015, cũng vì vấn đề đãi ngộ mà tại VNA đã có một “làn sóng ra đi”. Vụ việc bị đẩy lên cao trào, VNA chấp nhận tăng lương song theo đánh giá của các phi công, cũng chẳng đáng là bao. Chính vì vậy, sự việc này cứ mãi nhùng nhằng.

Ngay tại cuộc đối thoại mới nhất diễn ra sáng 30/5, thương hiệu bay hàng đầu Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở mức tăng thêm 4,6 triệu đồng/tháng cho Cơ phó và 10 triệu đồng/tháng cho Cơ trưởng.

“Tại Vietnam Airlines, hiện tại, lương của một Cơ trưởng từ 120 – 130 triệu đồng/tháng, còn Cơ phó là khoảng 60 – 70 triệu đồng/tháng. Thế nhưng cùng là Cơ phó, cùng giờ bay, thì các hãng khác có thể trả tới 150 – 160 triệu đồng/tháng. Chưa kể, cùng trình độ và bằng cấp như nhau, nhưng cũng ngay tại Vietnam Airlines, lương của phi công Việt thậm chí chưa bằng một nửa lương phi công nước ngoài”, người này nói và cho biết đây là lý do anh và gần 60 phi công khác làm đơn xin nghỉ việc tại VNA.

Dù vậy, chính những khoản bồi hoàn khổng lồ kia đã là rào cản khiến nhiều phi công tại VNA phải làm đơn cầu cứu, xem xét các văn bản trái luật gửi lên Chính phủ.

Được biết, sau khi nhận được phản ánh, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GTVT xem xét giải quyết theo quy định.