Gian nan, trắc trở từ những ngày đầu tiên đi tìm con...
Chia sẻ về hành trình tìm con, chị Trương Thị Hoa (SN 1983, Hà Nội) chia sẻ, trước khi quyết định thăm khám hiếm muộn, chị cũng đã "thả" một năm nhưng không có dấu hiệu gì. Nhận thấy tuổi tác hai vợ chồng cũng không còn trẻ trung nữa, anh chị quyết định đi thăm khám điều trị hiếm muộn.
Kết quả khám sàng lọc cho thấy, cả hai vợ chồng đều bình thường. Bác sĩ không tìm được nguyên nhân vì sao chị lại khó mang thai đến vậy. Lo lắng, 2 vợ chồng chị quyết định làm IUI tại một bệnh viện. Gần 10 lần tổng cộng, cả hai vẫn không thấy tia hi vọng le lói. "Bệnh viện có lượng bệnh nhân thăm khám và điều trị hiếm muộn rất đông. Mỗi lần đi phải đi từ 5 giờ sáng để xếp hàng lấy phiếu khám mà đến nơi đã thấy một hàng dài hết cả hành lang bệnh viện rồi", chị Hoa nhớ lại.
Sau khi làm xong IUI, 2 bệnh nhân được cho nằm chung một giường để nghỉ ngơi 15-30 phút trước khi ra về. Tình trạng này khiến chị Hoa vô cùng căng thẳng. Hậu quả là vợ chồng chị liên tiếp gặp thất bại khi đi tìm con tại đây.
Sau đó, 2 vợ chồng chị quyết định chọn BV Vinmec để làm nơi gửi gắm trọn niềm tin, mong tìm gặp con yêu. Chị bắt đầu có một hành trình dài tại Vinmec.
"Lần chuyển phôi thành công vừa rồi là sau gần 4 năm điều trị tại đây với 3 lần chọc hút trứng. Trong đó có một lần lấy trứng xong thì mình không cầm máu nên cũng phải mổ nội soi cầm máu và truyền máu, 6 lần chuyển phôi thất bại trong đó có 2 lần có beta nhưng lần 1 sau 6 tuần không có tim thai, lần 2 thì 4 tuần thai tự thoát ra. Tới lần thứ 7, may mắn cũng mỉm cười với mình", chị Hoa tâm sự.
Sau khi chuyển phôi, thường bác sĩ sẽ khuyên nên dùng que thử sau 10-14 ngày chuyển phôi. Nhưng chị Hoa nghĩ chẳng mẹ nào chờ được đến ngày đó mà thường đến ngày thứ 7 đã thử rồi. Chị cũng không ngoại lệ.
"Đó là vào sáng sớm thứ 7, mình lò dò dậy đi vệ sinh sau đó lấy que thử mà hồi hộp khó tả, chuẩn bị sẵn tinh thần một vạch như mọi lần nên thử que xong mình để trong nhà vệ sinh 5 phút, sau đó mới vào xem. Ôi cảm xúc vỡ oà khi 2 vạch hiện rõ mồn một. Nước mắt chực trào ra, vội vào lay ông xã dậy, đưa cái que 2 vạch ra mà ông ấy cũng không kiềm chế được niềm vui, ôm mình vào lòng", chị Hoa nhớ lại, ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc đong đầy.
Hạnh phúc lắm nhưng 2 vợ chồng chị đều nén cảm xúc lại chờ qua ngưỡng 6-7 tuần để siêu âm tim thai vì lại sợ như lần trước không có tim thai. Đến khi siêu âm ở tuần 6 có tim thai, lúc đó hai vợ chồng mới yên tâm và cảm thấy niềm vui thực sự. Bất ngờ hơn, tuần thứ 7 siêu âm thấy tim thai thứ 2 tức là chị đậu 2 phôi, hết bất ngờ này đến bất ngờ khác dù sau đó thai thứ 2 yếu hơn, rồi mất hẳn ở tuần 12. "Mình buồn nhưng sau đó nhanh chóng trấn tĩnh lại. Có lẽ em nó hi sinh để bảo vệ chị mình sinh ra khỏe mạnh hơn chăng?".
Em bé đến với gia đình chị trong niềm hi vọng tột cùng.
