"Đứng đấy làm gì nóng lắm. Mà gọi cái gì gọi nhanh lên, gọi lâu thế".
"Nhưng mà nhà chị không có mọc. Em thích mọc em ra ngoài chợ ấy, ngoài chợ đầy mọc".
"Thôi tốt nhất là đi về nhà nấu lấy ăn nhá. Ở đây không nấu. Đi luôn".
"Bát bún 40 nghìn còn hỏi gì nữa. Ăn xong mặt như mất sổ đỏ. Không ăn được thì biến".
"Ra nhà nghỉ mà ăn. Ở đây không có chỗ nghỉ".
Trên đây là những câu chửi khách đã đi vào huyền thoại vừa là ghi lại trực tiếp, vừa là được dân mạng đồn thổi nhau về bà chủ Kim Thảo của hàng bún móng thịt chân giò ở Ngô Sĩ Liên, Hà Nội. Cách đây vài năm, phong cách tiếp các "thượng đế" ấy của bà Thảo thậm chí còn được giới thiệu hẳn trên đài CNN khiến không ít thực khách, cả quốc tế lẫn trong nước cảm thấy vô cùng bất ngờ xen lẫn tò mò. Và càng hiếu kỳ, người ta lại càng kéo đến đây đông đúc khiến cho quán bún nhỏ trông không được rộng rãi, thoáng mát cho lắm hầu như chẳng có lúc nào không có người ăn.
Nói thì bảo ngược đời nhưng đúng là không hiểu sao những hàng ăn kiểu như của bà Thảo lại đông khách đến như vậy. Cùng với bún chửi Ngô Sĩ Liên, người Hà Nội còn quen với cả cháo chửi bà Mỹ, bún mắng ngan Nhàn, nơi nào cũng bà chủ cũng nức tiếng đanh đá, chua ngoa dù khách đến ăn trả tiền, mang lợi nhuận chứ nào phải xin không. Từ khi họ nổi tiếng, cũng có rất nhiều bài báo rồi diễn đàn ẩm thực uy tín bàn về cái sự "cố chấp" kiểu đó của thực khách thủ đô; nhưng mà sau tất cả, câu trả lời chỉ là những dấu hỏi còn bỏ ngỏ. Rằng mặc kệ bà chủ cứ chửi đến tan tác chim muông thì khách vẫn cứ vào ăn nườm nượp, phải chăng các thượng đế hơi "ngu ngơ" một chút hay là vì họ chẳng quan tâm đến việc bà chửi, cứ đồ ngon là chúng tôi ăn? Hoặc không thì đó là sự tò mò cứ thôi thúc bước chân người ta đến quán chẳng hạn?
Nhưng bây giờ, những lời nhận xét đó chỉ còn là câu chuyện của những tháng ngày về trước, chứ dạo gần đây, dân tình đang kháo nhau là bà Thảo bún chửi Ngô Sĩ Liên mềm tính lắm, bán hàng niềm nở lắm và lại còn hay cười tủm tỉm nữa cơ. Chẳng biết tiếng đồn ấy có thật hay không nên thực khách cũng cất công qua con phố nổi tiếng một chuyến để thám thính xem thế nào.
Bà Thảo bún chửi nay đã khác xưa, mềm tính hơn hẳn và lại còn hay cười?
Đến nơi, gửi xong chiếc xe máy ở vỉa hè đối diện thì vẫn thấy đó là bóng dáng quen thuộc của bà chủ quán, thực khách đi vội vào phía bên trong quán để tránh cái nắng nóng giữa trưa hè rồi gọi nhanh một bát móng lưỡi. Trong lúc đợi chờ, thực khách cố gắng dỏng tai lên nghe xem có tiếng bà Thảo chửi ai không mà tuyệt nhiên chẳng thấy gì, chỉ có mỗi giọng đều đều nhắc mấy chị nhân viên cân bún, chế nước dùng rồi thu tiền của khách. Đôi lúc, bà Thảo cũng có nói to nhưng mà không phải chửi khách, chỉ là nhắc nhở một chút thôi rồi lại cười cười.
Sao lại thế nhỉ? Bà Thảo của ngày xưa đâu rồi?
Ăn xong bát bún, đứng lên ra chỗ bà Thảo trả tiền rồi lân la hỏi bà vài câu: "Con thấy dân chúng đang kháo nhau bà Thảo dạo này hiền lắm, không chửi bới ai nữa. Có thật thế không bà". Trong lúc nói câu ấy là thực khách cũng chuẩn bị sẵn tinh thần bị bà chửi banh nóc lên rồi nhưng mà không, bà Thảo gật đầu rồi còn đùa lại: "Sao biết"…. Như thế là đủ thấy tín hiệu ban đầu bà đã mềm hơn xưa thật nhỉ!
