Có thể bạn đã nghe một câu chuyện trong Thần thoại Hy Lạp, rằng có một vị thần tên là Prometheus ăn cắp ngọn lửa trên ngọn Olympus rồi trao nó vào tay loài người. Nhờ có lửa, loài người sau đó mới chiếu sáng được màn đêm, biết sưởi ấm và nấu ăn để thoát khỏi kiếp ăn lông ở lỗ.
Lửa cũng đem đến sức mạnh cho loài người, thứ đã bảo vệ chúng ta khỏi thú dữ, giúp chúng ta luyện kim, chế tạo công cụ và vũ khí. Không quá khi nói, toàn bộ nền văn minh của loài người được xây dựng trên ngọn lửa mà thần Prometheus đã trao tặng.
Có điều, sự nhân từ của Prometheus với loài người đã kích thích cơn nóng giận của chủ nhân đỉnh Olympus - Zeus – cũng là vua của các vị thần đã trói Prometheus vào một tảng đá trên núi Cáucasus, nơi có một con đại bàng khổng lồ được sai tới để rỉa gan của Prometheus mỗi ngày.
Zeus nguyền rủa hình phạt dành cho Prometheus sẽ kéo dài vĩnh cửu. Thế là cứ mỗi đêm sau khi lá gan của Prometheus bị ăn mất, nó sẽ mọc trở lại, để sáng hôm sau, khi con đại bàng trở lại, nó sẽ tìm thấy bữa ăn của mình một lần nữa.
Prometheus đã phải chịu sự tra tấn đó trong suốt 30.000 năm, trước khi được Hercules, vị anh hùng của loài người giải cứu. Hercules đã bắn chết con đại bàng, chặt đứt dây xích mà Zeus dùng để phong ấn Prometheus.
Tính tới thời điểm đó, lá gan của Prometheus đã liên tục bị ăn mất rồi mọc lại hơn 10 triệu lần.
Người Hy Lạp đã dựa vào câu chuyện này để đặt tên cho lá gan. Họ gọi nó là "ἧπαρ" (hepar), có nghĩa là "tự tái tạo". Không rõ đó có phải là trùng hợp ngẫu nhiên, hay các bác sĩ Hy Lạp cổ đại đã thực sự biết về nó.
Rằng lá gan trong cơ thể con người, cũng giống lá gan của thần Prometheus, có khả năng tự tái tạo chính bản thân mình. Mỗi khi một tế bào gan được gọi là "hepatocytes" chết đi, ngay lập tức sẽ có một tế bào hepatocytes bên cạnh tự nhân đôi chính bản thân nó đề bù vào chỗ trống.
Các bác sĩ thậm chí có thể cắt bỏ tới 3 phần 4 lá gan của những bệnh nhân ung thư gan mà họ vẫn có thể sống sót. Bởi chỉ cần đợi vài tháng sau đó, lá gan của họ sẽ mọc lại toàn bộ.
Nếu gan không có khả năng tự tái sinh, không chỉ có các bệnh nhân ung thư sẽ chết. Ngay cả bạn cũng có khả năng tử vong chỉ sau một bữa nhậu, bởi rượu có thể làm quá tải tế bào gan và khiến chúng chết vì kiệt sức.
Vì vậy, có thể bạn không nhận ra, nhưng mỗi lần say rượu là mỗi lần bạn đang đầu độc và giết chết hàng triệu tế bào gan của mình. Tin tốt là cũng sẽ có từng đó tế bào gan được tái sinh, và quá trình này sẽ bắt đầu chỉ 5 tiếng đồng hồ sau khi bạn tỉnh rượu.
Tuy nhiên, gan của con người không phải là gan của thần Prometheus. Dẫu có khả năng tự tái sinh, sự chịu đựng của nó cũng có giới hạn. Điều xảy ra sau khi các tế bào gan của bạn không tái sinh được nữa, chắc chắn, sẽ là thứ khiến bạn phải hối hận.
Mỗi chén rượu là một cú rỉa của đại bàng vào lá gan của bạn
Thật may mắn là bạn sẽ không phải chịu sự đau đớn như Prometheus đã phải chịu. Đó là bởi trên lá gan của loài người không có các thụ thể nociceptors. Nociceptors là những thụ thể cảm giác đau có mặt đầy rẫy trên da, trên xương hoặc trong dạ dày của bạn.
Chúng truyền tín hiệu đau từ các bộ phận này về não để báo hiệu vị trí nào trên cơ thể đang bị tổn thương. Đau, trên thực tế, là một phản ứng có lợi. Cơn đau báo hiệu cho chúng ta biết nên làm gì để bảo vệ phần cơ thể đang bị tổn thương của mình.