Chở che mầm sống bé bỏng khi trong mình mang đủ thứ bệnh phát sinh trong thời gian thai kỳ
Bắt đầu quá trình theo dõi thai, chị Hoa cũng nghĩ mình mang thai đơn giản như những bà mẹ khác. Đọc kết quả siêu âm, lúc nào cũng được bác sĩ khẳng định con phát triển bình thường khiến chị thở phào. Chỉ có điều, lần nào cũng thấy bác sĩ note (ghi chú) lại là nhau thai bám thấp. Chị Hoa băn khoăn vì sợ ảnh hưởng đến em bé, bác sĩ trấn an là càng về sau thai to lên sẽ kéo nhau thai lên nên không lo. Về nhà, chị Hoa cũng lên mạng tra nhau bám thấp là như thế nào thì thấy bảo có nguy cơ nhau tiền đạo. Chị Hoa cũng chuẩn bị tinh thần nếu bị nhau tiền đạo thật.
Ông trời tiếp tục thử thách chị. Hôm 28 Tết (tức ngày 09/02), hai vợ chồng về quê ăn Tết, đến ngày 29, khoảng hơn 9 giờ tối, chị Hoa đi vệ sinh thì tự nhiên thấy máu tươi chảy từng giọt một. Cố kìm nén nỗi sợ, chị nói với ông xã. Cả hai vợ chồng rối bời. Chị Hoa lúc này cố gắng nằm im trên giường vì cũng có đọc qua các tình huống nếu bị ra máu thì điều đầu tiên là nằm im bất động, sau đó gọi cho bác sĩ theo dõi là BS Nguyễn Ngọc Chiến.
Con gái yêu của chị Hoa.
"Bác sĩ khuyên mình nên nằm theo dõi, uống thuốc giảm co nếu không chảy máu nữa thì không sao, vận động đi lại hạn chế, còn nếu lo lắng quá thì nên đi viện. Mình lại không chuẩn bị thuốc này vì không nghĩ đến tình huống như vậy. Mình bảo mẹ mình sang trạm y tế xã mua, nhưng họ cũng không có mà còn khuyên nếu như vậy nên đi viện. Bạn biết đấy, khó khăn lắm mới được đến bây giờ, hơn nữa mai 30, ngày nữa là mùng 1 Tết, nhỡ nếu có vấn đề gì thì gọi xe cấp cứu cũng khó. Thế nên, 2 vợ chồng quyết định ngược lên viện cấp cứu trong đêm hôm ấy. Hơn 11 giờ đêm đã có mặt ở viện, siêu âm con vẫn bình thường, máu cũng đã cầm mới hết lo chứ trước đó nước mắt chỉ muốn trào ra vì sợ mất con mà phải kìm nén vì không muốn ông xã lo lắng. Sau đó mình xin về nhà theo dõi, đó là khi thai được 19 tuần 3 ngày", Chị Hoa tâm sự với đôi mắt ngấn dòng lệ.
Đến tuần 24 của thai kỳ, chị Hoa mắc tiểu đường thai kỳ. "Cũng may không phải trường hợp nặng mà chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn và theo dõi", chị kể.
Gian nan vẫn chưa dừng lại, khó khăn tiếp tục đeo bám chị. Vào một buổi sáng sớm của tuần thai thứ 28 (ngày 13/4) đang ngủ, chị Hoa bỗng nghe tiếng "ục" một cái, giống như bị kinh nguyệt. Khi lấy tay sờ xuống, chị thấy đẫm một vũng máu tươi. "Lúc này mình kinh hãi hơn lần trước vì lần này thấy máu ra nhiều quá, lay chồng dậy bảo kiểm tra xem, ông ấy nhìn thấy máu đầm đìa thì mặt tái mét lại còn sợ hơn cả mình, chả biết làm gì. Lại án binh bất động theo dõi, khoảng 5 phút sau lại thấy ục phát nữa, lần này là một cục máu đông như tiết gà ấy. Lúc này chân tay run lẩy bẩy, nhắn tin cho BS Chiến vì lúc đó trời còn rất sớm", chị Hoa nhớ lại.
BS Chiến hay tin, gọi lại ngay cho chị Hoa, yêu cầu nhập viện gấp. Trên đường đến viện, chị chỉ biết luôn miệng cầu trời khấn phật cho con được an toàn. "Con như hiểu được nỗi lo lắng của mẹ nên đạp bên này, bên kia bụng hoài. Khi vào siêu âm, may mắn thay, tim thai vẫn đập bình thường, không có cơn gò. Lúc này mình mới thở phào nhẹ nhõm".