Thế rồi, trong lúc cao hứng chuyện trò, bà Thảo còn nhanh nhẹn bảo chị nhân viên mang ra 2 cốc nước cho thực khách ngồi nói chuyện cho đỡ khát. Đúng là ngạc nhiên quá, tinh thần là gặp phải hổ nhưng mà bây giờ lại ngược 180 độ thế này, liệu có đỡ được không!?
Bà Thảo hay chửi thực ra là vì cái gì?
"Nói thật với con là sống trên đời nhiều lúc muốn làm người hiền khó cực, vì khách nhiều người họ cũng đòi hỏi ghê lắm. Cô lại nóng tính, lắm lúc gặp người như vậy thôi tốt nhất là không phục vụ.
Nhớ có lần khách vào trong nhà, biển hiệu có sẵn là bún dọc mùng mà lại hiên ngang gọi bún ngan, bún vịt. Thế là cô bảo muốn ăn về nhà nấu, hoặc ra chợ mua, nhà này chỉ bán thịt lợn thôi. Rồi cũng có khách lạ vào là cô phải nói giá tiền luôn, nhà cô 50 ngàn/bát nhưng đầy đặn, nhiều thịt. Ai mà thấy sợ sợ là cô bảo sang kia ăn bún 25 ngàn.
Rồi thì con thấy đấy, trời nắng nóng thế này con ngồi không còn mệt, huống hồ cô nấu nướng từ sáng. Tất cả cô đều chế biến tại chỗ, ngay trước cửa đây, sáng ngày ra chắc phải đến 10 cái xoong trước mặt vừa luộc thịt, làm nước dùng, hơi nóng cứ phả lên người thì không cáu rồi chửi mới lạ", bà Thảo nhỏ nhẹ tâm sự.
Thế nhưng mà có câu hỏi đặt ra là đất Hà Nội này dễ phải có đến hàng trăm nghìn cái hàng ăn, mà ai nấu nướng mùa hè này chẳng nóng, sao họ không thấy ai chửi ai rồi lên báo bao giờ? Nói thế, bà Thảo lại tặc lưỡi kể ra một đống chuyện từ ngày xửa ngày xưa. Hóa ra, bà nóng tính, bà chửi đều có nguyên do cả.
"Ngày xưa cô nền tính lắm chứ, học xong là đi làm thợ may đấy. Nhưng mà lấy chồng gia đình cán bộ nên đói, thành ra phải bươn chải khổ đến mức cáu bẩn cả cái tính người. Cô đẻ 4 năm 3 đứa, nheo nhóc đến mức đi bán từng đoạn mía, làm bánh mì pate. Cuộc sống khó khăn đã biến cái tính cô thành ra vậy đấy chứ không thì cũng làm gì đến nỗi. Rồi ông nhà cô cũng mất 8 năm nay rồi, nhiều lúc nghĩ buồn mà sinh ra như vậy đấy chứ".
Mẹ đẻ bà Thảo lúc xưa bán bún xáo măng nhưng bà không theo nghề mẹ mà tự nghĩ ra món bún dọc mùng này để mưu sinh. Hàng bún của bà cũng không phải mở đầu tiên ở Ngô Sĩ Liên mà đã từng di chuyển qua nhiều nơi rồi, con phố này chỉ là bến đỗ cuối cùng nhưng lại cũng là địa điểm tạo nên thương hiệu bún chửi mà chắc là người Hà Nội sẽ còn nhắc đến mãi về sau này.
Và có điều lạ là khách cứ đi theo bà Thảo thôi, bà chuyển đi đâu người ta cũng tìm đến được, thế mới tài. Ngay cả bây giờ, nếu bà Thảo mà có việc đi đâu thì cô con dâu sẽ là người ngồi bán nhưng mà lạ cái là không thấy bà Thảo người ta không vào, nó cứ như cái vía bán hàng vậy. Cô con dâu hay trêu mẹ: "Khách người ta đi theo mẹ hết rồi, con ngồi bán toàn ế".
Đó, bà Thảo chửi đanh quánh không ráo miệng thế mà khách người ta lại chỉ thích bà bán thôi, người khác bán không ăn. Còn những người ăn quen bún nhà bà Thảo thì lại biết một cái mẹo để ăn không bị chửi nên cứ gắn bó mãi, đây có lẽ cũng là lời giải thích hợp lý nhất cho câu hỏi: Sao bà bán bún chửi như hát hay mà khách vẫn đông.