Chẳng hạn, khi chạm vào một vật nóng, bạn sẽ thấy đau và rụt tay lại để tránh cho da khỏi bị bỏng. Khi bạn ăn phải đồ ăn bị hỏng hoặc chứa chất độc, bạn sẽ đau bụng để nôn ra chúng ra. Khi bạn bị chấn thương vì chơi thể thao, các thụ thể nociceptors trong xương sẽ kích hoạt cơn đau âm ỉ ý muốn nói rằng: "Xương của bạn đang không tốt, hãy nghỉ ngơi để chờ chúng hồi phục".
Thật tiếc là khi bạn uống rượu, gan không có nociceptors để tạo ra cơn đau. Gan sẽ không thể nói với rằng bạn khi nào thì bạn đã uống quá chén và nên dừng lại. Nó đơn giản là âm thầm làm công việc của mình, như một người công nhân thầm lặng.
Trên thực tế, gan chính là cơ quan tiền tuyến chịu trách nhiệm phân giải rượu – những phân tử ethanol mà nếu để tích tụ lâu trong máu sẽ gây độc đến ngưỡng tử vong.
Quá trình phân giải rượu ở gan diễn ra theo hai bước. Bước 1, gan tiết ra enzyme alcohol dehydrogenase (ADH), có tác dụng biến rượu thành acetaldehyde. Acetaldehyd thực chất là một chất độc hơn cả rượu, nhưng nó sẽ nhanh chóng bị gan phân giải ở bước thứ hai, nhờ enzyme aldehyde dehydrogenase (ALDH). Lúc này, acetaldehyde sẽ bị biến thành acetate, một chất lành tính và có thể được cơ thể sử dụng trong nhiều phản ứng sinh hóa khác.
Vấn đề là lá gan của bạn chỉ có khả năng phân giải khoảng 10 ml cồn, đương đương 7 gam rượu mỗi giờ. Tốc độ này là tốc độ tối đa, khi tất cả các tế bào gan và enzyme của chúng đã hoạt động hết công suất.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu bạn uống 1 lon bia (khoảng 330ml, có nồng độ cồn 5%) thì gan phải mất khoảng 1 tiếng để xử lý hết lượng cồn trong máu. Nếu chưa đợi hết 1 tiếng mà bạn đã uống lon bia thứ hai, gan sẽ bị quá tải.
Lúc này, phản ứng bước 2 ở gan, chuyển acetaldehyde thành acetate sẽ bị nghẽn lại, do các tế bào bận chuyển hóa cồn thành acetaldehyd. Và như chúng ta đã nói trước đó, acetaldehyd là một chất độc. Nó chính là thứ khiến bạn gặp các triệu chứng say rượu như đỏ mặt, đau đầu, buồn nôn, nhịp tim nhanh…
Sự tồn tại của acetaldehyde còn có thể phá hủy tế bào gan, và nó chính là những cú rỉa của đại bàng vào lá gan của bạn khi uống rượu.
Điều gì sẽ xảy ra sau đó?
Bây giờ, bởi gan đang ưu tiên công suất của nó cho việc chuyển hóa rượu - thứ được coi là chất độc đầu bảng đối với cơ thể - ngay cả việc chuyển hóa acetate cũng bị đình trệ thì việc chuyển hóa chất béo cũng vậy.
Đó là lý do bạn thấy những người uống nhiều rượu sẽ bị gan nhiễm mỡ, khi chất béo đi vào từ mồi nhậu của họ bị ứ đọng lại trong gan, không chuyển hóa được. Bây giờ, những điều tội tệ nhất mới xảy ra.
Nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho biết một khi gan đã bị tích mỡ, nó sẽ trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các yếu tố gây viêm. Để xử lý vấn đề đó, gan sẽ cố gắng tự chữa lành như khả năng vốn có của nó.
Thông thường, quá trình chữa lành này kéo dài khoảng 2-3 tuần, với điều kiện là trong khoảng thời gian đó, bạn phải kiêng rượu hoàn toàn. Các xét nghiệm, bao gồm cả sinh thiết gan cho thấy khi một người uống rượu và bị tụ mỡ trong gan, sau 2-3 tuần kiêng rượu thì gan sẽ phân giải toàn bộ chất béo bên trong nó. Tình trạng gan nhiễm mỡ sẽ hoàn toàn biến mất.
Nhưng nếu bạn tiếp tục có bữa nhậu tiếp theo trong khoảng thời gian này, rượu sẽ làm ngập lá gan trở lại trong mỡ. Gan sẽ lại nhiễm mỡ và các tế bào gan lại phải gồng mình chuyển hóa cồn và acetaldehyd. Hậu quả là chúng sẽ bị viêm và một phần lá gan lại chết đi.
