Áp dụng các biện pháp tránh thai sẽ giúp các cặp vợ chồng chủ động kế hoạch sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh và số con mong muốn. Nhưng đây lại là điều khá khó khăn với nhiều bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú, nhất là với những người sinh con lần đầu.

Chị T.H ở Hà Nội chia sẻ, sau sinh chị không muốn uống thuốc tránh thai vì sợ ảnh hưởng đến sữa. Tuy nhiên, không dùng biện pháp tránh thai nào nên chị luôn thấy thấp thỏm, lo lắng chỉ sợ lại mang bầu tiếp khi con còn quá nhỏ.

Còn chị B.N cũng cho biết, sau khi sinh chị đã tính ngày an toàn nhưng vẫn bị “vỡ kế hoạch”. Kinh tế gia đình khó khăn, con mới được 9 tháng tuổi, nên chị đành phải phá thai. Điều đó không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mà còn khiến chị bị mất sữa, nên phải cai sữa cho con từ sớm.

Sau sinh bà mẹ nên chọn biện pháp tránh thai nào? - Ảnh 1.

Để không bị "vỡ kế hoạch", bà mẹ sau sinh nên chú ý thực hiện biện pháp tránh thai

Sinh con quá liền nhau hay phải phá thai khi bị nhỡ kế hoạch, cả hai điều này đều không tốt cho sức khỏe bà mẹ cũng như em bé. Đặc biệt, với những phụ nữ sinh mổ, nếu mang thai quá sớm sẽ tăng nguy cơ vết mổ bị bục gây vỡ tử cung, vô cùng nguy hiểm. Do đó, theo bác sĩ Đỗ Xuân Vinh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sau sinh cho dù chưa xuất hiện kinh nguyệt trở lại thì các bà mẹ nên chú ý thực hiện các biện pháp tránh thai. Hiện có rất nhiều biện pháp thai dành cho phụ nữ đang cho con bú mà không lo ảnh hưởng đến nguồn sữa.

“Sau sinh khoảng 6 tuần là người phụ nữ có khả năng mang thai trở lại. Do đó, các bà mẹ nên chú ý phòng tránh thai. Chúng ta có thể dùng viên thuốc tránh thai đơn thuần progesterone sẽ không ảnh hưởng đến nguồn sữa nuôi con. Bên cạnh đó, các bà mẹ có thể dùng que cấy tránh thai, miếng dán tránh thai đơn thuần progesterone thôi. Hoặc có thể dùng phương pháp đặt vòng tránh thai, dùng bao cao su, xuất tinh ngoài âm đạo. Nếu sinh đủ con rồi, không có nhu cầu sinh nữa có thể dùng phương pháp thắt ống dẫn trứng” – BS Đỗ Xuân Vinh gợi ý.

Mỗi phương pháp tránh thai sẽ có những ưu, nhược điểm riêng. Tùy tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh mà bà mẹ đang nuôi con nhỏ lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Với những phụ nữ muốn đặt vòng tránh thai, BS Đỗ Xuân Vinh lưu ý, dù sinh mổ hay sinh thường thì bà mẹ nên chọn thời điểm khoảng từ 4-6 tuần sau sinh, khi giải phẫu tử cung trở về bình thường mới nên thực hiện biện pháp này. Với những bà mẹ đặt vòng muộn hơn, trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng sau sinh thì nên kiểm tra xem có thai hay không rồi mới đặt vòng.

Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh cũng cho biết, trong trường hợp cần thiết, bà mẹ đang cho con bú vẫn có thể dùng được thuốc tránh thai khẩn cấp. Tuy nhiên, bác sĩ cũng khuyến cáo, mặc dù thuốc tránh thai khẩn cấp không ảnh hưởng đến sữa mẹ nhưng có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, rong huyết bất thường nên phụ nữ nên hạn chế sử dụng loại thuốc này.