"Nếu đến ăn, con cứ một mạch đi thẳng từ cửa vào trong nhà rồi có người đến hỏi ăn gì thì sẽ được mát mẻ, thoải mái. Còn nếu trong trường hợp cứ đứng ngay chỗ cô ngồi mà chỉ trỏ lấy cái này ăn cái kia thì kiểu gì cũng bị "độp" vài câu vào mặt". Đấy, bảo làm sao, chắc quán bà đông là toàn những người biết tính bà như thế, còn người lạ đến, ai hiền hiền mà thấy bà chửi thì thôi tặc lưỡi đã vào rồi thì ở lại, còn người nào không chịu được thì bỏ đi.
"Đấy, quá khứ của cô như vậy đấy. Nhưng mà giờ cô có tuổi rồi, khách ra vào ai nói gì mình điếc luôn cho tâm hồn thoải mái. Nói thật là trời nắng nóng thế này ngồi cũng khó chịu, có khách vào ăn xong nói chuyện kêu khổ thân nắng nóng nhưng mà cái nghề nó như vậy thì làm thế nào được. Với con cái nó cũng bảo cô là mẹ có tuổi rồi, bán được đến đâu thì bán, không nên cáu gắt làm gì. Thôi thì cô lại nghe chúng nó".
Bao giờ bà Thảo nghỉ bán bún chửi?
Từ ngày bà Thảo mềm tính đi, dẫu chưa thể nào ngọt ngào kiểu như người ta nhưng mà cũng tạm gọi là dễ chịu hơn hẳn. Khách quen đến ăn hầu như ai cũng nhận ra được, có người còn hỏi sao dạo này vui tính thế thì bà chỉ cười cười. Thế là có người trêu bây giờ không gọi hàng bà là bún chửi nữa, gọi là bún cười để tẩy trắng quá khứ đi, bà cũng đồng ý, bảo tùy, ai muốn gọi thế nào cũng được, tôi chẳng quan tâm.
"Bát bún nhà cô bao nhiêu năm vẫn vậy, chỉ có cô là tự phải thay đổi đi để cuộc sống nó đỡ khô khan, khó chịu thôi. Lạy giời nhiều người vào ăn cũng khen lắm, có cái chị ở tận xa còn xin mua lại công thức để mở quán nhưng mà cô không đồng ý, cô chỉ thích cái gì của riêng cô và cô làm chủ thôi", bà Thảo nói trong lúc nhanh tay thái miếng thịt cho vào bát bún rồi đưa cho chị nhân viên chan nước cho khách.
Nhìn bát bún nhà Bà Thảo, nhiều người thấy lần đầu chắc sẽ phải choáng ngợp vì trông nó đầy đặn thật, nồi nước dùng đặt ngay cửa cũng đặc sánh những cà chua và nước cốt nên ăn vào có cảm giác ngọt và đậm đà. Không chỉ vậy, bà Thảo còn có một tô ớt to là loại ớt được đặt mua tận Đà Nẵng rồi về ngâm với xì dầu theo cách pha chế đặc biệt để chấm thịt, chấm móng. Bước vào quán là ai cũng sẽ ấn tượng với cái tô này đầu tiên, và nó cũng chính là thứ nước chấm "thần thánh" khiến miếng thịt trở nên cay cay đậm vị hơn khi ăn vào miệng.
Nồi nước dùng và tô ớt để ngay đầu cửa để chào khách.
Đi ra đi vào tầm trưa là quán bà Thảo đông khách nhất nhưng thân bà bây giờ cũng yếu hơn xưa rồi, ngày thường bà chỉ làm công tác pha chế rồi ngồi đó thái thịt cho khách, còn lại mọi khâu bưng bê khác đều có người đảm nhiệm hết. Bà Thảo bảo bây giờ vẫn còn làm được thì cứ ngồi bán thôi, mấy nữa truyền nghề lại cho con gái con dâu thì sẽ sắm cái ghế ngồi ở ngay cửa để khách người ta nhìn thấy mặt bà quen quen mà rẽ vào.
Vừa nói chuyện về tương lai, bà Thảo lại khoe cái cười móm mém đến là duyên như để chứng minh nhiều hơn cái sự bớt chửi thời gian này của mình. Thực khách nói chuyện xong với bà thì cũng gật gù thấy bà Thảo hiền như thế này đúng là dễ mến thật, bèn nghĩ: "Đồ ăn ngon hay không có thể còn tùy vào cảm nhận của từng người nhưng chắc chắn một điều rằng, bà Thảo bún chửi ngày xưa giờ mềm như bún thế này thì khách có khi sẽ kéo đến nhiều hơn nữa vì tò mò cho mà xem".
Nhiều người vẫn không phủ nhận là món bún của bà khá ngon và trở thành một cái gì đó khó mà thiếu khi đặt chân tới Hà Nội.