Lặp đi lặp lại quá trình chết và tái sinh này khiến lá gan trở nên mệt mỏi với quá trình tự chữa lành chính mình. Gan của bạn lúc này sẽ "dỗi". Nó tự biến mình thành mô sẹo, sau đó vĩnh viễn không thèm làm việc nữa.
Những mô tế bào sẹo mất chức năng ở gan chính là thứ mà các bác sĩ gọi là xơ gan. Một khi gan đã bị xơ, nó không còn tái sinh được nữa. Khoảng 20-30% những người thường xuyên uống rượu sẽ phải đối mặt với tình trạng này.
Điều đáng nói là gan của họ sẽ bị xơ hóa trong âm thầm, khiến chức năng gan suy giảm dần mà họ không hề hay biết. Một số triệu chứng của trình trạng xơ gan có thể nhìn thấy được từ bên ngoài như vàng da, vàng mắt, ban đỏ ở lòng bàn tay.
Tuy nhiên, khi da và lòng trắng trong mắt bạn bắt đầu chuyển sang màu vàng cũng là lúc mà lá gan của bạn đã "dỗi" đến mức không thể dỗ dành được nữa. Mô sẹo hình thành quá nhiều dẫn tới mất chức năng gan. Cuối cùng, thứ mà bạn phải đối mặt sẽ là bệnh ung thư.
Khoảng 10-20% bệnh nhân mắc xơ gan cuối cùng sẽ tiến triển thành ung thư gan.
Vậy làm sao để giữ lá gan khỏe mạnh?
Tin tốt là bạn không phải kiêng rượu bia hoàn toàn - thứ gia vị cho những cuộc vui - bởi như đã nói, lá gan của chúng ta có khả năng tự tái sinh. Chỉ cần bạn cho nó thời gian để làm việc. Muốn vậy, bạn cần giới hạn lượng cồn nạp vào cơ thể mình mỗi tuần, và không uống rượu liên tục, để lá gan có thời gian nghỉ ngơi từ 2-3 ngày mỗi tuần để tái tạo lại bản thân.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mức tiêu thụ rượu bia an toàn là không vượt quá 14 đơn vị cồn mỗi tuần. Trong đó, 1 đơn vị cồn = Dung tích (ml) x (nồng độ %) x khối lượng riêng (cồn có khối lượng riêng là 0,793g/cm3). Tính ra, 1 đơn vị cồn = 10g cồn nguyên chất.
Đối với loại rượu nặng 40 độ, 1 đơn vị cồn tương đương với chỉ 1 chén 30 ml. Đối với rượu vang 13,5 độ, đó là khoảng 1 ly 100 ml. Còn đối với bia có nồng độ cồn 5 độ, 1 đơn vị tương đương 1 lon hoặc một cốc bia hơi.
Như vậy, một tuần bạn không nên uống quá 14 ly rượu hoặc 14 lon bia.
Ngoài ra, muốn lá gan khỏe mạnh và tự tái sinh nhanh chóng, bạn cũng cần giữ sức khỏe tổng thể. Điều này có thể được thực hiện thông qua một chế độ ăn lành mạnh, tránh bữa ăn giàu calo, chất béo bão hòa và carbohydrate tinh chế như đường và đồ ngọt. Các loại thực phẩm này cũng đặt gánh nặng lên gan và khiến gan phải hoạt động căng thẳng để phân giải chúng.
Một chế độ ăn tốt cho gan là chế độ ăn giàu chất xơ, chất béo tốt từ dầu thực vật, cá và các loại hạt. Ngoài ra, bạn đừng quên hydrate hóa cơ thể bằng cách uống đủ nước mỗi ngày để giữ cho hoạt động thanh lọc của gan được thuận lợi.
Tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn đốt cháy mỡ thừa trong gan nhanh hơn, ngoài ra, nó cũng sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe tổng thể, để có một cơ thể khỏe mạnh.
Cuối cùng, nếu có thể thì bạn nên kiêng rượu bia hoàn toàn, đồng thời tránh các độc tố khác ngoài rượu. Bất cứ độc tố nào cũng có thể giết chết tế bào gan, ví dụ như khói thuốc lá, hơi độc từ thuốc trừ sâu, sơn tường, hóa chất và các loại phụ gia khác…
Hãy nhớ rằng lá gan là bộ phận duy nhất trên cơ thể người được tạo hóa trang bị cho khả năng tái sinh tuyệt vời. Nhưng chúng ta đừng nên quá lạm dụng khả năng đó. Bởi các tế bào gan chết đi sống lại sau mỗi bữa nhậu cũng biết hờn dỗi.
Một khi chúng "dỗi" không tái sinh nữa, cơ thể bạn sẽ gặp phải vấn đề nghiêm trọng, từ bệnh gan nhiễm mới, tới xơ gan và cuối cùng là ung thư.
Nguồn: Theconversation, NIH, Nytimes