Kaki Okumura là một nhà văn và họa sĩ minh họa người Nhật sống ở Mỹ cho đến năm 12 tuổi. Dưới đây là tâm sự của nữ nhà văn về nỗi tự ti khi thừa cân và những cách giúp cô lấy lại vóc dáng.
Tôi lớn lên thừa cân và tự ti vì vóc dáng của mình
Tôi là một người con gái thừa cân, mỗi khi ngắm ảnh cả gia đình, tim tôi như có ai đó bóp chặt vì tôi biết bản thân là người duy nhất trong nhà có ngoại hình quá khổ. Tôi lớn lên ở Mỹ, cho đến năm 12 tuổi tôi phải đối mặt với một thách thức về sức khỏe mà rất nhiều người Mỹ khác gặp phải: thừa cân.
Nếu như cả nhà tôi đều gặp khó khăn về việc giảm cân, có lẽ tôi đã không thấy bơ vơ như vậy trong cuộc hành trình của mình. Nhưng trong nhà, ai cũng có cân nặng vừa phải.
Bố mẹ tôi rất tâm lý và không bao giờ chê bai thân hình của tôi, nhưng dù vậy tôi vẫn tự cảm thấy áp lực phải thay đổi ngoại hình. Tôi từng thử mọi cách, từ hạn chế calo và nhịn ăn gián đoạn cho đến các bữa ăn ít carb. Tuy nhiên chẳng có cách nào là đem lại hiệu quả lâu dài, cho đến khi tôi chuyển đến sống tại Nhật.
Tôi luôn mường tượng trong đầu rằng người Nhật ăn uống rất lành mạnh - rằng họ không ăn đồ chiên, thịt hay kem - và hầu hết các bữa ăn của họ bao gồm cơm, cá và rau củ hấp luộc. Khi sống ở đó, tôi bắt đầu nhận ra rằng người Nhật Bản cũng giống như bất kỳ quốc gia phát triển nào khác: Họ vẫn có đồ ăn nhẹ và đồ ăn nhanh, và người dân nước Nhật chắc chắn cũng rất mê đồ ngọt.
Vậy bí quyết sống thọ và giảm cân của họ là gì? Tôi nghĩ đó là sự cân bằng. Tôi bắt đầu tìm hiểu và thực hiện ăn uống theo 4 nguyên tắc dưới đây. Kể từ đó tôi không còn phải vật lộn hay lo lắng về cách ăn uống của mình nữa.
Bí quyết ăn uống của người Nhật đã giúp tôi giảm cân và khỏe mạnh hơn
1. Tôi có một khẩu phần ăn ít mỗi bữa
Một trong những điều đầu tiên mà những người đến thăm Nhật Bản sẽ bất ngờ đó là khẩu phần ăn của họ rất nhỏ.
Khẩu phần ăn ít là một trong những lý do khiến người Nhật có tỉ lệ béo phì thấp. Khi bạn ăn uống điều độ, không có gì vượt qua số lượng cho phép, thì bạn có thể thoải mái ăn bánh kem vào ngày sinh nhật hoặc ăn bít tết vào những ngày đặc biệt. Do đó, tôi cảm thấy ít căng thẳng hơn về việc chọn thực phẩm.
Tôi nhận ra rằng ăn uống lành mạnh bền vững không phải là sức mạnh ý chí hay kỷ luật tự giác mà là khả năng kết hợp các loại thực phẩm chúng ta yêu thích một cách điều độ.
2. Bữa ăn của tôi luôn đa dạng
Khi bạn đến một nhà hàng ở Nhật Bản, bạn thường bắt gặp một bữa ăn bao gồm cơm, súp miso, một món ăn giàu protein và một vài món rau ăn kèm. Các món ăn đa dạng từ cá nướng và rau bina hấp đến gà rán và salad.
Điều quan trọng không phải ăn một thứ thật nhiều mà là có rất nhiều nguyên liệu trong một bữa ăn. Làm như vậy, cơ thể sẽ được nạp nhiều loại dinh dưỡng chứ không phải nạp quá nhiều một thứ vào người. Hàng ngày, cơ thể chúng ta cần carbohydrate, chất béo, chất xơ và protein... do đó chỉ khi ăn uống đa dạng thực phẩm thì chúng ta mới có thể bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
3. Chế biến rau củ thật đơn giản
Ở Nhật Bản mọi người không cầu kỳ trong cách chế biến rau củ nhưng lạ là chúng rất ngon. Các món rau thường được nêm nhạt, thường được hấp hoặc thậm chí là ăn sống. Điều đó giúp cho tôi cảm nhận được độ ngọt, tươi ngon của chúng.
Khi tôi bắt đầu nhận ra vị ngon của các nguyên liệu, tôi bắt đầu tập trung vào cách tăng cường và tận hưởng chúng thay vì dùng nhiều gia vị để che dấu.
4. Không ăn vặt linh tinh
Từ bỏ thói quen ăn vặt tuy khó khăn với tôi nhưng thay vào đó tôi thay đổi để ăn đúng bữa hơn, góp phần tạo ra sự cân bằng trong dinh dưỡng.
Sống ở Nhật Bản đã cho tôi thấy rằng ăn uống lành mạnh không phải là kỷ luật tự giác hay ý chí sắt đá bởi đây đều những thứ không giúp ích cho việc xây dựng thói quen suốt đời, mà là tìm kiếm sự cân bằng. Nhờ vậy, tôi đã giảm cân và khỏe mạnh hơn rất nhiều.
Tôi cũng nhận ra rằng thực phẩm không chỉ là nguyên liệu: Nó có thể là trung tâm của văn hóa, truyền thống, bản sắc và giá trị của chúng ta. Do đó điều quan trọng là hãy tiêu thụ chúng một cách hợp lý, không quá nhiều cũng không nên quá ít.