BS Chiến sau thăm khám cho chị yêu cầu nằm viện điều trị một tuần. Anh cũng cho biết, trường hợp của chị thì xác định sống chung với lũ nên kéo dài được tuần nào thì tốt tuần đó. Nguy cơ doạ sẩy cao nên BS Chiến khuyên tiêm trưởng thành phổi cho con, nếu có sinh non phổi của con cũng đỡ bị ảnh hưởng.
Đồng ý tiêm vì con, đường huyết của chị Hoa lại lên cao phải tiêm insulin. Chị phải nằm một chỗ trong bệnh viện mất nửa tháng, sau đó mới được về nhà. Về nhà sinh hoạt, chị cũng để ý hơn, tuyệt đối không làm việc nặng hoặc cúi gập người, hạn chế tối đa đi lại xa.
Yên ổn như vậy được mấy tuần, đến tuần thai 32, chị lại bị ra máu. Lần này, máu không ra ồ ạt như lần trước nên chị cũng đỡ run hơn. Nhắn tin cho BS Chiến, anh yêu cầu nhập viện. "Lại khăn gói quả mướp vào ăn cơm viện. May mắn là siêu âm con vẫn bình thường, nhưng trong quá trình theo dõi, sợ là mấy ngày sau lại ra máu và có cơn gò, cần nằm viện 10 ngày thì mình xin ra vì "kinh phí" cao quá. Nằm viện thì thích thật , một mình một phòng, được phục vụ cơm 4 bữa đến tận giường, bữa ăn có các menu chọn lựa, các chị em điều dưỡng viên thì ới cái là có mặt, bác sĩ thăm khám hỏi han hàng ngày... Nếu không phải vì khoản kinh phí thì mình nằm đến lúc đẻ luôn, khỏi phải cứ ra rồi lại vào cho mất công", chị Hoa cười nói.
Sau 10 ngày, con cũng được 34 tuần. Chị Hoa về nhà, chồng chỉ cho ăn và nằm, không cho động chạm vào thứ gì hết. "Ông xã bảo vợ giờ là Boss, cơm nước, chợ búa, giặt giũ mình nằm chỉ đạo. Vì còn mấy tuần nữa thôi là con chào đời rồi nên ông kiêng cho vợ lắm, những lần trước cũng có kiêng nhưng mình không nằm một chỗ được, vẫn đi lại cơm nước, làm việc nọ việc kia", chị Hoa "bật mí".
Thế rồi chị Hoa cũng trụ được tới tuần 38 mà không có vấn đề gì. Siêu âm lần cuối trước khi sinh, bác sĩ nói con bị dây rốn quấn cổ "n" vòng, "bác sĩ chán chả buồn đếm", chị Hoa cười kể lại. Bác sĩ chỉ định mổ bắt con cho trường hợp của chị.
Hái trái ngọt sau bao lần vất vả với niềm biết ơn sâu sắc đến bác sĩ
Trải qua thai kỳ kéo dài 38 tuần 2 ngày, chị Hoa sinh ra một bé gái nặng 2,9kg. Trong phòng sinh, khi nghe tiếng khóc của con, rồi các y tá lau chùi cho con bảo con khoẻ mạnh bình thường, biết con chào đời an toàn cũng là lúc chị trút được nỗi lo lắng đeo bám bấy lâu nay.
Vì sinh mổ nên chồng không được vào, chị Hoa cũng không được da kề da với con. "Mình chỉ được nhìn mặt con, sau đó điều dưỡng mang con về phòng dưỡng sau sinh, cho da kề da với bố. Thông thường chỉ kề da khoảng 30 phút, các ông bố trả con về cho điều dưỡng vậy mà ông xã mình ngồi bất động để da kề da với con suốt 4 giờ. Chồng mình nói là con bé quá, sợ động đậy nhỡ con làm sao, rồi đưa cho điều dưỡng thì không yên tâm... cho đến khi mình tỉnh được đưa về phòng, lúc đó điều dưỡng bảo vợ về phòng rồi mới đón con từ bố để đưa về phòng cho con ti sữa non", nghĩ lại, chị Hoa vẫn không khỏi xúc động.
Chị Hoa tâm sự, hành trình tìm con là một chặng đường đầy thử thách. Chỉ có những người trong cuộc mới có thể hiểu được điều này thôi. Nếu như thành công ngay lần 1 hay lần 2 thì còn đỡ, nhưng hết lần này đến lần khác thất bại, nó khiến cho thể xác lẫn tâm hồn bị dày vò đến héo tàn vậy. Những câu hỏi tại sao lúc nào cũng hiện lên trong đầu, nhất là đi đâu mà nhìn thấy mọi người dắt theo trẻ con thì lòng lại càng buồn tủi . Nhưng ngoài mặt lúc nào cũng giả bộ trấn an mình, hay giả bộ trước mặt mọi người rằng "tôi không sao".
"Khi quá nhiều lần thất bại, hai vợ chồng bàn tính đến chuyện mang thai hộ, sau đó có đến gặp bác sĩ để nói về nguyện vọng của mình. Bác sĩ cũng phân tích cho mình hiểu, mang thai hộ cũng có những rủi ro 50-50 tức là có thể thành công hoặc không, hơn nữa bác sĩ cũng bảo 2 vợ chồng bình thường, sao không thử thêm một lần nữa xem sao... Vợ chồng mình sau đó cũng bị lung lay ý tưởng nhờ người mang thai hộ rồi quyết định làm thêm một lần nữa và đã thành công. Thậm chí khi theo dõi niêm mạc để chuyển phôi còn rất mỏng có 5,4mm, BS Nam siêu âm cho mình bảo mỏng thế này thì chuyển phôi kiểu gì, khiến mình cũng lăn tăn buồn. Nhưng khi về phòng, BS Chiến siêu âm lại cho mình cũng thấy niêm mạc mỏng thật (vì mình cũng có tiền sử niêm mạc mỏng) nhưng 3 lá đẹp nên bác sĩ quyết định vẫn chuyển phôi, mình thì đặt niềm tin 100% vào bác sĩ", chị Hoa tâm sự.
Con đến lần này với vợ chồng chị Hoa như một cái duyên. "Không hiểu sao, lần chuyển phôi này lúc nào mình cũng có niềm tin là sẽ thành công, và rồi đón 2 vạch thật, rồi quá trình mang thai gian nan vất vả vậy nhưng con vẫn khỏe mạnh hiện hữu bên mình. Cảm ơn con yêu đã đến bên bố mẹ mang lại niềm hạnh phúc và tiếng cười cho cả gia đình".
"Nhân đây mình xin gửi lời cảm ơn chân thành tới đội ngũ y - bác sĩ khoa ART - Vinmec, đặc biệt là lời tri ân sâu sắc tới BS Chiến - người đã đồng hành cùng mình trong suốt quá trình mang thai, tư vấn 24/7 không hề nói ngoa chút nào. Có bất thường gì là nhắn tin gọi điện làm phiền bác sĩ nhưng lúc nào bác sĩ cũng nhẹ nhàng tư vấn chi tiết, nhiệt tình. Bác sĩ cũng là người mổ mẹ tròn con vuông cho mình. Chúc bác sĩ luôn dồi dào sức khoẻ và thành công trong sự nghiệp", chị Hoa nhắn nhủ.
Một số thông tin về ca bệnh
Chia sẻ về trường hợp của vợ chồng chị Trương Thị Hoa, ThS.BS Nguyễn Ngọc Chiến (Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết, chị Hoa được chỉ định làm thụ tinh ống nghiệm do vòi trứng trái thông hạn chế, chồng lớn tuổi nên tinh trùng có mật độ thấp, tinh trùng di động yếu, tỷ lệ bất thường cao. Đây là một ca bệnh khó khi bệnh nhân tuổi đã cao (35 tuổi), có tiền sử chuyển phôi 4 lần thất bại, trong đó có một lần thai lưu ở tuần thứ 7. Năm 2018, chị Hoa được tư vấn sinh thiết niêm mạc tử cung, kết quả thiếu tế bào miễn dịch tử cung, được dừng chuẩn bị niêm mạc để điều trị thiếu tế bào miễn dịch tử cung, theo phác đồ của Matrice Lab nhằm đảm bảo niêm mạc tử cung ở trạng thái tốt nhất.
Tới cuối năm 2019, chị Hoa bước vào chu kì chuẩn bị niêm mạc cho lần chuyển phôi thứ năm. Sau 14 ngày chuyển phôi, chỉ số Beta-HCG của chị đạt 155. Nhưng cuối cùng lại là thai sinh hoá – không có túi ối. Lúc này đã tròn 3 năm chị theo Vinmec mặc dù thất bại tới lần thứ 5, 2 vợ chồng vẫn tiếp tục theo phác đồ điều trị tại Vinmec.
Sau đó, BS Nguyễn Ngọc Chiến là người theo dõi cho bệnhh nhân, lúc này đã là tháng 10/2020. Trải qua hành trình mang thai gian nan, khó khăn, nhiều cảm xúc, chị đã sinh em bé khỏe mạnh sau 5 năm điều trị tại Vinmec.